Sunday, October 12, 2014

Chuyện xưa tích cũ - Núi hàm rồng ở Thanh Hóa

NÚI HÀM RỒNG Ở THANH HÓA
Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Ở Thanh Hóa, ven bờ sông Mã có một thắng cảnh lừng danh: núi Hàm Rồng.

Đứng về hình thế mà xét thì toàn thể dãy núi này gồm chín mươi chín ngọn, giống như thân con rồng đang bò lượn cong queo. Ở sau chót là ngọn núi cao nhô lên, giống hệt đầu con rồng.

Đầu rồng, có hai cái hang, hang thứ nhất chứa được năm sáu chục người, hang thứ nhì nhỏ hơn chứa được chừng năm sáu người.

Người ta bảo đó là hai con mắt rồng, hang to là mắt Đực, hang nhỏ là mắt Cái (âm và dương). Một ngọn núi khác nổi lên giống như mũi rồng. Miệng rồng như há ra ở sát mặt sông, hàm trên ở nơi cao, hàm dưới là dãy đá ăn ngầm dưới đáy sông.

Đó là con rồng đang uống nước. Nhiều người nhìn hình thế lạ lùng ấy nên so sánh khác nhau.

Người thì bảo đó là bầy rồng đang dành nhau trái châu, kẻ thì cho rằng đó là con rồng đang giỡn trái châu.

Hình thế núi Hàm Rồng rất hiểm trở, nước chảy sát vách đá, đáy sông là đá ngầm lởm chởm rất nguy hiểm cho thuyền bè. Đời nhà Minh, người Trung Hoa nhìn nhận rằng nước Việt Nam có thắng cảnh mà núi Hàm Rồng là kỳ quan đứng đầu. Vua nhà Minh ở Trung Hoa đã sai người đến xứ ta để tế lễ tại Hàm Rồng.

Nhiều thi sĩ đến đấy thưởng ngoạn, ngâm thơ vịnh phú.

Thời Pháp thuộc, nơi đây có bắc cây cầu treo cho xe lửa chạy qua, phải làm cầu treo vì nước chảy quá mạnh, khó bề đặt chân cầu dưới đáy sông.

Cầu treo chỉ có một nhịp nối liền núi đá bên này qua núi đá bên bờ sông Mã.

Cụ Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền một chí sĩ giàu lòng yêu nước đã làm mấy câu thơ sau đây, nhân dịp đến Hàm Rồng:

Muôn thuở ly chân nguyên phước đất,
Mười năm hồng tuyết dậy tên non.
Sông hồ tâm sự mây thu lãng,
Trời đất thanh danh miếng đá còn.

(Bản dịch của Tu Trai)

No comments:

Post a Comment