Saturday, April 14, 2018

Đọc và Suy Ngẫm Tại sao chúng ta nên gần bậc thiện trí?

Đọc và Suy Ngẫm
Tại sao chúng ta nên gần bậc thiện trí?


 Minh Hạnh ghi lại

TT Giác Đẳng: Đời sống của chúng ta trong thái độ thân cận không phải chỉ là một sự lựa chọn của trí tuệ. Sự lựa chọn của trí tuệ ở đây có nghĩa chúng ta thường lựa chọn người bạn tốt nhất cho mình. 
Và vấn đề còn lại là thế nào là người bạn tốt? 

Những việc đó không thường xảy ra đối với chúng ta, chúng ta chỉ lựa chọn bằng trái tim của mình mà thôi. Nói một cách khác là cho dù lý trí của chúng ta cho biết một người nào đó thật sự không đáng để quen, không đáng để thân cận, bởi vì họ không phải là một người tốt nhưng chúng ta vẫn thích thân cận bởi vì ở trong lòng của chúng ta nghĩ người đó mang lại cho chúng ta một cảm giác, ví dụ một cảm giác êm đềm hay một sự mơn trớn đối với tự ngã của mình, hoặc giả là người đó có những lời nói tâng bốc làm chúng ta vui lòng đẹp dạ. 

Và hầu hết thái độ thân cận trong đời sống của chúng ta mang tánh cách bản năng hơn là có một sự thâm tình rõ ràng. Bởi vì ở trong cuộc sống này phần đông khi đối diện với những bậc thiện trí, những người có một trình độ tâm linh tương đối thì chúng ta thường cảm thấy không thoải mái. Ví dụ như qúi vị gần gủi với một vị Thầy hay ở gần cha mẹ mình, những người chỉ cho chúng ta điều hay lẽ phải, nghĩ đến lợi ích thật sự của chúng ta, thì có lẽ chúng ta xem những vị đó như là những cây roi tức là những sự răn đe nhiều hơn là một cảm giác thoải mái. Cảm giác thoải mái là cảm giác chúng ta gần một người nào đó mà người đó không có đánh giá mình, người đó có thể thoả mãn được những thú vui của mình. Ví dụ chúng ta thích đi chơi, chúng ta thích cờ bạc rượu chè, và thậm chí có những người thích bạn bè chỉ đơn giản ở gần những người đó có thể ăn tục nói phét được. Thì những thứ đó là bản năng căn bản của chúng ta. 

Ở đây chúng ta không đánh giá ai tốt ai xấu, chỉ có một vấn đề mình nói rằng phần đông chúng ta cho dù có một sự tôn trọng, có sự hiểu biết rằng anh A bà B hay là Thầy C những người đó là những người tốt, những người đó là những người có trí tuệ đi nữa thì chúng ta cũng ít thích lân la, ít thích giao du, thường thường chúng ta giữ thái độ kính nhi viễn chi, kính mà ở xa nhưng không dám thân cận, không dám thân cận ở đây không phải là vì ở gần những người đó họ là cọp là beo gì, nhưng chúng ta không thoải mái, chúng ta chỉ thoải mái đối với những người bạn những người bạn đó làm cho niềm hãnh diện ở trong lòng của chúng ta được vuốt ve, họ làm cho chúng ta cảm thấy mình được thoải mái được dễ chịu. 

Điều tất nhiên, nếu mình không thân cận được với người thiện thì tự nhiên mình có khuynh hướng gần ác. Như một câu của người Ấn Độ nói "với một người không thể cúi đầu trước bậc thiện trí thì sớm muộn gì người đó sẽ a dua hoặc là sẽ tuân phục trước những người xấu xa."

Một câu Phật ngôn trong kinh Pháp Cú: 

Chớ thân cận bạn ác
Chớ thân cận kẻ tiểu nhân
Hãy thân cận bạn lành
Hãy thân bậc thượng nhân

Chúng ta tìm thấy ở đó một sự kêu gọi rất lớn ở Đức Phật, sự kêu gọi này không nhắm vào trí tuệ của chúng ta, sự kêu gọi này nhắm vào bản năng thường tình của chúng ta, chúng ta chỉ thích thân cận với những người làm đẹp lòng mình, chúng ta chỉ thích thân cận với những người làm cho bản ngã của mình được ru ngủ, chúng ta chỉ thích thân cận với những người nào mà những người đó khiến chúng ta có được một sự sinh hoạt tương đối dễ chịu thoải mái trong cái ăn chơi ngủ nghỉ v.v... nhưng chúng ta rất ít thích thân cận với những người nói lên tiếng nói của lẽ phải của công tâm và vì sự lợi ích chân thật, và chỉ có những bậc thượng nhân thiện trí mới cho chúng ta những thứ đó.

Ở trong cuộc đời này có một sự việc là những người họ chỉ lợi dụng chúng ta hoặc giả họ chỉ mưu cầu lợi lộc như một công ty bán hàng chẳng hạn, thì họ luôn luôn tìm cách để đến để làm cho chúng ta chú ý, để làm chúng ta bị quyến rủ bởi những gì họ đưa ra. 

Nhưng bậc thiện trí ở trong đời thì không giống như vậy. Bậc thiện trí giống như một bóng cây đại thụ, ai đến núp dưới bóng cây thì được bóng mát, nhưng ai rời xa bóng cây thì cái cây đó không chạy theo để nắm níu để kêu lại "hãy đến đây ngồi dưới bóng cây của tôi, tôi sẽ che bóng mát," bóng cây đó không làm như vậy. Chúng ta sống thường thường có thái độ nghĩ rằng những người có trí là những kẻ vô tình, chúng ta thích những người nào săn đón mình, những người nào thích đến gần mình nhưng không may cho chúng ta. Người Trung Hoa vẫn thường nói một câu: "Người đến không tốt bằng người tốt không đến." Những người nào thật sự là bậc thiện trí, thật sự là người mang lại hạnh phúc lợi lạc cho chúng ta thì thông thường năm khi mười hoạ vì một nhu cầu gì hết sức đặc biệt, vì nhắc nhở chúng ta, hay vì tình thế chẳng đặng đừng thì những vị đó mới chủ động để đến gặp chúng ta, còn đa phần là chúng ta phải đi tìm đạo, chúng ta đi tìm bậc thiện trí thức, đi tìm bằng tâm thành của mình. 

Và những vị thiện trí thức đôi khi sống gần chúng ta chỉ ban cho chúng ta những lời dạy nào có liên hệ trực tiếp đến đời sống tu tập của mình, chứ không cố gắng để làm cho chúng ta được cảm thấy rằng lúc nào cũng bao phủ với tất cả sự chăm sóc ân cần, lúc nào cũng phủ lên chúng ta với tất cả sự lo lắng chìu chuộng, chuyện đó không có đối với bậc thiện trí. 

Người Trung Hoa nói rằng "quân tử tình như đạm thủy" nghĩa là tình của người quân tử nhiều khi giống như nước lạnh, nước lạnh tuy rằng nó không ngọt, tuy là nó không thơm nhưng nó được dùng bởi nhiều thứ. Và cách sống, tâm tình của bậc thiện trí của người quân tử thông thường không giống như kỳ vọng của chúng ta. Chúng ta quen sống ở trong cuộc đời này là hễ một người thân một người mà chúng ta có thể nương tựa thì người đó phải dành cho chúng ta rất nhiều tình thương, rất nhiều sự chăm sóc, rất nhiều sự ân cần, những thứ này đôi lúc nó không có lợi gì cho sự lớn mạnh của chúng ta hết. Hãy nhớ một điều rằng chúng ta lớn lên ở trong cuộc đời không phải chỉ có những bàn tay vuốt ve mà chúng ta lớn lên ở trong cuộc đời là nhờ những bậc Thầy, những bậc Thầy đó chỉ điểm đưa đường dẫn lối cho chúng ta mà đôi lúc những vị đó đối với chúng ta hoàn toàn bằng một thái độ thản nhiên không nồng nàn như chúng ta kỳ vọng với những người thân của mình. 

Thân cận người tiểu nhân, chúng ta hiểu là những người hạ liệt, những người không có sự phong phú về đời sống tâm linh, những người có cuộc sống rất nghèo nàn về thiện pháp, những người sống thuần về bản năng, những người này thật ra là đời sống họ không có gì đáng để thân cận. Chúng ta thân cận với họ chỉ uổng phí đời sống của chúng ta bởi vì họ không có trao truyền cho chúng ta một ánh sáng trí tuệ nào khả dĩ để dựa trên đó mà chúng ta có thể lớn mạnh được. Nghĩa là họ chỉ là một miếng đất khô cằn, họ chỉ là cây không có cành không lá. Thì thân cận với những người như vậy quả thật chỉ đưa chúng ta đi từ trì trệ đến sự thối lui chứ không có một sự tiến bộ nào khả dĩ cho đời sống tinh thần ./.

No comments:

Post a Comment