Trong lịch sử của Đạo Phật có một ngã rẽ rất quan trọng, đó là trong thế kỷ thứ nhất trước Tây Lịch đã nảy sinh ra một phong trào Phật giáo mà về sau này chúng ta gọi là Đại Chúng Bộ. Một ở trong những bản sắc đặc biệt của Đại Chúng Bộ, là nêu cao tinh thần đại bi sau này chúng ta được biết qua một giáo hệ là Bồ Tát hạnh. Quan niệm của Bồ Tát hạnh là đặt nặng lòng đại bi, lòng đại bi là một phương châm hành hoạt cho tất cả những người tu tập, về sau này thì dần dà người Phật tử xem lòng đại bi như một lý tưởng và có thể nói giống như một cứu cánh. Và nhiều người đã có một phản cảm đối với một lý tưởng khác mà chúng ta gọi là đại trí tức là tu tập để giác ngộ, và giác ngộ để giải thoát. Thật ra thì con người vốn hay phân chia như chúng ta thường phân chia giữa tình cảm và lý thuyết, trong đạo thì chúng ta vẫn thường phân chia đại bi và đại trí. Rất dễ hiểu là lòng đại bi là rung động trước nỗi khổ của cuộc đời, lòng đại trí thì ngược lại là có niềm thu thúc, và do có niềm thu thúc đó nên chính cái trí tuệ cho chúng ta một trạng thái chẳng những điểm tỉnh mà thanh thản trước những bất hạnh của cuộc sống, những trầm thống của cuộc sống.
Mới nghe qua thì đại bi và đại trí khác nhau: một bên là tình cảm một bên là lý trí, một bên là sự rung động một bên là sự điềm đạm, một bên là nghĩ nhiều về người một bên là tự giải thoát chính mình. Ở trên thực tế thì không phải như vậy, nó không hẳn bên nào. Chúng ta hiểu rằng giáo lý của Đức Phật là một giáo lý dựa trên Tứ Đế. Tứ Đế là nói về sự khổ, nhân sanh khổ, diệt khổ và con đường đưa đến diệt khổ. Khổ đau là một đề tài lớn, không phải là một đề tài lớn là một điều mà tất cả những gì có trí tuệ có chánh kiến được thâm nhập, và khi nói đến cái khổ thì cái khổ đó có thể là của người hay cái khổ của mình, và những ai cảm nhận nỗi sâu sắc của đau khổ thì người đó mở được cánh cửa giải thoát thắp sáng được trí tuệ và có đủ khả năng để cảm thông, cảm nhận một cách sâu sắc nỗi khổ của cuộc đời. Nếu một người sống mà không cảm được hết nỗi khổ của cuộc đời thì người đó sẽ không hiểu được nỗi khổ của chính mình. Và một người mà hiểu được nỗi khổ của chính mình chắc chắn phải là một người cảm thông sâu sắc được nỗi khổ của cuộc đời.
TT Giác Ðẳng - Thấy Đời Đau Khổ Khiến Mình Giải Thoát - Minh Hạnh chuyển biên
No comments:
Post a Comment