Monday, April 30, 2018

Điển Hay Tích Lạ

Tĩnh Nan Chi Dịch

Sau khi dựng nước, Minh Thái Tổ- Chu Nguyên Chương lấy Nam Kinh làm thủ đô, nằm cách miền bắc tương đối xa. Bấy giờ, thế lực tàn dư triều nhà Nguyên ở miền bắc thường xuyên đánh xuống miền nam, uy hiếp đến an ninh biên giới. Minh Thái Tổ đã quyết định áp dụng chế độ chia phong trước đây, đem một số vị trí quan trọng phong cho các chư vương họ Chu. Nhà vua có 26 con trai, ngoài Thái tử Chu Tiêu và người con thứ 26 đã mất ra, còn lại 24 người đều được phong Vương, cộng thêm một người cháu nữa cả thảy là 25 Vương.

Bấy giờ, các Phiên Vương thời đầu triều nhà Minh có quyền lực rất lớn, bổng lộc mỗi năm trên 10 nghìn thạch, họ có thể tự lập Vương phủ, có quân đội chẳng kém gì nhà vua.

Năm 1398, Thái tử Chu Tiêu bị bệnh qua đời, con trai là Chu Doãn Văn lấy danh nghĩa là cháu cả đã tự lập làm Hoàng Thái Tôn. Do các Phiên đại vương đều là chú của Chu Doãn Văn, nên họ cơ bản không coi Hoàng Thái Tôn vào đâu.

Sau khi Minh Thái Tổ qua đời, Chu Doãn Văn lên nối ngôi, tức Kiến Văn Đế, các Phiên Vương lúc này càng tỏ ra bất mãn hơn. Kiến Văn Đế thấy vậy mới cùng thầy là Hoàng Tử Trình và đại thần Tề Thái thương nghị. Tề Thái muốn trước tiên hạ thủ Yến Vương Chu Đệ, nhưng Chu Doãn Văn không nghe và cho rằng, trước hết nên diệt trừ các Phiên Vương ở xung quanh Yến Vương, sau đó mới động đến Yến Vương thì sẽ dễ dàng hơn nhiều. Vừa may lúc đó có một người con của Chu Vương tố cáo cha mưu làm phản, hơn nữa còn mật bàn với Yến Vương, Tề Vương và Tương Vương. Kiến Văn Đế liền vin vào cớ này tước binh quyền của Chu Vương và giáng chức xuống làm thường dân, kế đó các Phiên Vương khác đều bị cách chức, số còn lại và tương đối có thế lực chỉ còn mỗi Yến Vương Chu Đệ mà thôi.

Trước tình hình này, Yến Vương đương nhiên không chịu bó tay, ông đã bí mật chiêu mộ binh mã để chờ thời cơ. Sau đó, ông sai người tung tin mình bị mắc bệnh động kinh, suốt ngày ăn nói huyên thiên để đánh lạc hướng Kiến Văn Đế.

Tuy vậy, Kiến Văn Đế vẫn chuẩn bị phế bỏ tước vị của Yến Vương, nhà vua sai Tạ Quý dẫn quân bao vây Yến vương phủ, nhưng Yến Vương đã biết trước nên tẩu thoát, sau đó dẫn quân trở lại giết chết Tạ Quý, rồi tuyên bố khởi binh. Lịch sử gọi cuộc nội chiến này là "Tĩnh Vương chi biến".

Yến Vương là người từng trải trận mạc, quân đội anh dũng thiện chiến, họ đánh xuống miền nam đã nhanh chóng chiếm lĩnh được Cư Dung Quan, Mật Vân, Tuân Hóa v v. Còn phía Kiến Văn Vương tuy chiếm ưu thế về số lượng binh mã, nhưng các danh tướng đều đã bị Minh Thái Tổ thanh trừng gần hết, các tướng mới thì cơ bản không phải là đối thủ của Yến Vương.

Trận chiến giữa hai bên kéo dài trong gần 3 năm, Yến Vương thắng nhiều thua ít, sau được tin Thành Nam Kinh đang bị bỏ trống, Yến Vương bèn nhân thời cơ này tập trung lực lượng đánh thẳn sang Nam Kinh, đoàn quân đã nhanh chóng đánh đến bờ sông Trường Giang. Kiến Văn Vương thấy tình hình nguy cấp, liền vội vàng cử người đến xin cầu hòa. Nhưng kế hoãn binh này không thể đánh lừa được Yến Vương, ông chỉ huy quân vượt qua sông Trường Giang vây hãm thành Nam Kinh. Mấy hôm sau, đại tướng giữ thành là Lý Cảnh Long mở cửa thành ra xin đầu hàng.

Yến Vương Chu Đệ dẫn quân tiến vào thành, rồi ra lệnh lùng bắt Kiến Văn Vương, có người đến báo là trước khi thành bị phá, trong hoàng cung đã xảy ra một đám cháy lớn, Kiến Văn Vương cùng các hậu phi chắc chắn đã bị lửa thiêu cả rồi. Yến Vương cử người tìm kiếm thì quả nhiên tìm thấy mấy xác chết, nhưng các xác chết đều đã bị cháy xém, cơ bản không thể nào phân biệt được nam hay nữ. Yến Vương đứng trước xác chết khóc to lên rằng: "Cháu ơi, cũng chỉ vì ta muốn giúp cháu diệt trừ gian thần, chứ đâu có mong xảy ra nông nỗi này", khóc xong liền sai người hạ táng cẩn thận. Bấy giờ, mọi người hô vang ủng hộ Yến Vương lên làm vua. Yến Vương lên ngôi đã phế bỏ niên hiệu Kiến Văn, đặt niên hiệu Vĩnh Lạc, qua đó nhằm chứng tỏ mình là người trực tiếp kế thừa ngôi vua Minh Thái Tổ, và gọi sự kiện này là "Kiến Văn tốn quốc", đây có ngụ ý là Kiến Văn Đế đã tự nguyện nhường ngôi cho mình. Đó chính là Minh Thành Đế, ông vua đời thứ ba triều nhà Minh.

No comments:

Post a Comment