Tuesday, August 6, 2013

Mỗi Ngày Trầm Tư Sinh Tử

Nói một cách cụ thể, ngọn nến cháy là nhờ sáp, do sáp thì ngọn nến mới cháy nhưng khi nó tắt đi cũng là do sáp hết, chúng ta gọi là có duyên mà sanh, không duyên thì diệt, tức là cái gì nó là mấu chốt khởi đầu thì là mấu chốt của đoạn diệt.

Bây giờ chúng ta cứ nói một thí dụ trong đời sống này sự sanh diệt tập khởi và sự hoại diệt là mình vui do người ta khen mình nhưng mình cũng hiểu là khi người ta không khen mình nữa thì mình không vui, đôi khi chúng ta nói niềm vui chợt tắt hay niềm vui chợt bay. Nói một cách khác là một người bạn đến nhà, sự xuất hiện của người bạn mang cho mình niềm vui thì người có trí cũng hiểu rằng người càng mang đến cho chúng ta niềm vui chừng nào thì sự ra đi của người đó sẽ mang đi tất cả niềm vui của chúng ta. Tại vì sao vậy, cái vui của người đó là do người đó có mặt và người đó phải có mặt hoài hễ người đó biến mất thì họ lấy đi niềm vui của chúng ta. Tất cả mọi thứ trong đời sống khi nó đến với chúng ta nó đều mang tánh cách là bắt đầu nhưng trong sự bắt đầu đó thì nó cũng mang yếu tố chấm dứt. Chúng ta chưa quen để nhìn thấy hiện tượng sanh diệt trong đời sống, nếu chúng ta quen với điều đó thì chúng ta thấm thía câu nói:

"Các pháp do duyên sanh mà cũng do duyên mà diệt, chư pháp tùng duyên sanh, Diệc phục tùng nhân duyên diệt."

Ngọn lửa cháy nhờ củi hết củi thì lửa phải tắt, chứ không phải nói ngọn lửa cháy nhờ củi rồi khi hết củi thì nó phải nhờ cái khác, ngọn lửa đến nhờ củi thì do hết củi lửa phải tắt. Đời sống của chúng ta như vậy, nó có trùng trùng muôn ngàn thứ khởi sanh ở đời, trong sự khởi sanh đó nó đều có lý do có nhân duyên để bắt đầu và cái duyên để bắt đầu đó cũng là cái duyên để kết thúc .

TT. Giác Đẳng - Tuệ Giác và Duyên Khởi - Minh Hạnh chuyển biên

No comments:

Post a Comment