Tuesday, April 17, 2018

Đọc và Suy Ngẫm - Như thế nào là trí văn, tư, tu ?

Đọc và Suy Ngẫm
 Như thế nào là trí văn, tư, tu ?


 Minh Hạnh ghi lại

TT.Tuệ Siêu: Trong đời sống hằng ngày, ngọn đèn trí tuệ ở đây là trí tuệ trong tâm đại thiện hay trí tuệ trong tâm thiện dục giới chúng ta cố gắng phát triển. Phát triển cả ba mặt trí văn, trí tư và trí tu.

-Nói trên phương diện trí văn (Sutamayapaññā), người Phật tử không hiểu được pháp môn đó, chúng ta có thể học hỏi chư Tăng để nghe giảng và hiểu. Hoặc chúng ta ngồi với tâm an tịnh để thính pháp. Nhờ nghe pháp với sự nhiệt tâm hoan hỷ như vậy chúng ta được sự sáng suốt, hiểu biết thấu đáo. Chúng ta biết rành về những pháp môn tu tập như vậy là trí văn.

-Trí tư là như thế nào?( Cintāmayapaññā) Trí tư chỉ cho trí tuệ phát sanh do chúng ta suy luận hằng ngày. Đức Phật Ngài dạy những pháp môn trong đời sống hằng ngày chúng ta phải tự suy tư. Thí dụ như chúng ta phải suy xét, "ta có sự già không tránh khỏi sự già, ta phải bị bệnh không thoát nổi sự bệnh, ta phải chết không thoát khỏi sự chết. ta phải xa lìa nhân vật thương yêu quý mến, ta có nghiệp riêng là của ta v.v…" Chúng ta suy xét những sự đó để phát sanh lên sự nhàm chán. Đây là trí tư. Chẳng hạn như  hằng ngày khi nhìn thấy những chúng sanh khác họ vui v cười đùa, có những hành vi lố bịch, chúng ta phải tự cảnh tỉnh mình, chúng ta phải tự suy xét khi đời mãi bị thiêu đốt bởi những phiền não và bị thiêu đốt bởi sự già bệnh chết, ,sầu, bi, khổ, ưu, não. Như vậy có đáng gì để vui cười với thế gian, có đáng gì để ta hoan hỷ. Khi chúng ta suy xét như vậy, chúng ta phát sanh lên trí tuệ để chúng ta sợ hãi thế gian này. Đây cũng là cách chúng ta tìm ánh sáng với trí tư. Hay chúng ta thắp lên sự chán nản, trí tuệ nhàm chán với thân tứ đại này, thân luân hồi khổ đau này.

-Trên phương diện trí tu (Bhāvanāmayapaññā). Nếu nói theo chi pháp một cách chính xác thì trí tu là trí tương ưng tâm thiền định hay tương ưng với tâm đạo tâm quả mới gọi là trí tu . Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu được, thêm một điều rằng trí tu cũng có thể luyện tập được bằng cách sau khi chúng ta suy tư về cuộc đời này, thấy rõ bản chất của cuộc đời, chúng ta nhiệt tâm, chánh niệm và tỉnh giác với thân quán niệm xứ, thọ quán niệm xứ, tâm quán niệm xứ, pháp quán niệm xứ. Chúng ta chánh niệm và tỉnh giác để chúng ta thấy rõ bản chất vô thường, khổ và vô ngã của danh và sắc . Trí phát sanh bằng tuệ quán như vậy cũng có thể gọi là trí tu.

Ba loại trí chúng tôi vừa trình bày xem như là ngọn đèn để chúng ta thắp lên mà đi. Mặc dầu trong đêm tối chưa có thể có được ánh mặt trời để xua tan bóng tối nhưng chúng ta có ba ngọn đèn hay ba cây đuốc nho nhỏ này cũng có đủ ánh sáng soi đường đi mà không bị lầm đường lạc lối. Cũng vậy, trong đời sống tu tập của chúng ta mặc dầu chúng ta chưa được ánh sáng trí tuệ đạo quả nhưng chúng ta có được ba loại trí văn, trí tư, trí tu. Tương đối trong đời sống hằng ngày chúng ta có thể chánh niệm tỉnh giác có thể tự chủ, vậy thì ta hãy cố gắng tu tập và đi tìm ngọn đèn cho chính mình. Hãy tự thắp đuốc mà đi, điều đó chúng ta cũng đã biết. Vì đối với Phật giáo sự tu tập không nhờ cậy vào một tha lực khác. Chúng ta không ngồi lại chỉ nguyện suông, mà phải ý thức được bản chất của cuộc đời như thế nào, khổ đau là như thế nào. Khi đã nhàm chán chúng ta bắt đầu tìm ngọn đèn và ngọn đèn trí tuệ đó chỉ có trong nội tâm của chúng ta thôi . Chúng ta hãy cố gắng tu tập như vậy. Chính sự tu tập (sati sampajānna) chánh niệm tỉnh giác trong đời sống hằng ngày được xem như là loại trí tuệ đặc biệt, nó sẽ giúp chúng ta có thể có đủ mãnh lực để xua tan bóng tối được.

Tuy nhiên có những người chưa có nhân duyên để thành tựu tuệ quán Vipassana, thì bây giờ chúng ta hãy cố gắng có được trí văn và trí tư. Trí văn là chúng ta hiểu Phật Pháp bằng cách chúng ta nghe pháp, học pháp. Trí tư là hằng ngày chúng ta phải thẩm nghiệm thấy mình đau khổ, bệnh hoạn, có tóc bạc, da nhăn hay có những bệnh như bệnh gan bệnh tim, bệnh phong thấp, bệnh phong hàn v.v Chúng ta phải tự cảnh tỉnh rằng có thân này đây phải chịu sự khổ như thế. Hoặc giả khi chúng ta thấy người khác đau khổ, thấy người khác rơi vào tinh trạng thống thiết chúng ta cũng suy xét bản chất thế gian đau khổ là như vậy, luân hồi sanh tử là như vậy. Đó là những trường hợp chúng ta cần suy xét trong đời sống hằng ngày..

No comments:

Post a Comment