Thursday, August 22, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Phải chăng tất cả tâm đều có đủ bốn thành phần: thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn?

Hỏi. Phải chăng tất cả tâm đều có đủ bốn thành phần: thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn? Nếu đúng vậy thì Tạng Kinh cũng đề cập “sự kết cấu hổn hợp” của tâm pháp? 

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 23-7-2013, Thiên Ân chuyển biên, Minh Hạnh hiệu đính)

TT Tuệ Siêu:  Tất cả tâm đều có sự hỗn hợp giữa bốn thành phần danh uẩn, thọ, tưởng, hành, thức được phân loại chỉ thấy nói đến ở Vi Diệu Pháp, trong Abhidhamma Pitaka.

 Khi chúng ta đề cập Kinh Tạng, trong Kinh Tạng không cần thiết phải nói, cho nên, Đức Phật Ngài không nói đến vấn đề đó. Nếu mà có,ì Ngài cũng chỉ nhắc sơ qua một vài yếu lý. 

 Ví dụ, trong Kinh Tạng, kinh Tăng Chi, Đức Phật Ngài cũng có đề cập đến một loạt là sáu xúc: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân xúc, ý xúc; sáu thọ, sáu tư, sáu tầm, sáu tưởng, nghĩa là những bài Pháp Đức Thế Tôn thuyết Ngài chỉ nêu chi tiết chứ Ngài không nói đến vấn đề hỗn hợp, tập hợp. 

 Tạng Diệu Pháp thì sâu xa về thực tính, còn Tạng Kinh chỉ nói đến thành phẩm của Danh Pháp không nói đến tâm phân tích chia chẻ. Tạng Vi Diệu Pháp nói đến tâm phải biết tâm trong đó gồm có những gì. 

 Chẳng hạn, khi chúng ta đi đến bác sĩ khám bệnh, bác sĩ cho mình toa thuốc, trong đó có những thuốc gì,  ngày uống mấy lần, một lần mấy viên, uống bao nhiêu ngày, nên kiêng ăn gì, cử ăn gì, nên ăn gì, bác sĩ thì dặn như vậy. Nhưng, người dược sĩ, tức người bào chế thuốc, là người phân tích thuốc. Ở Việt Nam, dược sĩ chỉ bào chế thuốc để bác sĩ trị bệnh thôi, nhưng ở nước ngoài, như ở Mỹ chẳng hạn, chúng ta đi bác sĩ  chuẩn đoán bệnh cho chúng ta, ví dụ chúng ta bị cảm, bác sĩ sẽ cho toa để mua thuốc, nhưng vì xét nghiệm xem thì thấy có thêm bệnh về gan hay bao tử, chẳng hạn bác sĩ công nhận bệnh nhân Nguyễn Văn A này có bệnh về gan, bệnh về bao tử thì yêu cầu dược sĩ chế tạo thuốc riêng cho họ, bỏ bớt đi thành phần có hại cho gan, cho bao tử. 

 Thì ở đây, trong Kinh Tạng cũng ví dụ như vậy, đi đến bác sĩ, trong Kinh Tạng Đức Phật chỉ thuyết một Pháp, Ngài nhắc Pháp nào có mục đích, có ý nghĩa tu tập, giúp người khác tu tập thôi. Nhưng, Tạng Diệu Pháp thì lúc bấy giờ Ngài mới phân tích ra trong bộ Dhammasaṅganī- bộ Pháp Tụ - mới phân ra một tâm thiện sanh lên thì diễn tiến như thế nào, có Thọ, có Tưởng, có Tư, có Tác Ý v…v nêu đầy đủ chi tiết giống như người dược sĩ, thì không nói đến bệnh mà chỉ bào chế và phân tích các dược tánh mà thôi.

  Cho nên, ở đây tùy theo chỗ mà chúng ta nói, về ý nghĩa đó, chúng ta cần hiểu rằng giữa Tạng Kinh và Tạng Diệu Pháp không có sự chống trái nhưng vì ở Kinh Tạng thì những Pháp được Đức Thế Tôn thuyết có tính pháp thoại để người nghe, như người bác sĩ chỉ khám bệnh và kê toa để bệnh nhân uống v…v, nhưng ở Tạng Diệu Pháp mới phân tích ra trong một tâm gồm bao nhiêu tâm sở phối hợp v….v, cũng như người dược sĩ, chế tạo, bỏ tánh dược này, thêm tánh dược kia v…v. Ở đây chúng ta phải hiểu điều này. 
  
  Trong câu hỏi phải chăng tất cả tâm đều có đủ bốn thành phần: thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn thì vế đầu là đúng, tâm nào cũng có bốn thành phần như thế, gọi là Tứ Danh Uẩn trong một sát na tâm.
  
  Còn vế sau nếu đúng vậy thì Tạng Kinh cũng đề cập “sự kết cấu hổn hợp” của tâm pháp thì không phải. Tạng Kinh không phải để phân tích những hoạt chất, tính chất, những thành phần kết cấu trong một sát na tâm. Đây là điều chúng tôi xin được chia sẻ với quý vị. Namo Buddhāya.

No comments:

Post a Comment