Hỏi: Như thế nào là mất mát danh lợi, thân nhân là nhỏ nhoi so với sự mất mát trí tuệ?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, ngày 5-9-2013 Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Dĩ nhiên trong cuộc đời ai cũng mong muốn là có được tất cả, danh vọng tiền bạc. Nhưng cũng có nhiều trường hợp chúng ta phải làm một sự lựa chọn. Có nhiều trường hợp chúng ta gặp một vấn đề mà vấn đề đó mình bị mất danh mất lợi hay là được danh được lợi là chúng ta tối mắt đi và trong lúc chúng ta tối mắt thì chúng ta đánh mất trí tuệ.
Con người được danh nhiều thì cũng dễ làm cho mình mù quáng và mất danh cũng làm cho con người mù quáng. Con người được lợi cũng làm cho mình mù quáng, mất lợi cũng làm cho mình mù quáng. Con người có thêm người thân thì cũng trở nên mù quáng và xa rời người thân yêu của mình cũng làm cho mình mù quáng.
Điều quan trọng là ở những lúc như vậy chúng ta phải trở lại với căn bản của chính mình. Lấy ví dụ ông bà có câu: "giận quá mất khôn", mình giận quá rồi không còn khôn nữa và khi không khôn nữa mình đánh mất trí tuệ .
Do vậy, một người học Phật chúng ta phải luôn nhắc mình là "cái mất của trí tuệ là cái mất lớn nhất".
Người đời họ hay nói rằng sự suy sụp của tinh thần là sự suy sụp nặng nhất so với sự suy sụp về tài sản. Nhưng đối với chúng ta luôn nhớ rằng: lúc nào mà chúng ta mất đi trí tuệ thì đó là mình thua. Mỗi một ngày, thức dậy, mỗi ngày vào trong rơom học Phật Pháp thì nếu có điều gì đó mình nguyện thì mình nên nguyện rằng; dù ngày hôm nay nội dung của bài là gì vị nào giảng như thế nào nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta thắp sáng được trí tuệ của mình, mình có trí tuệ thì cho dù cái bình thường mà nói thì mình cũng hiểu được chiều sâu, nhưng nếu mình không có trí tuệ cho dù cái điều có dễ hiểu mà mình nghe cũng không hiều được điều màu nhiệm.
Mình có trí tuệ thì cho dù mình có ít tiền mình sống cũng có hạnh phúc, nhưng mình không có trí tuệ mà mình giàu thì mình sống cũng không có hạnh phúc. Mình có trí tuệ thì khi mình mất đi địa vị nào đó cao trọng thì mình vẫn có thể sống an lạc. Nếu mình không có trí tuệ cho dù cái địa vị mình lên làm vua đi nữa thì cuộc sống mình không được an lạc.
Như vậy, chúng ta nên tự nhắc với chính mình một điều đó là sự mất mát của tình thương, mất mát của danh, mất mát của lợi tuy rằng nó to lớn ảnh hưởng chúng ta nhiều nhưng mà nói như Đức Phật thì nó quá nhỏ so với sự mất mát của trí tuệ. Đừng để cho ngọn đèn tuệ của chúng ta bị mất, đừng để cho ngọn đèn tuệ của chúng ta bị lu mờ. Người ta thường nói là giữ tinh thần cho vững nhưng mà thật ra đối với người Phật tử chữ tinh thần mơ hồ. Mình phải thắp sáng ngọn đèn tuệ trong lòng thì ở hoàn cảnh nào cũng lợi lạc cũng an lạc. Và muốn thắp sáng ngọn đèn tuệ thì câu hỏi chúng ta đặt ra là chúng ta có đủ sự bình tỉnh, chúng ta có cho phép chúng ta có được không gian để ngồi xuống hít vào chầm chậm thở ra chầm chậm để trả cho chúng ta những giây phút bình tỉnh hay không.
Dù đời có xáo trộn đến đâu mà chúng ta còn có được sự điềm tỉnh, chúng ta có được trí tuệ thì khả năng sống còn của chúng ta còn và chúng ta còn có niềm tin ở tương lai.
Nhưng, cho dù chúng ta có được bao nhiêu mà chúng ta đánh mất trí tuệ thì chúng ta thua. Có những người có được những tài sản rất lớn, tự nhiên được cất nhắc lên một địa vị rất lớn mà đánh mất trí tuệ thì thật sự có vấn đề lớn.
Nên chi, chúng ta nên thường tâm niệm một điều đó là Đức Phật thường dạy "mất mát danh, mất mát lợi, mất mát tình thương là chuyện nhỏ bé so với cái mất mát của trí tuệ" và chúng ta nhớ điều đó ghi tâm khắc cốt điều đó.
Trí tuệ ở đây không phải là sự uyên bác, trí tuệ ở đây không phải là kiến văn rộng lớn mà trí tuệ ở đây là khả năng chánh niệm, khả năng phân biệt chánh niệm giác tri, trạch pháp giác chi làm sao đừng cho quên những thứ đó.
Chuyện đơn giản là sự màu nhiệm của chánh niệm ngay cả lúc mình khổ thì cứ lẳng lặng nhìn biết rằng mình đang khổ, mình đang giận biết mình đang giận, ngay cả lúc mất mát biết mình đang mất mát, nhưng mình biết rất rõ đó là thứ phiền não.
Nói đơn giản, ví dụ khi mình buồn thì mình đừng ngồi đó mà nhai đi nhai lại là tại sao người đó nói mình như thế này, tại sao người đó nói mình thế kia, mà mình nên ghi rõ là mình đang buồn tại vì mình bị người khác chê mình.
Và tại sao mình buồn? Tại vì mình thiếu tu tập.
Nếu mình tu tập nhiều thì mình không buồn.
Và khi mình nhận được mình buồn là tại vì mình thiếu tu tập thì đó là trí tuệ.
Còn nếu mình nói mình buồn là tại vì vợ đối với mình thế này, chồng đối với mình thế kia, rồi bạn bè phụ bạc mình, rồi mình cứ trách cuộc đời. Thì những người ngồi đó trách cuộc đời là người đó không có trí tuệ.
Người có trí tuệ thì người đó thấy rằng mình buồn là tại vì mình không khéo tu nếu mình khéo tu thì mình không buồn.
"Lênh đênh qua cửa Thần Phù; Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm" câu nói đó nghe như là một câu ca dao nhưng mà thực có ý nghĩa lắm đối với chúng ta là người tu Phật mình khéo tu thì mình an lạc mình không khéo tu thì mình phiền não mình bị giao động. Đó là cái nơi mà trí tuệ của chúng ta có thể phát triển được.
Và do vậy chúng ta nên thường nhắc câu mà Đức Phật dạy là: "Mất mát danh mất mát lợi mất mát người thương rất là nhỏ bé so với sự mất mát về trí tuệ"./.
No comments:
Post a Comment