Chúng ta sống trong sự tương tác của nhân quả nhưng chúng ta không nhìn thấy đầu mối của nó, do vậy đôi khi chúng ta chợt vui chợt buồn, nghĩ rằng mình may mắn hayà mình xui xẻo hoặc giả là mình thế này mình thế kia, nhưng tất cả nó đều đến từ đầu mối có nhân rồi tạo ra quả, do nhân quá khứ tạo ra hiện tại, nhân hiện tại tạo quả trong tương lai, mà chúng ta không thấy được.
Trong trường hợp này Đức Thế Tôn Ngài đặc biệt đề cập đến một khía cạnh đẹp nhất của cuộc sống, đó là ở trong kiếp trầm luân sanh tử tuy rằng có nhiều khổ đau phiền lụy nhưng ở trong một cái nhìn rất tương đối thì có những quả vị trong thế giới nhân thiên hết sức khả lạc khả hỉ và mang lại sự an lạc, và Ngài gọi sự an lạc đó là công đức.
Chúng ta hiểu đạo thì chúng ta sẽ hoan hỉ công đức, nhưng, hoan hỉ công đức trong một cách có hiểu biết chứ không phải là công đức này chúng ta làm việc gì cũng làm loạn lên giống như một người đói cơm khát nước thấy cái gì ăn cũng chụp lấy, không phải như vậy, làm việc thì phải có trí tuệ, thật sự việc tạo phước hay tạo công đức là một nghệ thuật rất lớn ở trong sự tu tập hàng ngày của người Phật tử. Chúng ta thường dành thì giờ tâm trí để nghiên cứu về những việc khác nhưng nếu chúng ta nghĩ và tập trú vào điểm này thì chúng ta thấy rằng có nhiều điều chúng ta phải hiểu và hiểu rất rõ chứ không đơn thuần là thấy ai kêu phước thì mình cũng làm phước, người ta làm phước mình bắt chước làm theo chứ mình không có thật sự hiểu rõ cái gì mình đang làm.
Có những cội nguồn công đức là do bố thí, biết tự nhiếp hóa nội tâm bằng hành trì giới, tu tập thiền định, phát triển từ tâm và những cách đó là những cội nguồn công đức là những cái gì mà mình có thể thực hiện được ngay ở trong đời sống hiện tại ở đây. Và nếu một người biết làm phước biết tạo công đức thì chẳng những mang lại lợi lạc cho mình và còn mang lợi lạc cho rất nhiều người chung quanh mình.
TT Giác Đẳng - Không Sợ Hãi Công Đức - Minh Hạnh
No comments:
Post a Comment