Hỏi: Tìm hiểu chữ "Tâm Niệm" là gì?
(Câu thảo luận trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Theo quan niệm thường thức ở bên ngoài "Tâm Niệm" là điều gì mà chúng ta phải tâm tâm niệm niệm, tức là phải thường ghi nhớ, phải thường tưởng nhớ, phải thường xuyên dặn lòng nhắc nhở chính mình, phải thường xuyên dùnh những thứ đó thường niệm, tưởng. Thí dụ như chúng ta có quyển 10 điều tâm niệm của Hoàng Ðạo, một nhà văn trong nhóm Tự Lực Văn Ðoàn trước đây, và chúng ta có 10 điều tâm niệm của người xuất gia, hoặc giả chúng ta có 10 điều tâm niệm trong Luận Bảo Vương Tam Muội mà các chùa thường in ra và treo ở trên tường.
Chữ "Tâm Niệm" ở đây hiểu theo phương diện thường thức cái gì mà chúng ta thường phải nhắc nhở, thường ghi nhớ lấy. Thật ra pháp tu tập về tâm niệm không phải xa lạ trong Ðạo Phật, như trường hợp chúng tôi vừa nhắc đến 10 điều tâm niệm của người xuất gia, Ðức Phật Ngài dạy 10 điều tâm niệm đó, ví dụ như Ngài nhắc hình dáng của ta đây phải khác hơn kẻ thế, như đầu tròn áo vuông khác hơn kẻ thế, sự nuôi mạng ta phải nhờ nơi kẻ thế, để không sanh tâm kiêu mạn. Rồi bậc trí có thể tự chê trách mình không, ngày và đêm trôi qua mình đã làm đưọc chuyện gì v.v....
Có nhiều điều để nhắc nhở hàng ngày, hay hoặc giả chúng ta cũng nghe những điều quán tưởng của người xuất gia, khi thọ dụng tứ vật dụng, tức là khi ăn, khi mặc, khi sử dụng chỗ ở, khi dùng thuốc men, những thứ đó cần được quán tưởng ra sao.
Sự quán tưởng đó là một sự nhắc nhở, là một sự ý thức. Sự quán tưởng hay là tâm niệm cho chúng ta đi theo đường hướng nhất định.
Một người tu tập chánh niệm, thấy sao ghi nhận như vậy, hơi thở vào biết là hơi thở vào, hơi thở ra biết là hơi thở ra, hơi thở ngắn biết hơi thở ngắn, hơi thở dài biết hơi thở dài, mình thở ra với tâm hân hoan thì mình biết là mình thở ra với tâm hân hoan, thở ra với tâm không hân hoan biết là thở ra với tâm không hân hoan.
Như vậy ở trong một phương diện nào đó, một người tu thiền quán là người thấy sao biết vậy, không tô hồng chuốt lục, không vẽ rắn thêm chân, và cái nhìn của người thiền quán là cái nhìn rất tự nhiên. Nói như vậy không phải một người tu tập không cần đến tâm niệm, không cần đến những khái niệm. Khái niệm vốn đã lấy từ trong kinh điển. Khái niệm đó vốn có sẵn mà chúng ta dùng ở đây là tiền chế. Tiền chế có nghĩa là những quan niệm vốn đã đặt bày, vốn được gợi ý, vốn đã được nói đến, đã được dạy ở trong kinh điển. Còn một người tu thiền quán thấy sao ghi nhận như vậy, thấy sao biết vậy, thật ra hai điều này không có trái chống với nhau nhiều.
Nếu chúng ta ở tại các trường thiền, ở các trung tâm thiền định, chúng ta sẽ biết rằng không phải một ai bước vào trong trường thiền, được giao cho chìa khoá của am thất, rồi về am thất đó ngồi xuống một mình là có thể nhìn vào hơi thở của mình được, không phải ai được vị thiền sư dạy thiền rồi thì có thể ngồi xuống để theo dõi hơi thở được, không phải như vậy, chúng ta phải phấn đấu rất nhiều và lấy ví dụ chúng ta bị sự lôi cuốn của sắc đẹp, của tiếng hay, của mùi thơm, vị ngon, xúc lạc.
Phải nhắc lại một giai thoại mà ông Joseph Goldstein thường nhắc đến các khoá thiền của ông, có một lần ông đến dự một khoá thiền, thức ăn theo kiểu người Miến Điện và thức ăn lại hạn chế, một ngày chỉ ăn được một buổi thôi, do vậy đầu óc của ông bị ám ảnh bởi một miếng bánh mì nướng, bánh mì nướng là một cái gì rất quen thuộc đối với bữa ăn sáng của người Tây Phương, và miếng bánh mì nướng bình thường thì nó không có nghĩa gì để nghĩ đến, cũng không ai muốn nghĩ đến làm gì, thật ra muốn ăn thì ra nướng bánh mì ăn, bánh mì đối với người Tây Phương cũng giống như cơm đối với chúng ta vậy. Tuy nhiên, vào giờ hành thiền thì miếng bánh mì nướng nó trở nên một cái gì ám ảnh ở trong đầu, tự nhiên thèm miếng bánh mì nướng một cách lạ lùng, chưa bao giờ thèm như vậy, và lúc bấy giờ không ngồi định tâm được không ngồi tập trung vào hơi thở được.
Nên chi một người hành thiền cũng thường phải sống với một số tâm niệm, một số tâm niệm tức là một số nhắc nhở, hay một số lời dạy được trích từ trong kinh điển hay lời dạy của các vị thiền sư và điều này chúng ta gọi là điều tiền chế cũng được, và điều này chúng ta gọi những gì đã định đặt sẵn cũng được, tuy vậy những điều tâm niệm này giúp ích cho người hành thiền rất nhiều, chứ không có đơn giản.
Tại sao giúp cho chúng ta rất nhiều? Bởi vì chúng ta không phải ai cũng có thể giữ được tâm tự nhiên để theo dõi hơi thở ngay lập tức, chúng ta phải phấn đấu với bản thân, và trong sự phấn đấu với bản thân để có thể ngồi xuống yên lặng, có thể ngồi xuống lẳng lặng nhìn hơi thở thì sự phấn đấu đó đòi hỏi một số khí giới để chúng ta có thể đánh lại với giặc phiền não.
Phải nói nhận ra một điều là đối với tất cả những người tu tập hay những người muốn thay đổi cuộc sống của mình, trước nhất chúng ta phải chọn một số điều để tự nhắc nhở lấy mình, và những điều này đối với chúng ta phải là những gì có ý nghĩa rất lớn, không phải chúng ta phải nhắc mình như là những điều răn của thánh thần, mà chúng ta chỉ nhắc mình về những điều đến từ những lời dạy của Đức Phật, những điều này khi chúng ta đọc vào chúng ta cảm thấy thấm thía, cảm thấy có đủ sức mạnh để cho chúng ta vượt qua những phiền não.
Chúng tôi nhớ những năm tháng đầu, TT Trí Siêu với chúng tôi đi xuất gia, và đặc biệt là thời gian sống ở Long Thành, thực phẩm rất khan hiếm, lúc bấy giờ hầu như thường xuyên phải ăn độn với khoai mì và lúc bấy giờ người ta bán rất nhiều loại mì sợi, hồi trước năm 75 chúng tôi thích ăn mì sợi lắm, nhưng phải nói rằng lúc sống ở Long Thành rất sợ ăn mì sợi, mì sợi người ta luộc cả thúng to như vậy đó, rồi lấy nước chấm chan lên cho ăn thôi, chứ không có cái gì để ăn với nó hết, ăn thế cho cơm, lúc đó mới thấy rằng miếng ăn nó quan trọng, chỗ ở cũng quan trọng, nhưng thật sự đối với người Việt Nam thì một giai đoạn nào đó miếng ăn được coi như quan trọng như vậy. Bây giờ chúng tôi được nghe rằng thực phẩm rất đầy đủ, miếng ăn không còn quan trọng nữa. Nhưng nói chung đời sống khi đi xuất gia, cái ăn, cái mặc, thuốc uống, chỗ ở rất dễ trở thành những thứ làm cho mình sanh ra tâm phiền não, bởi vì khi đã giảm bớt những nhu cầu khác, nó chỉ tập trung vào những nhu cầu hết sức tương đối thì những nhu cầu đó nó lại có sức quyến rủ rất đặc biệt.
Chúng tôi nhớ là có một vị Thầy cho chúng tôi biết rằng có một lần đi đến một chùa ở Udorn-thani, chùa của Ngài Ajaan Maha Boowa, Ngài giao cho một cái thất, mà chúng ta gọi là cái cốc, cốc là chỗ để những vị xuất gia ở, bên Thái lan thì những ngôi chùa theo truyền thống đầu đà, hay tu thiền, những ngôi chùa này đa số cất những cái cốc riêng, những cái cốc này gọi là những am thất, đa số được cất ở những nơi thanh vắng, thường thường được bao bọc chung quanh bởi những rừng cây để tạo ra sự yên tĩnh. Và có một phong tục ở bên Thái Lan, có nhiều người khi họ qua đời, tài sản họ còn để lại, thân nhân thường gom tất cả tài sản đó để cúng dường vào trong chùa để cất những am thất cho những người tu thiền, ví dụ như người đó để lại một số tiền vài ba chục ngàn đồng, số tiền đó sẽ được dùng cất một cái cốc và ở trước cái cốc đó có bản nhỏ đề là cốc này cất để hồi hướng cho ông A bà B nào đó, và cũng có trường hợp đặc biệt, mỗi cái cốc như vậy người ta xây một con đường kinh hành, con đường kinh hành nghĩa là con đường bằng gạch để cho những vị hành thiền đi tới đi lui tu tập, tức là tu thiền tu dưỡng chánh niệm lúc đang đi, thông thường người ta lấy hũ cốt của người mất, họ chôn ở cuối con đường kinh hành đó, có nhiều vị sợ ma khi đi hành thiền mà biết rằng có hũ cốt chôn ở cuối con đường kinh hành thì sợ, nhưng thường thường người ta tin rằng khi một người tu thiền, đi kinh hành hay ngồi thiền mà nhớ rằng cái cốc này, con đường kinh hành này được xây dựng bởi một thí chủ nào đó, bây giờ thí chủ đã quá vãng, người ta hồi hướng cho thí chủ đó, nên chi cái phong tục như vậy thường dễ tìm thấy ở các chùa thiền.
Những am thất tại Thái Lan thông thường được cất rất đẹp, chúng tôi ở và chúng tôi phải nhìn nhận rất đẹp, rất thoáng. Người Thái Lan họ có kinh nghiệm rất lớn về thủ pháp cất các am cốc, họ cất như thế nào mà kiến không vào được, rắn không vào được, cất như thế nào mà thoáng mát, trông nó giản dị. Ví dụ như cốc luôn luôn cất giống như nhà sàn và cao lên một chút, cửa sổ không cao, cửa sổ sát với cái sàn vì vậy có thể mở cửa sổ gió có thể vào trong, cả trong lúc chúng ta nằm cũng có thể có gió thoáng được và phải nói rằng một cái am thất nằm giữa trong rừng cây bao bọc ở chung quanh, đó là một nơi rất dễ làm cho chúng ta sanh tâm ái nhiễm, ái nhiễm chỉ muốn ở tại chỗ đó mà thôi. Đặc biệt nếu chúng ta đến đó vào mùa gần tết, như mùa bây giờ không có mưa, tâm hay sanh dính mắc, bởi vậy ở tại các trường thiền của Ngài Ajahn Chah thông thường những vị tu thiền phải dời chỗ ở của mình, trong ba tháng phải đổi một lần, ví dụ như chúng ta mới bước vào trong rừng thiền, người ta giao cho chúng ta một cái am thất rất đẹp, chúng ta nghĩ rằng mình sẽ xin Ngài Thiền Sư ở luôn tại đó tu tập, như vậy tâm sẽ dính mắc. Trong vòng khoảng chừng ba tháng, có một phiên họp vào ngày bố tát, người ta lấy chìa khoá ra để đổi với nhau, người này phải rời qua chỗ kia, chỗ kia rời qua chỗ nọ, có thể am thất của mình ở chỗ rất gần lại rời đi xa, chỗ rất đẹp rời lại cái am xấu, chỗ mới dời đi chỗ cũ chẳng hạn, để không có tâm dính mắc vào những am thất mà mình đang ở.
Nói chung đời sống khi dẫn đến sự tu tập, thường thường những nhu cầu về vật chất nó nằm ở trong bốn nhu yếu phẩm, như bốn nhu yếu của một người tu đó là thực phẩm chỗ ở thuốc men và y phục, những thứ đó làm cho người tu tập dễ dính mắc và để đối trị với những thứ này Đức Phật Ngài dạy cho một người xuất gia quán tưởng, quán tưởng trước khi dùng, quán tưởng khi đang dùng, quán tưởng sau khi dùng, và mỗi buổi sáng trước khi mặt trời mọc, các vị Tăng sĩ có đọc những bài về quán tưởng như một điều tâm niệm, bởi vì những điều tâm niệm này ví dụ như Đức Phật Ngài dạy một người xuất gia nên tâm niệm rằng mình ăn uống không phải để mập, để mạnh, để làm cho cơ thể được đẹp đẽ, ăn uống để từ cái khổ của đói, ăn uống để nuôi cái mạng tu tập v.v...cái sự nhắc nhở như vậy ban đầu nghe giống như thủ tục, ban đầu nghe giống như những điều răn, nhưng với một người tu tập, những điều đó có ý nghĩa lớn, tại vì trả cho chúng ta trở về với ý thức chân thực, về thái độ nào là thái độ nên có đối với những món vật dụng những nhu yếu của đời sống.
Như vậy tâm niệm nó là pháp tu rất phổ thông trong Đạo Phật.
Chúng tôi chỉ đưa ra có hai ví dụ thôi, chúng tôi chưa kể ra những ví dụ khác, ví dụ như chúng ta niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới, niệm Chư Thiên, những pháp niệm đó quí vị gọi tiền chế thì cũng có một phần tiền chế, thế nào là ân đức Phật, ân đức Pháp, ân đức Tăng như chúng ta đọc ở trong Thanh Tịnh Đạo, kể cả đức của Chư Thiên và những thứ đó được đem vào trong đời sống để khai triển làm một khái niệm để tập trú, để an trú. Như vậy những cái chúng ta gọi là tâm niệm vẫn có một giá trị nhất định, vẫn có giá trị lợi lạc, chứ không phải khi chúng ta tu thiền rồi chúng ta nhìn sự vật một cách tự nhiên, cái gì xảy ra như thế nào chúng ta nhận là đủ. Phải nói rằng trước khi chúng ta có khả năng để quan sát sự vật có tánh cách tự nhiên, chúng ta phải có rất nhiều tâm niệm cần thiết để chúng ta đem vào cuộc sống tu tập của mình.
No comments:
Post a Comment