Monday, March 19, 2018

Những Ngôi Chùa Cổ Linh Thiêng Tại Miền Nam

Chùa Cổ Phước Hưng Tồn Tại 3 Thế Kỷ Tại SaDec


Ngôi chùa cổ Phước Hưng tọa lạc tại thành phố Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp. Chùa được sư trụ trì là Hòa thượng Thích Minh Phước cho khởi công xây dựng vào năm 1838 của thế kỷ 19. Từ đó đến này ngôi chùa đã trải qua 6 đời trụ trì. Kiến trúc chùa có 8 mái, 2 cấp, được lợp ngói âm dương uốn lượn tạo gợn sóng, chóp mái nhô ra nhưng không quá nhọn và cong vút lên cao. Nóc và các bức phù điêu trên mái chùa được cẩn miếng gốm màu, tạo dáng hình long, lân, quy, phụng, ánh lên những sắc màu rực rỡ khi tiếp xúc ánh nắng.
Chính điện của chùa tuy bày trí chỉ đơn giản, nhưng vẫn thể hiện được sự trang nghiêm thanh tịnh. Gian giữa tôn trí khá nhiều tượng: tượng đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí; tượng đức Phật Thích Ca, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền; tượng Bồ tát Chuẩn Đề, Bồ tát Địa Tạng, Hộ Pháp, Quan Công.. Để ý ta sẽ thấy các câu đồi được chạm khắc ngay vào các cây cột của chính điện. Đặc biệt có một pho tượng A-Di-Đà bằng đất sét thếp vàng có niên đại hơn trăm năm, không nung nhưng vẫn chắc chắn tới nay.
Chính điện của Chùa
Về lịch sử tu tạo chùa thì : Năm 1854, Hòa thượng Minh Phước cho mở rộng Đông lang, Tây lang. Năm 1882, Hòa thượng Như Diệu cho trùng tu ngôi chánh điện. Năm 1919, Hòa thượng Vạn Hiển đã cho in kinh Kim Cang, Phổ Môn, Địa Tạng… bằng chữ Hán khắc gỗ . Hòa thượng Vĩnh Tràng phát nguyện ra tận Hà Nội thỉnh chiếc mõ lớn nặng khoảng 15 kg. Năm 1962, Hòa thượng Vĩnh Đạt trụ trì đã tổ chức trùng tu, mở rộng ngôi chùa (như xây lại Tây lang, xây đài Quan Âm, cổng tam quan…). Năm 1987, Thượng tọa Thích Thiện Huệ kế tục trụ trì tiếp tục công cuộc trùng tu ngôi chùa, tái tạo Đông lang, xây dựng hội trường Trường cơ bản Phật học Đồng Tháp…
Các bộ kinh cổ chữ Hán là : kinh Kim Cang, kinh Phổ Môn, Kinh Địa Tạng.. khắc gỗ năm 1919 vẫn còn được lưu giữ tại chùa.  Trong chính điện còn lưu giữ một vật quý là chiếc mõ lớn được Hòa thượng Vĩnh Tràng là trụ trì đời thứ tư thỉnh về từ ngoài Bắc. Ông đã phát tâm và đi bộ 135 ngày để mang chiếc mõ này về chùa. Vì giữ lại được những dấu tích, kiến trúc cổ xưa qua nhiều thế kỷ nên chùa gây ấn tượng mạnh với du khách trong và ngoài nước bởi sự nguyên vẹn cổ kính.
Chiếc mỏ cổ quý
Chùa là nơi để Phật tử trong và ngoài tỉnh hội ngộ tu tập, tìm đến sự bình yên, an vui an lạc. Thu hút đông đảo du khách ghé thăm, hành hương hàng năm, nhất là vào các ngày rằm, dịp lễ tết để cầu bình an, thịnh vượng. Chùa có Đông Lang và Tây Lang được xây dựng theo kiến trúc cổ xưa trước đây. Trước đây Tây Lang là một hồ sen trắng tỏa hương thơm ngát. Hiện giờ Tây Lang đã được trùng tu lại theo lối kiến trúc mới vừa để tiếp khách vừa sử dụng để lưu giữ kinh sách, còn Đông Lang cũng được sửa sang lại nối dài với nhà trù thành một giảng đường để làm lớp học cho Trường Phật học cơ bản.
Bên ngoài khuôn viên chùa là khoảng sân rộng được bày trí, dựng các tiểu cảnh thiên nhiên, tạo không gian thoáng đãng thanh bình.Hằng năm cứ vào ngày 19 tháng 7 âm lịch, chùa lại tổ chức lễ giỗ tưởng nhớ hòa thượng Thích Minh Phước, vị sư trụ trì đầu tiên của chùa. Nếu có dịp du lịch Đồng Tháp, bạn nên ghé đến tham quan, vãn cảnh Chùa Phước Hưng, để có thể tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống và khám phá những nét đẹp về kiến trúc văn hóa, truyền thống nơi đây.

No comments:

Post a Comment