Wednesday, August 9, 2017

Điển Hay Tích Lạ - Loan giao

Loan giao

Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, lúc nàng Kiều bán mình chuộc tội cho cha, sắp sửa về ở cùng Mã Giám Sinh, nàng nhắn nhủ với em là Thúy Vân xin thay mình mà kết duyên với Kim Trọng, có câu:
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Loan giao chắp nối tơ thừa mặc em.
Có bản chép là "Keo loan chắp nối tơ thừa mặc em".
"Keo loan" bởi chữ "Loan giao" mà ra. Nghĩa là một thứ keo chế bằng máu chim loan.
Sách "Hán Võ ngoại truyện" có chép: đời nhà Hán (206 trước-196 sau D.L.), miền Tây Hải có cống cho nhà vua thứ keo loan. Vua Võ Đế (140-88 trước D.L.) thường bị đứt dây cung, nên lấy keo này nối lại. Nhờ đó mà bắn suốt ngày không bị đứt. Vua lấy làm mừng lắm, đặt tên thức keo đó là "Tục huyền giao" tức là keo nối dây cung.
Sách "Hán Thư" cũng có chép: vua Võ Đế ra lịnh cho Câu Qua phu nhân Triệu thị đánh đàn. Nhưng đương đánh, dây đàn bỗng đứt. Triệu thị nói:
- Giữa lúc đánh đàn mà dây đứt, thế là điềm gở.
Vua Võ Đế an ủi:
- Dây đứt nhưng có thể nối được. Có gì mà gở.
Đoạn sai người lấy máu chim loan nấu với keo để nối dây đàn.
Đời nhà Tống (950-1275), Đào Cốc vâng lịnh vua đi sứ Giang Nam, được gặp một thiếu nữ là Tần Nhược Lan. Hai người yêu nhau và cùng ở chung một đêm để trao đổi tâm tình. Nhưng vì sứ mạng, Đào phải gấp rút về triều phục lịch. Một đêm ân ái, tình thắm duyên nồng, giữa đường hạnh ngộ, mới gặp gỡ lại chia phôi, mối ân tình vẫn còn canh cánh bên lòng gây biết bao niềm cảm xúc, nên sau khi Đào về có làm một bài từ gởi cho người yêu. Trong có câu: "Tỳ bà hát tận tương tư điệu, tri âm thiểu; đãi đắc loan giao tục đoạn huyền, thị hà niên"? Nghĩa là: "Đàn tỳ bà đã gẩy hết khúc tương tư, mà người tri âm có ít, đợi được keo loan chắp nối dây đàn đứt, biết đến năm nào"?
Tác giả mượn dây đàn đứt vì mối tình đứt, và mượn sự chắp dây đàn để nói sự chắp tơ tình.

No comments:

Post a Comment