Thursday, April 19, 2018

Đọc và Suy Ngẫm - Pháp môn Niệm Phật ý nghĩa ra sao?

Đọc và Suy Ngẫm

 Pháp môn Niệm Phật ý nghĩa ra sao?


Minh Hạnh ghi lại

TT Giác Đẳng: Có ba quan niệm khác nhau về niệm Phật.

1 - Thứ nhất niệm Phật công cử hay là niệm Phật với sự chuyên chú niệm một hồng danh Phật, niệm tên danh xưng của Ðức Phật, như Ðức Phật A Di Ðà chẳng hạn, niệm nhất tâm bất loạn nghĩa là niệm liên tục, niệm như vậy thường được qua nhiều phương tiện như người Trung Hoa, hay  người Việt Nam thường niệm Phật lần chuỗi, hoặc người Tây Tạng cũng dùng chuỗi để niệm, một ngày họ có thể niệm 1000 lần danh hiệu của các Ðức Phật, như Ðức Phật Tỳ Lô Giá Na, hay Ðức A Di Ðà v.v...Niệm Phật như vậy thì mang tánh cách thiền định

Một vài pháp niệm Phật khác trong truyền thống Phật Giáo Nam Tông như niệm Budho là ân đức Phật, ở trong đó là ân đức Phật Ðà, cũng là một cách niệm như cách tu thiền, nghĩa là niệm qua hơi thở, niệm đi niệm lại nhiều lần. Tuy vậy, cũng có một cách niệm Phật khác mang sắc thái tôn giáo tính nhiều hơn là tánh của thiền, tôn giáo tính có nghĩa là chúng ta niệm Phật trở thành quen miệng. Giả sử như trong truyền thống Bắc truyền thì mỗi khi gặp nhau thường hay niệm ADiDaPhật. ADiDaPhật được xem như câu mở đầu cho câu chào hỏi, và rồi niệm Phật đã trở thành bản sắc của những người Phật tử, cũng như, các tôn giáo khác họ niệm xưng danh hiệu vị giáo chủ của mình, ở trong Ky Tô Giáo họ cũng nói " rằng lạy Chúa tôi " chẳng hạn, những câu đó quen miệng như là một sự gần gủi một tín đồ với một đấng thiêng liêng cao cả.

2 - Trong cách niệm Phật thứ hai này, niệm lâu trở thành quen miệng thường nói như vậy, chúng tôi đã có rất nhiều cố gắng để nhìn lại pháp môn niệm Phật khi Ðức Phật còn tại thế, và một thí dụ hết sức đặc biệt về quan điểm liên quan đến niệm Phật. Trong câu chuyện này chúng ta sẽ đi xa hơn vào chi tiết niệm Phật của câu truyện được nhắc ở tại đây là có một em bé quen miệng lúc nào cũng niệm Nam Mô Phật Ðà Gia, như quí vị thường nghe:

Nam Mô Phật Ðà Gia, Nam Mô Phật Đà Gia, Nam Mô Tăng Đà Gia, cái câu Nam Mô Phật Đà Gia là Namo Buddhàya, nghĩa là thành tâm đảnh lễ Ðức Phật, xin đảnh lễ Ðức Phật.

Ở trong nhà em bé này cha mẹ thường hay nói câu Namo Buddhàya và em cũng hay quen miệng tụng như thế.

Câu chuyện này, một lần cha đi tìm con bò đã bị lạc mất, và khi tìm lại đươc con bò lạc bấy giờ cửa thành đóng lại, không có cách gì để ra ngoài tìm con, đêm đó em bé đã ngủ một mình ở ngoài thành trong bãi tha ma, theo trong kinh kể thì tối hôm đó có một ác dạ xao đã định hại em bé này, nhưng khi trong giấc ngủ em bé mớ lên lời "Namo Buddhàya", lúc bấy giờ dạ xoa cảm thấy sợ hãi không dám đụng đến, một dạ xoa tốt đã nói với ác dạ xoa rằng phải làm một cái gì đó để đừng làm em bé kinh hoàng, và câu chuyện chúng ta đã được nghe đọc là ác dạ xoa đã vào trong hoàng cung lấy một ít thức ăn đựng trong một đĩa bằng vàng đem ra giả làm cha mẹ để cho em bé ăn cho đỡ đói trong đêm.

3 - Nói về pháp môn niệm Phật, có rất nhiều sự dị biệt khi người Phật tử quan niệm về vấn đề niệm Phật: 

- Quan niệm về niệm Phật trong truyền thống Phật Giáo Bắc truyền là niệm Phật theo danh hiệu của Phật. Niệm danh hiệu của Phật, như niệm Đức Dược Sư hay niệm Đức Phật A Di ĐÀ, hay niệm Đức Tỳ Lô Giá Na và có lẽ vị Phật được niệm nhiều nhất là Phật A Di Đà, hay Vô Lượng Thọ Vô Lượng Quang Phật, như vậy tức là lấy tên của vị Phật nào đó niệm.

- Trong truyền thống Nam tông cũng xác nhận có nhiều vị Phật, mặc dầu có những vị Phật quá khứ, có những danh hiệu như Đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Đức Phật Ca Diếp, Đức Phật Thi Khí, Đức Phật Tỳ Bà Thi v.v....Tuy nhiên, ở trong truyền thống Phật Giáo Nam Tông thì không lấy danh tánh của Chư Phật để niệm, mà niệm vào ân đức Chư Phật, và ân đức Phật đây là ân đức của cả ba đời mười phương Chư Phật, ví dụ như là Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ. Thế Gian Giải.

Và hai ân đức Phật được niệm nhiều nhứt đó là Arahan là Ứng Cúng tức là bậc trọn lành, là bậc xứng đáng được cúng dường và Buddho là Phật Đà có nghĩa là bậc Giác Ngộ tỉnh thức.

Về pháp môn niệm Phật có nhiều pháp môn đại để là có những pháp môn tưởng niệm về ân đức của Phật và an trú vào sự suy niệm đó, như chúng ta nghe giải thích ở trong Thanh Tịnh Đạo, rồi cũng có những pháp môn niệm Phật, dùng một huy hiệu Phật như là Araham hay Buddho, đặc biệt là Buddho có hai âm đi với hai nhịp điệu của hơi thở ra và vào thì niệm là Buddho, niệm Phật Đà hay Araham, hơi thở ra niệm Araham Đức Phật trọn lành, hơi thở vào niệm Araham Đức Phật trọn lành.

Thường thì niệm Phật chung với hơi thở hoặc người ta cũng niệm chung với tràng chuỗi, tại Miến Điện người ta có một cách niệm là trọn cả ân đức của Đức Phật, từ Ứng Cúng Chánh Biến Tri Minh Hạnh Túc mà theo trong kinh Phạn là:

Itipi So Bhagavà Araham cho đến đoạn cuối, nếu mà họ tụng là Itipi So Bhagavà Araham, Itipi So Bhagavà Sammàsambuddho, Itipi So Bhagavà buddhassa sampanno thành 108 âm, 108 âm đó tương ưng với 108 hạt chuỗi ở trong 108 âm tương ưng với 108 hạt trong tràng chuỗi thì đó là cách niệm Phật bằng chuỗi.

Cách niệm Phật theo tôn giáo tính của chúng ta thường niệm và thường nghe một số các Phật tử quen niệm ADiĐà Phật hay mô Phật, những chữ đó tại các quốc gia Phật giáo Nam truyền không nghe nhiều, tại quốc gia Nam truyền người ta nói tùy hỷ là sadhu nhiều hơn là bắt đầu bằng câu là AdiĐà Phật hay Mô Phật, tuy nhiên pháp môn niệm Phật có một chỗ đứng vào thời Đức Phật, và ở đây ví dụ là:

Đệ tử của Gotama năng tỉnh giác chánh niệm,
không luận ngày và đêm thường niệm tưởng Phật Đà,

Và niệm tưởng Phật Đà ở đây có thể được hiểu như trong Thanh Tịnh Đạo đã đề cập, một người suy tư quán niệm ân đức của Đức Phật một cách sức nhuần nhuyễn từ sự quen thuộc của âm thanh, sau đó là sự biến mãn ở trong ân đức của Ngài và sự nhập tâm ân đức của Ngài và đem vào trong từng hơi thở của mình, phép niệm Phật đó được xem như là phép niệm Phật nhuần nhuyễn và pháp niệm Phật đó là pháp niệm Phật thường được đề cập đến ở trong thiền chỉ. 

Chúng ta thường nghe  đọc câu kính lễ Tam Bảo, ở trong đó Đức Phật là:

Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Điều Ngự, Thiên Nhân Sư Phật Thế Tôn".

Đó là những ân đức của Phật

Đời sống bản thân của chúng tôi, có một lần chúng tôi có nghe được Ngài Tangpulu Sayadaw vị Bổn Sư truyền giới cho chúng tôi, Ngài có đề cập đến ân Đức Phật mà qua một ân đức ở trong kinh đó là chữ Thiện Thệ hay Sugato ,  chữ Thiện Thệ  có một âm hưởng rất đặc biệt khi chúng tôi nghe đến chữ Sugato hay Thiện Thệ , thì chúng tôi liên tưởng đến  bậc đại giác đã đi và đã đạt đến chỗ tối thượng và Ngài là một vị có thể nói rằng sự thành tựu bất thối chuyển, khiến chúng ta  có thể đặt trọn vẹn niềm tin đi theo bước chân của Ngài.

Chúng tôi cũng biết một số Phật tử rất thâm nhập Phật hiệu Araham tức là Ứng Cúng hay bậc trọn lành và chúng tôi cũng có biết một vài vị hết sức là nhuần nhuyễn ở trong cách niệm Phật chữ Buddho hay Phật Đà.

Nói chung thì thiền định là chúng ta tạo ra một thói quen tốt, chữ thói quen ở đây có nghĩa là thuần thục có nghĩa là nhuần nhuyễn, khi tâm của chúng ta đã được đặt trong một cái nếp nào cố định thì chúng ta trở lại rất nhanh. Đọc những câu chuyện trong kinh như  một người thường dùng màu xanh hay màu vàng hoặc màu đỏ để làm đề mục thiền chỉ, khi  họ bị hoại thiền, hay là ở kiếp trước họ đã từng tu đề mục đó, kiếp này họ chỉ thấy thì tự nhiên có khả năng tập trung tư tưởng lớn và họ có thể thành tụ được sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, điều đó không ngạc nhiên vì họ quá quen thuộc.

Thời  Đức Phật  Ngài nhấn mạnh cho chúng ta ba lợi lạc rất lớn ở trong cuộc sống, lợi lạc đầu tiên đó là nếu chúng ta thường xuyên để tưởng niệm, để thâm nhập vào những giá trị tốt đẹp của đời sống thì tâm tư của chúng ta sẽ dễ dàng trở về với cảnh giới trong sáng, cho dù đó là một sự giựt mình ở trong cơn mơ, cho dù ở trong phút bất chợt, bất chợt mà chúng ta không để ý đến, thì chúng ta vẫn có thể trở về ngay, bởi vì sao, bởi vì đó là chỗ nương náu mà lúc nào chúng ta cần phải tự bảo vệ lấy chính mình, thì chúng ta sẽ đi vào ngay trong nơi đó.

Chúng tôi nhớ cách đây vài hôm chúng tôi có nhắc trường hợp của Ngài Achaan Sumedho một vị danh Tăng người Mỹ , vị này trong lúc nói chuyện riêng với chúng tôi thì vị này nói rằng bất cứ khi nào lo lắng, khi nào gặp chuyện khó khăn vị này chỉ đọc là

"Buddham saranam gacchàmi, Dhammam saranam gacchàmi, Sangham saranam gacchàmi - con về qui y Phật, con về qui pháp, con về qui y Tăng,"

là vị này tìm về cảnh giới hết sức là nhiệm màu để nương náu nội tâm của mình.

Nói tóm lại

Bằng một quan niệm rất thường thức là nội tâm của chúng ta cũng giống như thân, thân hay tâm của chúng ta là kết quả của quá khứ, là sản phẩm của thói quen, mà ở trong 100 việc chúng ta làm, hết 99 việc là do thói quen của chúng ta, cách chúng ta cười, cách chúng ta nói, cách chúng ta hổ thẹn mắc cở, cách chúng ta cảm ơn, cách chúng ta ưa thích việc gì đó, đều là thói quen hết, và nếu chúng ta có được một sự tu tập và chúng ta quen thuộc với một cảnh giới cao quí, quen thuộc với giá trị cao quí, quen thuộc với đối tượng cao quí mà chúng ta dễ dàng trở về để thể nhập vào ở trong đối tượng đó, cảnh giới đó thì là một lợi lạc rất lớn và điều đó là điều mà Đức Phật Ngài dạy đệ tử của Đức Phật thì thường sống ở trong sự thể nhập như vậy, tức là sống bằng thái độ sống, mà thái độ đó là thái độ đưa tâm tư của mình vào một cảnh giới rộng lớn, cảnh giới cao quí, chứ không phải chỉ sum xoe chăm sóc bề ngoài của mình mà quên đi rằng ở trong nội tại của mình cần có một chất liệu sống, chất liệu sống đó phải lớn hơn, phải cao quí hơn, và đẹp hơn.

No comments:

Post a Comment