TÍCH BÀ ĐEN Ở NÚI TÂY NINH
Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình
Ngày xưa, núi Bà Đen gọi là núi Một. Trên đó, có tượng Phật bằng đá rất linh thính. Người Việt Nam, Cao Miên, Chàm … xúm nhau dọn đường để lên cúng Phật. Họ phải đi từng đoàn vì dọc đường cọp beo rất nhiều.
Lý Thị Thiên Hương là cô gái văn hay, võ giỏi, gốc ở Trảng Bàng, thuở nhỏ, nước da của cô đen đúa nhưng lớn lên trở nên xinh đẹp.
Mỗi ngày rằm, cô lên núi lạy Phật. Trong làng có chàng thanh niên tên Lê Sĩ Triệt đem lòng yêu mến cô.
Một hôm, vị quan Cao Miên nọ toan dùng võ lực bắt sống cô đem về làm thiếp. Quan ta bèn ra lệnh cho tên thầy võ thi hành. Lúc cô Lý Thị Thiên Hương bị tên võ phu nọ đánh bạ, bỗng nhiên Lê Sĩ Triệt xông ra cứu được. Về nhà, cô thuật lại cho cha mẹ hay. Cha mẹ cô đồng ý cho làm lễ thành hôn. Nhưng lúc ấy nhằm lúc Võ Tánh chiêu binh giúp vua Gia Long đánh Tây Sơn, Lê Sĩ Triệt lập tức tòng quân.
Cô Thiên Hương chờ ngày Lê Sĩ Triệt trở về ca khúc khải hoàn. Rủi thay hôm nọ, lúc đang cầu khẩn trên núi, bọn cướp Miên đến bao vây. Nàng phải chạy vào rừng mất tích luôn.
Qua đời Minh Mạng, có vị Hòa thượng trụ trì trên núi Tây Ninh. Một hôm đang niệm Phật, sư cụ thấy một nàng nọ, mặt đen nhưng xinh đẹp hiện ra nói văng vẳng: -Ta đây là lý Thị Thiên Hương, khi mười tám tuổi bị bọn cướp rượt nên té xuống hố chết. Nay ta đắc quả rồi. Hòa thượng nên xuống triền núi phía Đông Nam tìm thi hài ta mà chôn cất giùm …
Đúng như lời, Hòa thượng gặp xác của cô, đem chôn cất. Vì tiếng đồn, vài người Cao Miên đến coi đám ma nọ, nhưng vừa tới nơi là họ hộc máu ngã ra chết.
Quan Thượng Quốc Công Lê Văn Duyệt bèn lên núi để biết hư thực. Ngài hứa dâng sớ về trào để truy phong cho cô Thiên Hương, nếu cô làm thế nào cho ngài thấy tận mắt sự hiển hách. Dứt lời cô Thiên Hương bèn nhập vào xác một đứa con gái mà nói: -Hồn của Thượng quan nay mai được chức Thần kỳ linh hiển, nhưng xác của Thượng quan phải bị hành hạ.
Quan Thượng Quốc Công Lê Văn Duyệt nói: -Bổn chức không cầu xin biết tương lai của mình. Bổn chức muốn biết rõ căn do của nàng.
Xác nọ bèn rơi nước mắt thuật lại việc chết oan của mình và nhắc lại duyên tiền định với Lê Sĩ Triệt. Theo lời thuật lại thì sau khi thành Bình Định thất thủ, Lê Sĩ Triệt tử tiết theo Võ Tánh, đã được phong chức Thần tướng coi sóc hai tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận. Vì muốn được trường sanh bất tử nên hai đàng không chung chăn với nhau.
Nhờ vậy nàng được phép xuống cõi trần thế để cứu dân độ thế.
Dứt lời cô gái nọ nhào ngửa, bất tỉnh nhân sự, hồi lâu mới tỉnh.
Quan Thượng Quốc Công Lê Văn Duyệt bèn thay mặt nhà vua mà phong cho Lý Thị Thiên Hương chức vị “Linh Sơn Thánh Mẫu”, ngự ở núi Một, tức là núi Bà Đen bây giờ.
No comments:
Post a Comment