Monday, January 1, 2018

Điển Hay Tích Lạ


Mười viên "Xuân Khiết Cao"

Triệu Phi Yến và Hợp Đức là hai chị em ruột. Cả hai đều là cung phi sủng ái của vua Thành Đế nhà Hán (32-6 trước D.L.).
Ba bài "Thanh bình điệu" của Lý Bạch để ca tụng sắc đẹp lộng lẫy của Dương Quí Phi đời Đường Huyền Tông, bài thứ hai có câu nhắc đến
Triệu Phi Yến:
Tá vấn Hán cung thùy đắc tự?
Khả liên Phi Yến ỷ tân trang.
Phan Như Xuyên dịch:
Ướm hỏi Hán cung ai sánh kịp?
Phấn son Phi Yến cũng xin nhường.
Tuy ca tụng sắc đẹp của Dương Quí Phi, nhưng nhà thi hào tài hoa họ Lý cũng phải nhìn nhận Triệu Phi Yến là một quốc sắc thiên hương.
Và, cả hai chị em khi vào hầu vua Thành Đế là bắt đầu làm đảo lộn cả cung vi. Bao nhiêu cung phi mỹ nữ, Thành Đế xem như đất bùn. Cả đến nàng Ban Tiệp Dư, trước được nhà vua sủng ái bao nhiêu thì bấy giờ ghẻ lạnh bấy nhiêu. Đến nỗi vua Thành Đế bị bịnh ... bất lực (liệt), nhưng cuối cùng lại chết đột ngột trên mình của nàng Hợp Đức giữa lúc giao hoan.
Nguyên hai nàng trước họ Phùng. Cha là Vạn Kim, vốn một kẻ lãng tử trác táng. May mắn, Kim được Cô Tô quận chúa kêu vào làm việc tại nhà riêng. Chồng của quận chúa là Triệu Man lại "bất lực", làm quận chúa buồn duyên tủi phận cho kiếp đào tơ sen ngó lỡ làng. Vì thế nên Vạn Kim được mắt xanh để ý, rồi lửa gần rơm, quận chúa có thai. Nhưng vì chồng bất lực, quận chúa không thể bảo đó là kết quả huyết thống của chồng. Để bảo tồn danh dư, quận chúa giả đau xin về nhà dưỡng bịnh, rồi sinh ra Phi Yến và Hợp Đức.
Cả hai chị em ở chung với Vạn Kim. Sau khi Kim chết, hai nàng lưu lạc đến kinh đô, đổi thành họ Triệu vào làm nữ tỳ cho Lâm A công chúa. Nhờ ở được lòng công chúa nên khi Hán Thành Đế có lịnh kén mỹ nữ vào cung, công chúa liền đề cử Phi Yến.
Trước khi vào làm nữ tỳ cho LâmA công chúa, Phi Yến đã trải qua một cuộc sống tình ái lãng mạn. Nàng từng đi lại với một chàng trai tên Xạ Điểu Nhi. Rồi trong thời gian vào cung hầu Thành Đế, nàng lại thông dâm với tên cung nô Yến Xích Phụng, tên cận vệ Khánh An ... Nhà
vua không hay biết gì cả, vẫn say sưa mê mệt trước sắc đẹp và nghệ thuật giao hoan, nên phế Hứa hậu, lập Phi Yến làm hoàng hậu. Nhưng vì không sinh con nên nàng đưa em là Hợp Đức dâng cho Thành Đế.
Không bao lâu, Thành Đế biến thành kẻ bất lực. Các thái y không tài nào chữa được. Nhưng lạ có một điều là chỉ có gần nàng Hợp Đức thì nhà vua mới thấy rạo rực hứng tình...
Có người dâng cho nhà vua một thứ thuốc tráng dương gọi là "Xuân khiết cao". Mỗi tối khi muốn giao hoan được đầy đủ hứng thú, thỏa mãn cả đôi bên thì uống một viên, là thấy hiệu nghiệm ngay.
Một buổi tối, Thành Đế đãi tiệc trong cung. Nhà vua cùng Hợp Đức ngà ngà say, rồi vì muốn tận hưởng một thích thú mới mẻ nên cả hai dùng đến 10 viên Xuân khiết cao để kích thích dục tính. Đêm tối ấy, công lực của nhà vua dũng mãnh phi thường.
Gặp phải tay kỳ phùng địch thủ, nhưng chẳng may Thành Đế bị chết ngay trên giường.
Một ông vua chết đau đớn và nhục nhã!

No comments:

Post a Comment