Saturday, May 12, 2018

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Hãy đặt mình vào vị trí của nhau

Đã bao giờ chúng ta tự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để biết cảm nhận của họ? Nghe thì dễ nhưng thực hiện nó hoàn toàn không phải một điều đơn giản. Để đặt mình vào hoàn cảnh của người khác chúng ta phải gạt đi “cái tôi” cá nhân, gạt đi những tổn thương mà chúng ta đang gánh chịu để đứng vào vị trí của họ. Thực tế, nhiều người vẫn không thể vượt qua nổi “cái tôi” ấy, họ chẳng bao giờ muốn hạ thấp mình để ngước nhìn một ai đó, điều này chỉ làm tăng thêm hiềm khích và tổn thương giữa hai bên.

Một người có thể sai hoàn toàn nhưng thường thì họ không bao giờ chấp nhận mình sai. Vì vậy, chúng ta đừng nên kết án họ bởi điều đó thực sự không có tác dụng. Thay vào đó, chúng ta có thể tìm cách hiểu họ. Nhìn cuộc sống từ quan điểm của họ, sẽ luôn có nguyên do khiến họ suy nghĩ và hành động như vậy.
Ngày xưa có người nông dân mua hai mảnh đất rộng lớn cạnh nhau. Vốn dĩ họ không liên lạc và cũng chưa bao giờ gặp mặt nhau nên hai người không hề biết đến sự tồn tại của nhau. Một ngày khi hai người làm việc ở khu đất giáp nhau trên cánh đồng của mỗi nhà, họ bắt đầu làm quen với nhau và làm quen với cả gia đình hàng xóm. Một người nông dân đã có vợ và 4 người con, người kia thì độc thân và đang sống một mình.

Một hôm trong lúc ăn tối cùng nhau hai người đã nảy ra ý tưởng: Nếu họ đi ra chợ cùng nhau và cùng mua những thứ mà nhà mình cần hoặc những thứ mà cả hai nhà đều có nhu cầu sử dụng như ngũ cốc, phân bón và hạt giống, họ sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí hơn.

Vì thế, hai người nông dân cùng nhau đi vào thị trấn và mua bất cứ thứ gì mà cả hai gia đình cần, sau đó về chia đều cho nhau.
Một ngày, người nông dân độc thân nghĩ: “Ông hàng xóm nhà mình có quá nhiều người phải nuôi. Chắc chắn việc chăm sóc một người vợ và 4 đứa con không hề dễ dàng gì. Trong khi nhu cầu mình chỉ có một mình và có thể tự chăm sóc tốt cho bản thân”.

Từ đó trở đi, người nông dân độc thân cũng lén lấy bớt từ thùng của mình đổ thêm sang thùng của nhà hàng xóm mà không để cho ai biết về việc làm này.

Trong khi đó, người nông dân đã có gia đình cũng nghĩ về người hàng xóm độc thân của mình. “Ông hàng xóm của mình phải làm mọi thứ một mình. Mình còn có một người vợ yêu thương và những đứa con chăm sóc khi mình già yếu, còn ông ấy thì lại không có ai cả”.

Nghĩ vậy, người nông dân có gia đình quyết định lén bỏ thêm ngũ cốc vào thùng nhà hàng xóm để giúp bạn có thể tích lũy khi về già. Thậm chí, khi không có ai ở bên cạnh, người nông dân này còn trồng cây giống xuống ruộng nhà hàng xóm.

Cả hai người cứ âm thầm làm vậy trong suốt một thời gian dài mà không ai hay biết về hành động của người kia. Cho đến một hôm, cả hai đang ôm nắm ngũ cốc để sang thùng của nhà còn lại thì bắt gặp người kia cũng đang làm điều tương tự.

Họ đứng im lặng nhìn nhau, đánh rơi cả nắm ngũ cốc đang cầm trên tay và chạy lại ôm chầm lấy nhau. “Tôi thật may mắn vì được quen biết anh”, một người nông dân nói.

“Tôi cũng vậy, bạn của tôi”, người nông dân còn lại trả lời.

Vậy đó, nếu trong cuộc sống này, ai cũng biết đặt mình vào vị trí của người khác thì thật tốt biết mấy. Đặt mình vào vị trí của bậc sinh thành để sống tốt hơn, đặt mình vào vị trí của bạn bè để cảm thông với họ, đặt mình vào vị trí của người yêu để tha thứ những lỗi lầm không đáng có… Điều đó chẳng phải tốt hơn sao? Hãy thử nhìn vấn đề từ góc độ của người khác, chắc hẳn chúng ta sẽ nhận ra được nhiều điều.

St từ: Relink.vn

No comments:

Post a Comment