Hỏi: Trong trường hợp người tạo ác nghiệp với nhận thức đó là nghiệp bất thiện thì quả nhẹ hơn, như vậy trong trường hợp một người tạo nghiệp lành và biết rõ nhân quả của việc mình làm thì quả có ít hơn chăng?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma, ngày 30-8-2013 - Từ Minh chuyển biên)
TT Pháp Tân: Trường hợp thứ nhất, khi một người tạo ác nghiệp nhưng không biết rõ tính chất nguy hại của ác nghiệp, quả nghiệp sẽ nặng hơn người hiểu biết. Ngược lại, nếu một người tạo thiện nghiệp và biết rõ về thiện nghiệp của mình, điều đó có nhẹ hơn không? Ở đây, chúng tôi xin được chia sẽ. Mình làm điều thiện hay điều ác đều do chủ tâm tạo tác của mình, tức là cetana. Ví dụ, khi mình tạo nghiệp bất thiện, cetana phối hợp với những tâm bất thiện như tâm tham, tâm sân, tâm si (thuộc nhóm tâm bất thiện). Người biết lửa là nóng nắm vào, có lẽ sẽ bớt phỏng và ít nóng hơn bởi vì mình có sự chuẩn bị như nắm nhẹ hay che đậy lại để nhiệt độ bớt nóng hoặc nắm lên ném ngay. Nhưng nếu một người không có trí hay không biết lửa là sự nguy hiểm, có lẽ sẽ bị nóng nhiều hơn.
Khi tạo nghiệp bất thiện, người biết rõ nghiệp sát sanh sẽ bị yểu thọ, trộm cắp sẽ bị nghèo hèn, ganh tỵ, tật đố sẽ sanh làm người thấp kém quyền tước, ... Do vậy, một lúc nào đó vì lòng tham hay sân khởi lên khiến mình có hành động bất thiện. Ngay lúc đó, mình biết rằng chính nghiệp này không tốt và cho quả xấu. Nói chung, ta có nhận thức, do quả của nghiệp bất thiện khiến chính mình phải chịu thọ lãnh quả báu xấu. Như chúng ta đọc và nghe trong kinh, có ghi lại nhân vật này hoặc kia. Dù làm gì, người đó cũng có một chút rụt rè, hổ thẹn khiến họ hạn chế bớt hoặc nghĩ rằng khi làm điều này, một sớm, một chiều người khác cũng sẽ phát hiện và quả của pháp bất thiện hay ác nghiệp sẽ trỗ ra trong hiện tại và tương lai. Dù có chạy đi đâu chăng nữa, họ cũng phải nhận lãnh quả báu xấu trong tương lai. Mặc dù sự hổ thẹn chưa đủ sức để ngăn chặng hành động tham, sân,.. nhưng ít ra, ngay lúc đó, nhờ có tác ý suy nghĩ giúp một người tạo ác nghiệp hiểu rõ quả báu xấu của ác nghiệp và biết được sự nguy hiểm của quả nghiệp pháp bất thiện vì lòng tham, sân. Khi đó, quả có thể nhẹ hơn người không biết gì. Ví dụ, người biết được 5 ngũ nghịch đại tội hay tội trọng, như chúng ta được biết trong kinh, đó là giết cha, mẹ, bậc Alahan, Thinh Văn, làm thân Phật chảy máu, chia rẽ Tăng, sẽ tránh được quả chắc chắn sẽ bị sanh trong địa ngục A Tỳ. Có rất nhiều cảnh giới địa ngục được biết trong chú giải như địa ngục A Tỳ hành hình chúng sanh rất nặng nề, liên tục do quả nghiệp. Một số địa ngục khác nhẹ hơn. Tóm lại, do hiểu biết quả của nghiệp pháp bất thiện rất nặng, một người làm gì nếu biết e dè khiến quả trỗ nhẹ hơn người không biết gì.
Trường hợp thứ hai, một người tạo thiện nghiệp và biết rõ nhân quả của việc mình làm thì quả có ít hơn chăng? Trước tiên, thiện nghiệp là gì? Là nhân lành cho quả vui. Thiện nghiệp là thiện pháp gồm không bệnh hoạn, khôn ngoan, có sự hiểu biết. Một người bố thí cúng dường như thế nào được gọi là phước và biết được giá trị của sự bố thí? Trong kinh nói, có hai sự bố thí: Sự cúng dường pháp tế độ, tức bố thí theo cách tế độ và bố thí theo cách cúng dường đối với các bậc cha, mẹ, Tam Bảo, và Tăng chúng. Ví dụ, ta thương tưởng đến sự cơ cực, thiếu thốn và muốn giúp đỡ, ban rãi để vơi đi nổi khổ của những người cơ nhỡ trong đời sống hiện tại như cho họ ít cơm, gạo, quần, áo,... Trong kinh dạy, cả hai sự bố thí tế độ và cúng dường đều đưa đến quả phước. Nhưng cúng dường đến Tam Bảo, Tăng chúng, bậc đáng cúng dường, phước sẽ thù thắng hơn cho một người.
Tâm thiện là hiểu được giá trị của thiện với ít nhiều yếu tố trí tuệ cũng như hiểu biết quả, đối tượng, việc làm, tác ý như né tránh tâm bất thiện tham, sân, si mê, tà kiến, ngã mạn,... sinh khởi lên hoặc trong khi thực hiện những điều thiện. Người có hiểu biết về tính chất của pháp bất thiện, sự thù thắng của quả thiện, sự không thù thắng của quả bất thiện sẽ hướng tâm đến những pháp thiện đưa đến quả lớn như hướng đến đối tượng Tăng chúng để bố thí, có tác ý chuẩn bị vật thí bằng công sức, mồ hôi, có tâm tịnh tín nơi thiện nghiệp, quả của thiện nghiệp bố thí, đặc biệt tâm không vì lòng sân hận, tham, ganh tỵ, tật đố, hơn thua. Một người hiểu được quả của thiện nghiệp khi bố thí, cúng dường sẽ có nhiều phước báu hơn người không biết gì. Trong Luận Tạng - Thanh Tịnh Đạo, Ngài Budhaghosa nói, việc trì giới có thể ở bậc hạ, trung, thượng. Có người nghĩ, trì giới để được sanh làm người giàu sang hoặc sanh lên cõi trời. Trì giới ở bậc trung sẽ giúp tâm an lạc. Trì giới ở bậc thượng giúp chấm dứt phiền não ở nội tâm, đạt đến quả vị giải thoát trong tương lai. Nói cách khác, trì giới bậc thượng là dọn dẹp tâm sạch sẽ để đạt được trí tuệ, sự định tâm và quả vị giải thoát. Khi nói việc thiện trên phương diện trì giới do sự hiểu biết như trên, quả sẽ lớn hơn người không hiểu biết gì. Trong vòng luân hồi, ta còn phải tái sanh ở nhiều cảnh giới khác nhau. Nhưng nếu hiểu lời dạy của Đức Phật, còn luân hồi tức còn khổ đau dù ở cõi trời hay người. Do vậy, ta nguyện nhân sanh vào trời, người hoặc nhân thiện là hành trang giúp ta chấm dứt phiền não càng sớm càng sẽ được nhanh chóng giải thoát và có được sự an lạc.Khi một người hiểu được những giá trị của việc trì giới sẽ luôn luôn chuẩn bị cho mình việc trì giới ở bậc thượng, không phải trì giới ở bậc trung hay bậc hạ. Như vậy, mình cần biết thanh lọc nội tâm.
Trong tâm thiện, có tâm hợp trí và tâm ly trí. Trong tâm thiện ly trí, quả chưa chắc thù thắng hơn tâm tương ưng trí. Ở đây, một người tạo ác nghiệp không hiểu được quả thống khổ của pháp bất thiện sẽ chịu nhận quả nặng nề hơn và lớn hơn. Ngược lại, một người hiểu được giá trị của quả thiện nghiệp và đặc biệt đặc tính của thiện nghiệp, do nhờ yếu tố trí tuệ sẽ có được quả thiện nghiệp thù thắng hơn. Khi nói đến tâm tương ưng trí, hay tâm thiện có trí tuệ, quả sẽ thù thắng hơn. Ngược lại, tâm thiện không hợp tương ưng trí sẽ không có quả thù thắng bằng. Đây là vài ý kiến chia sẽ cho câu hỏi ở đây.
No comments:
Post a Comment