Friday, December 8, 2017

Cổ Học Tinh Hoa


Cổ nhân dùng người như thế nào? 

Tăng Quốc Phiên từng nói: “Người làm tướng mà không thể nhìn ra ai tốt xấu thì sao có thể dùng được người”. Mới thấy, muốn dùng người, nhất định phải nhìn rõ người, lựa chọn sai đường là hỏng cả đại cuộc.
ề Hoàn Công đi xem chuồng ngựa, liền hỏi viên quản ngựa: “Làm chuồng ngựa, việc gì là khó khăn nhất?”.

Viên quản ngựa còn chưa biết trả lời thế nào, Quản Trọng ở bên cạnh lập tức nói: “Trước đây thần đã từng làm người chăn ngựa nên cũng có hiểu biết đôi chút. Theo ý thần, việc khó nhất chính là đan hàng rào gỗ cho chuồng ngựa.

Nếu như sử dụng cây gỗ cong làm cột mốc, thì cây thứ hai cũng phải chọn gỗ cong, và sau khi sử dụng hết các cây gỗ cong, cây gỗ thẳng sẽ không còn chỗ để dùng. Còn nếu như cây đầu tiên là cây gỗ thẳng, cây thứ hai tất nhiên cũng phải tìm cây thẳng, sau khi dùng hết cây thẳng rồi, cây cong cũng sẽ không còn công dụng gì nữa”.

Ngưu tầm ngưu mã tầm mã, con người cũng được phân chia theo nhóm. Câu chuyện đan hàng rào gỗ của Quản Trọng chính là muốn nói rõ đạo lý dùng người. Nếu như người đầu tiên dùng sai rồi, vậy thì người xấu sẽ đề cử người xấu, kết quả nhất định là “dùng tiểu nhân mà quên quân tử”. Trái lại, người đầu tiên dùng đúng rồi, vậy thì người tốt sẽ đề cử người tốt, kết quả nhất định là “quân tử được dùng, tiểu nhân ắt thoái lui”.

Đường Thái Tông đã từng nói: “Chọn người làm quan không thể qua loa, dùng một người tốt, thì những người tốt khác đều sẽ đến. Dùng một người xấu, thì những người xấu khác đều sẽ theo vào”.
Cho nên, chọn dùng người nhất định phải cẩn thận, bởi nếu như tiểu nhân đã trở thành một tập thể, thì người quân tử ắt không có đất dung thân, và nếu nơi nào chỉ toàn là quân tử, thì kẻ tiểu nhân sống cũng không thể vui vẻ được.

Tư Mã Quang nói: “Phàm thủ nhân chi thuật, cẩu bất đắc thánh nhân, quân tử nhi dữ chi, dữ kì đắc tiểu nhân, bất nhược đắc ngu nhân”. Phương pháp lựa chọn nhân tài chính là nếu tìm không được thánh nhân thì hãy giao trọng trách cho người quân tử. Bởi vì người quân tử có tài cán sẽ dùng tài cán của mình vào việc thiện. Kẻ tiểu nhân sẽ luôn nghĩ cách dùng tài cán của mình vào việc ác.

Người quân tử tự có tiêu chuẩn cao về đạo đức nên luôn hành thiện ở khắp mọi nơi, kẻ tiểu nhân có chút tài cán, lại được giao trọng trách thì sẽ lợi dụng chúng mà không việc ác nào không làm.

Nếu không tìm được ai thì thà rằng giao cho kẻ ngốc còn hơn giao trọng trách cho kẻ tiểu nhân. Bởi vì kẻ ngốc cho dù có muốn làm việc ác thì cũng bởi vì trí tuệ không đủ, khí lực cũng không có nên vẫn sẽ có người khác chế ngự được họ.

Ngược lại, kẻ tiểu nhân âm mưu quỷ kế có đủ cả, lại táo bạo nên khi được giao trọng trách thì sẽ giống như “ác hổ sinh cánh”, nguy hại khó lường.

Tuệ Tâm biên dịch

No comments:

Post a Comment