Tuesday, August 27, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Tâm trong Phật Pháp có những đặc điểm gì khác biệt với quan niệm linh hồn theo thường thức?

Hỏi: Tâm trong Phật Pháp có những đặc điểm gì khác biệt với quan niệm linh hồn theo thường thức?

(câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, ngày 23-7-2013, Thiên Ân chuyển biên, Minh Hạnh hiệu đính)

 TT Tuệ Quyền: Tâm trong Phật Pháp khác với linh hồn theo thường thức. Linh hồn theo thường thức thì trường tồn bất biến, không hề thay đổi, tức linh hồn đó không bao giờ biến đổi, mình sẽ về với Phật, sẽ về với Chúa, sẽ về với thần như thế này thế nọ.

Hiểu như vậy rất sai lầm. Linh hồn không về theo ai, đi theo ai, cũng không hề có linh hồn trường tồn bất biến vĩnh hằng.

Tâm vốn là vô thường, vốn là biến đổi, thay đổi liên tục, tính chất của tâm là như vậy.

Tâm trong Phật Pháp, do có căn, cảnh, thức sanh khởi tâm, đồng sanh, đồng trụ, đồng diệt và thời gian của tâm nhanh gấp 16 lần sát na đối với sắc pháp, thì chúng ta thấy tâm sanh diệt liên tục. Có ba sát na; sanh, trụ, diệt, một khảy móng tay có triệu triệu sát na sanh, thì chúng ta thấy không có một linh hồn nào trong đó trú giữ hay chạy theo.

 Không có linh hồn trường tồn, bất biến, vĩnh hằng trong cuộc đời này  mà chỉ có tâm sanh, tâm quây quần chạy như con cá trên bờ nhảy lung tung, tâm ác có, tâm thiện có, tâm không thiện không ác có, đó là một quy trình trôi chảy liên tục, khác với linh hồn theo quan niệm bình thường của người ta. Linh hồn này sẽ đi về đâu, đi như thế nào.

 Sự tái sanh của chúng ta không phải là linh hồn, thức của chúng ta khác với linh hồn, tâm của chúng ta cũng khác với linh hồn. Bởi khi có sự hiện khởi của căn, cảnh, thức thì thức đó có mặt do có căn, cảnh, thức hay tâm đó có mặt do có căn, cảnh, thức hay khi tâm có mặt, thức có mặt đồng nghĩa rằng có sở tâm, cả một quy trình, là một bệ phóng gồm nhiều quy trình, chứ không chỉ có một linh hồn di chuyển, đi đến chỗ này chỗ kia như xác thân của chúng ta, khi chết rồi thì nó theo xác thân này đi về bên kia thế giới nên ở đó sẽ như thế này thế kia. Phật Pháp không hứa hẹn về thiên đàng hay cảnh giới nào đó mà Ngài bảo rằng nếu chúng ta về nơi đó chúng ta sẽ được như thế này như thế kia.

Quý vị đọc kỹ trong kinh văn những lời dạy Phật ngôn của chính lời Phật thuyết, không bao giờ có dẫn dắt hoặc giới thiệu chúng ta một cảnh giới nào đó.

Đức Phật Ngài nói rằng: "Nếu các ngươi tu tập sợ lạc sợ khổ, vượt qua thiện ác, không còn tạo chủng sanh tử đau khổ thì các ngươi sẽ được trạng thái tịch tịnh vắng lặng, trạng thái không vui, không buồn, không khổ, không sầu, không lạc".

Chúng sanh phàm phu nghe như vậy cảm thấy buồn vì khi tu hành rồi không còn gì cả. Nhưng cuộc đời này có vui là có buồn, có sanh là có tử, có ngày có đêm, có sáng có tối, như thế là vòng xoay. Làm sao mà chúng ta có thể tìm cái không sanh, không cầu, không vui, không khổ. Trạng thái đó là một trạng thái tịch tịnh vắng lặng mà chúng ta không dễ dàng gì đi về trạng thái vắng lặng tịch tịnh đó, trong khi tâm tư phàm phu của chúng ta dẫy đầy, cho nên người ta mới nắm bắt, mới chọn linh hồn, linh hồn đi chỗ này đi chỗ kia, vì vậy các đạo giáo khác luôn hứa hẹn cảnh giới cao sang và quyền quý.

Đức Phật dạy người làm ác hưởng quả ác, người làm lành hưởng quả lành, ai đeo đuổi, ai bám chấp, còn cầm nắm, còn hiện hữu sẽ đau khổ.

 Quan niệm về tâm trong tinh thần Phật Pháp khác xa linh hồn được tạo ra đến cảnh giới này, cảnh giới nọ của cuộc đời, của Thượng Đế, của Đấng tạo chủ tạo tác ra cho chúng ta sanh ra trong cuộc đời này, hình thức trở lại với Thượng Đế hoàn toàn không có. Hay chúng ta sanh ra là con của Phạm Thiên hay chúng ta sanh ra từ Phạm Thiên và chúng ta sẽ trở về Phạm Thiên. Phạm Thiên tức sự cao cả, mang tính Thượng Đế hơn muôn người thì hoàn toàn không liên quan gì hết.

 Mỗi chúng sinh là Thượng Đế của mình, mỗi chúng sinh là Phạm Thiên của mình, mỗi chúng sinh là con người chịu trách nhiệm chính cá thể của mình và chúng ta chịu trách nhiệm trước tâm và sở tâm của mình, sở tâm, sở tánh, sở hành và sở tướng, sở xúc, sở thọ, sở niệm. Không ai ban phước giáng họa cho ta cả. Chính do tâm này dẫn dắt, chính do tâm này đem đi. Đó chính là tâm thiện tâm ác.

 Manasaa ce padu.t.thena bhaasati vaa karoti vaa - Tato na.m dukkhamanveti cakka.m'va vahato pada.m.

Nếu làm ác thì như bánh xe lăn theo con bò kéo xe, nếu làm thiện như bóng không rời hình.

Tức việc thiện ác do chúng ta chịu trách nhiệm khác với thường thức về linh hồn bên ngoài mà chúng ta thấy. Phật Pháp không chấp nhận một linh hồn trường tồn bất biến, không chấp nhận một Thượng Đế ban phước giáng họa, không chấp nhận cảnh giới hứa hẹn về nơi đó sẽ được như thế này được như thế kia.

 Phật Pháp nói lên sự tỉnh thức của con người phải hiểu rằng cuộc đời này có vui, có buồn, cuộc đời này là vô thường, khổ não, vô ngã, khi nào còn hiện hữu, khi đó sẽ đau khổ, lục xúc duyên lục thọ, lục thọ duyên lục ái, lục ái duyên lục thủ, lục thủ duyên sanh hữu và nghiệp hữu, sanh hữu và nghiệp hữu duyên cho già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não và thế là vô minh tiếp tục, sanh tử đau khổ từ ngày này qua ngày nọ, từ kiếp này qua kiếp kia, trầm luân sinh tử vô thủy vô chung cũng chính do tâm thức này, do thiện ác này, do nghiệp quả này mà chúng ta đi từ đời này qua đời kia, chứ không có một linh hồn hay Thượng Đế nào mà dẫn dắt chúng ta vào đời. Chính ta tự tạo nghiệp lành nghiệp thiện và chúng ta chịu trách nhiệm, chúng ta hưởng quả đó và chịu trách nhiệm chính nó.

1 comment:

  1. Tôi không biết phải giới thiệu như thế nào. Quyển sách mà các bạn sẽ đọc sau đây là tác phẩm vô cùng quý cho những người thành tâm tìm đạo. Không phải bằng sự tin tưởng, cầu nguyện, mà bằng sự sáng suốt. Kinh Bát Đại Nhân Giác có câu “ Duy Tuệ Thị Nghiệp ”. Như người đi đêm chỉ cần một ánh đèn là đũ. Nếu những lời hay, sách quý đúng vào mục đích nhất là mục đích cốt tủy của người tầm đạo thì thật là như một ngọn đèn sáng. Trân trọng giới thiệu với các bạn tác phẩm “ Ý Thức là Tất Cả ” của Peter Francis Dziuban do Ông Vũ Toàn biên dịch và gửi tặng . Một quyển sách nói về Phật tánh ( Tánh Biết, Bản lai diện mục, Chơn Tâm…) do một tác giả Tây Phương viết với văn phong hiện đại. Một quyển sách chỉ trực tiếp cho hành giả thấy lại “ viên ngọc bỏ quên trong chéo áo của mình ”. Cảm nhận riêng tôi đây là một tác phẩm rất xuất sắc. Thật là một duyên lành, phước báu lớn cho người tìm đạo khi đọc quyển sách này. Nếu các bạn muốn, xin vào trang web chuabenhdongian.com và để lại email tôi sẽ gửi sách đến các bạn

    ReplyDelete