Friday, May 11, 2018

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Ánh trăng trong lòng núi

Nơi một hẻm núi hiểm trở nọ, có một đạo sĩ đã luống tuổi, ngài tới nơi thôn xóm nhỏ này ẩn tu đã mười mấy năm. Chỉ sau một thời gian ngắn nương náu nơi này, ngài đã khởi công đào một đường hầm xuyên lòng núi, vì con đường độc đạo băng qua hẻm núi là con đường đèo nguy hiểm, hàng năm có cả chục người mất mạng.

Ngài quả là một vị ẩn sĩ vô cùng kiên nhẫn! Chẳng hề kêu gọi ai giúp đỡ, chẳng nề hà công việc quá sức lớn lao, một mình với cuốc xẻng, ngày ngày ngài đào bới đất đá để mở một con đường nhỏ giữa lòng trái núi khổng lồ.

Ban đầu, dân làng thấy ngài làm một mình nên hô hào nhau tiếp tay với ngài, nhưng chỉ được vài tháng, ai cũng chán nản, nghĩ rằng biết bao giờ thì mới hoàn tất. Mọi người ai nấy quay về với công việc thường ngày của mình. Vị đạo sĩ vẫn an nhiên với công việc, hàng ngày lúc chiều xuống, ngài vào làng xin chút ít cơm canh qua ngày để ngày mai lại tiếp tục.

Hơn năm năm, dân làng thấy cái hang đã sâu hun hút, lắm khi có người mang cơm nước đến tiếp ứng cho ngài, đi sâu vào hang đã sợ hãi, đành đứng ngoài gọi vọng vào. Tiếng đồn nhau trong làng, họ lại hô hào nhau chung sức với vị đạo sĩ để mong ngày hoàn tất sớm.

Thế rồi cũng như lần trước, sau vài ba tháng cật lực, dân làng lại chán nản, từ từ lui gót, và cuối cùng cũng vẫn là vị đạo sĩ tóc đã bạc, con người nhuốm phong sương cực khổ, trông già hẳn đi, tuy vậy nhiệt tình trong lòng của ngài vẫn như xưa. Những nhát cuốc ngày ngày vẫn vang vọng về làng, những giỏ đất đem ra đã lấp đầy một khoảnh vực núi rộng lớn. Dân làng dù chán nản, nhưng vẫn thương vị đạo sĩ đã không tiếc công, phí sức để làm một việc vá trời lấp biển, hàng ngày người người thay nhau đem cơm nước đến cho ngài.
Gần hai mươi năm trôi qua, dân làng đã nhiều người ra thiên cổ, nhưng vị đạo sĩ vẫn khỏe mạnh, vẫn đều đặn cuốc đất đào hang.

Một ngày nọ, dân làng thấy nơi cửa hang, một thanh niên trông giống một hiệp sĩ lữ hành. Chàng thanh niên, ngày ngày mang kiếm luyện võ công nơi cửa hang. Dân làng cũng chẳng ai thắc mắc, nghĩ rằng ngài đạo sĩ đã có thêm một đệ tử trên đường hành đạo.

Thực ra chàng hiệp sĩ này là con của một kẻ không may chết dưới lưỡi gươm oan nghiệt của ngài đạo sĩ. Câu chuyện xảy ra hơn hai mươi năm trước, khi ngài đạo sĩ còn là một tên thảo khấu, chuyên cướp bóc, giết người. Sau mấy mươi năm lăn lộn trên chốn giang hồ, tên tướng cướp khét tiếng bỗng hồi tâm, hối hận vì những việc tày trời mình đã gây ra, ông đã khoác áo đạo sĩ, quyết tâm tu tỉnh, dùng những ngày tháng còn lại của mình để làm một việc chuộc lỗi.

Ông ta đã đến chốn miền quê hẻo lánh này, và khi biết con đường đèo nguy hiểm kia là con đường độc đạo, hàng ngày có rất nhiều người qua lại, nhiều chuyến xe ngựa, lừa chuyên chở đi qua con đường này, và hàng năm một số không ít người bỏ mạng nơi đây. Ông ta đã khởi công một mình, với mong mỏi sẽ mở được một đường hầm xuyên lòng núi, ông là người thông minh, ông tính toán và biết rằng khoảng chừng hai mươi năm, dù chỉ một mình ông cũng sẽ hoàn tất được. Ông chỉ ước mong được sống cho đủ thời gian để hoàn tất con đường hầm này, chỉ còn khoảng chừng hai năm nữa thì công việc có thể hoàn tất, theo sự ưóc đoán của ông.

Một buổi chiều, khi ra về, ngài đạo sĩ giật mình vì một thanh niên đứng đón ngay cửa hang, dùng kiếm chỉ ngay mặt nói lớn:

– Ngươi đã giết chết cha mẹ ta! Hôm nay ta đến đây để trả thù cho cha mẹ ta. Ngươi còn nhớ ông bà phú hộ Huỳnh nữa không? Ta chính là con trai của họ. Ta đã may mắn được vú nuôi ẵm chạy ra ngoài vừa khi đảng cướp của nhà ngươi tông cửa vào nhà. Hơn hai mươi năm qua, ta vẫn không bao giờ quên mối thù đó.

Ngài đạo sĩ quì xuống:

– Tôi là người bất xứng trên cõi đời này. Ngài nói phải, tôi phải đền tội.

Chàng thanh niên đút kiếm vào vỏ, rồi thong thả nói tiếp:

– Chẳng phải riêng ta có mối cựu thù với ngươi, nhưng còn rất nhiều người khác nữa, đã vì bọn cướp nhà ngươi mà phải khốn đốn, ta muốn những người đó phải được thấy công lý. Ta muốn những người đã mất người thân dưới bàn tay khát máu của bọn ngươi phải được thấy máu nhà ngươi chảy ra, đầu rơi khỏi cổ, thì oan hồn của cha mẹ ta cũng như nhiều người khác mới ngậm cười nơi chín suối!

Vị đạo sĩ vẫn qùy dưới chân chàng thanh niên:

– Thưa ngài, tôi biết tôi phải trả oán cho cha mẹ ngài, cũng như nhiều người đã vì tôi mà đau khổ. Nhưng nếu như ngài có lòng thương, ngài có thể gia ân cho tôi trong một thời gian ngắn nữa thôi. Con đường hầm này có lẽ đã sắp hoàn tất. Lúc đó tôi xin đặt mạng sống tôi dưới chân ngài.

Chàng thanh niên nhìn vị đạo sĩ đã luống tuổi, ốm yếu, chàng gật đầu:

– Được ta bằng lòng, nhưng nhà ngươi phải nhớ là đừng tìm cách thoát khỏi nơi đây, ta sẽ không bao giờ nản chí đi tìm nhà ngươi!

– Xin đa tạ! Xin đa tạ hảo hán!

Thế rồi ngày ngày, vị đạo sĩ vẫn một mình ra vào hang núi để đào con đường hầm, còn chàng hiệp sĩ cứ ở ngoài cửa hang luyện võ chờ ngày hoàn tất con đường hầm để trả thù cho cha mẹ.

Chàng hiệp sĩ chờ đợi lâu ngày cũng buồn chán, một hôm chàng lần theo đường hầm vào tận cuối điểm, trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn mỡ cừu, chàng thấy vị đạo sĩ vẫn hì hục đào đất. Ngày một, ngày hai, chàng hỏi chuyện vị đạo sĩ về con đường, khi biết chẳng còn bao lâu nữa sẽ tới đích. Chàng hiệp sĩ xắn tay áo lên, cùng với vị đạo sĩ đào xới với hy vọng sẽ thu ngắn thời gian trả thù cho cha mẹ.

Một già một trẻ, ngày ngày bên nhau làm việc, mỗi người có một suy tư riêng. Vị đạo sĩ mong mỏi hoàn tất để đền tội, ngài quả thực ân hận về những tội ác đã làm, ngài chỉ lo những ngày tháng cuối, nhỡ may có bệnh hoạn thì khó lòng hoàn tất con đường hầm. Ngài đã chuẩn bị tất cả để trả nợ máu cho đời! Ngài hăng hái dốc sức hơn nữa để công việc chóng hoàn tất.

Chàng hiệp sĩ, với nỗi lòng bao nhiêu năm tìm kiếm chờ đợi, chàng tiếp tay không phải vì thương cảm tuổi già của vị đạo sĩ, nhưng vì kẻ thù đã trước mắt, công việc của “hắn” thì lại chẳng biết lúc nào cho xong, trong khi ngồi không chờ đợi, chàng nghĩ mình phải giúp để hoàn tất con đường hầm thì mới trả thù sớm cho cha mẹ được.

Ngày tháng trôi qua, vị đạo sĩ trong khi làm việc, đã kể cho chàng hiệp sĩ nhiều điều về đời tư, về sự trầm luân của cuộc sống. Vị đạo sĩ rất lấy làm tiếc là trong thời tuổi trẻ, đã không chịu nghe lời dạy bảo của người khác, đã không biết điều phải để theo. Ngài ân hận vì đã mất một cuộc đời chẳng làm điều tốt, trong khi lại gieo quá nhiều điều bất nhân.

Dân làng lại đồn thổi nhau là vị đạo sĩ có thêm một đệ tử để giúp công việc chóng hoàn tất. Họ lại cùng nhau ngày ngày cuốc xẻng, cơm nước mang đến, phụ giúp công việc cho hai người.

Cũng như lần trước chỉ sau vài ba tháng, dân làng lại rơi vào tình trạng chán nản, chẳng biết lúc nào mới xong, lần lượt họ bỏ cuộc. Cuối cùng, cũng chỉ còn vị đạo sĩ và chàng thanh niên, họ không biết mỏi mệt trước công việc. Mỗi người theo đuổi một mục đích riêng, nhưng trước mắt ai cũng muốn con đường hầm hoàn tất. Lúc này họ chẳng coi ngày đêm là quan trọng nữa.

Một buổi tối, hai người đang làm vịêc. Vừa trò chuyện vừa đào đất, bỗng chàng hiệp sĩ thấy lát cuốc của mình nhẹ hẫng, chàng la to:

– Đến rồi! Đến bên kia rồi!

Vị đạo sĩ cũng hồi hộp, hai người cố sức, chỉ trong phút chốc, trước mắt họ, ánh trăng trong đêm chiếu vào đường hầm, hai người buông cuốc ôm nhau trong nỗi vui mừng đã hoàn tất một con đường hầm dài hun hút xuyên qua một mỏm núi hiểm trở.

Sáng hôm sau, dân làng tụ tập tạ ơn vị đạo sĩ là người đã khởi xướng công việc, tạ ơn chàng hiệp sĩ đã góp công. Họ hân hoan trong niềm vui vì từ nay chẳng những con đường họ đi không còn nguy hiểm mà lại còn gần hơn nữa. Họ chuẩn bị làm tiệc mừng hoàn tất và khai trương con đường mới. Nhưng vị đạo sĩ và người đệ tử xin từ biệt, họ muốn đi một nơi khác để tiếp tục một công việc nào đó giúp ích cho đời.

Riêng chàng hiệp sĩ cảm thấy trong lòng thư thái khi giúp cho vị đạo sĩ hoàn tất công trình. Hơn hai mươi năm nung nấu ý chí báo thù, chàng chẳng bao giờ cảm thấy an bình trong tâm trí. Chàng chỉ thực sự có niềm vui khi cùng vị đạo sĩ đứng bên miệng hầm, dưới ánh trăng mờ lẫn sương đêm, sau những lát cuốc cuối cùng để hoàn tất đường hầm. Chàng đã trở thành đồ đệ của vị đạo sĩ sau việc làm đầy ý nghĩa đó.

[ST]

nguồn. tinhhoa.net

No comments:

Post a Comment