Tuesday, January 9, 2018

Cổ Học Tinh Hoa


“Biết sửa chữa lỗi lầm

Sửa chữa lỗi lầm của bản thân là loại tu dưỡng đạo đức mà cổ nhân vô cùng coi trọng. “Biết sửa chữa lỗi lầm” được xem là một phương diện trọng yếu của tu thân và tự xét lại mình của người quân tử.
Trong “Sử Ký” của Tư Mã Thiên có ghi lại một câu chuyện xưa rất cảm động, đại ý như sau: Vào thời Xuân Thu, ở nước Tấn có một danh thần tên Lý Ly. Một ngày, Lý Ly kiểm tra lại hồ sơ các vụ án thì phát hiện bản thân vì nghe lời xàm tấu của thuộc hạ mà giết lầm người tốt. Sau khi Lý Ly xác định được sai lầm của mình, liền tự phán mình tội chết.

Tấn Văn Công nói: “Chức quan vốn cao thấp bất đồng, hình phạt nặng nhẹ cũng khác nhau. Đây là do sai lầm của thuộc hạ, không phải là tội lỗi của ngươi mà”.

Lý Ly nói: “Thần đảm đương chức quan lớn, chưa từng đem địa vị cao này tặng cho thuộc hạ, thần nhận bổng lộc rất nhiều, cũng chưa từng đem chỗ lương bổng đó phân phát cho cấp dưới. Hôm nay thần xem xét thấy vụ án có tình tiết oan sai, còn khiến một người phải uổng mạng, giờ thần lại đem tội lỗi này đẩy xuống cho cấp dưới, đâu có loại đạo lý như vậy chứ?”.

Lý Ly nhất quyết cự tuyệt mệnh lệnh của Tấn Văn Công. Văn Công nói: “Ngươi nhận định nhận mình có tội, như vậy ta chẳng phải cũng có tội sao?”

Lý Ly nói: “Quan tòa xử án có pháp quy, hình phạt sai thì phải tự mình chịu hình, giết nhầm người thì phải lấy thân đền mạng. Hiện tại thần xem xét vụ án có oan sai mà giết nhầm người tốt, vậy nên cần phải phán tử tội”. Cuối cùng Lý Ly không tiếp nhận lệnh ân xá của Tấn Văn Công mà rút kiếm tự vận.

Những danh sĩ trọng nghĩa trọng danh thời Xuân Thu nhiều vô số, Lý Ly vào thời đó cũng không phải là quá nổi danh, ông cũng chỉ là một vị quan nhỏ của nước Tấn. Nhưng mỗi khi chúng ta nghĩ đến những án oan thời hiện đại mà nhớ đến chuyện xưa của Lý Ly, thì không thể không thổn thức trong lòng.

Sưu tầm

No comments:

Post a Comment