Monday, August 21, 2017

Điển Hay Tích Lạ

Cử kỳ bất định

Ý của câu thành ngữ này là chỉ: Tay giơ quân cờ lên mà không biết đi nước nào.

Thời Xuân Thu, Vệ Hiến Công vua nước Vệ là một tên bạo chúa, bị đại phu Tôn Văn Tử và Ninh Huệ Tử làm đảo chính truất mất ngôi vua, phải đưa mẹ và em trai trốn sang nước Tề sống lưu vong.

Tôn Văn Tử và Ninh Huệ Tử cùng nắm việc triều chính, họ lập Công Tôn Phiêu lên làm vua tức Vệ Thương Công. Trước khi qua đời, Ninh Huệ Tử đã nhận rõ việc mình truất vua là sai lầm, mới dặn con là Ninh Điệu Tử phải tìm cách đón Vệ Hiến Công về nươc.

Ít lâu sau, Vệ Hiến Công cũng sai người đến liên hệ với Ninh Điệu Tử, mong ông giúp mình phục quốc và hứa rằng: Sau khi giành lại ngôi vị, mình sẽ chỉ phụ trách việc tôn miếu và cúng tế, không tham dự vào việc triều chính. Nhưng bấy giờ có rất nhiều người phản đối Vệ Hiến Công về nước. Đại phu Hữu Tể Hộc cho rằng, tính thô bạo của Vệ Hiến Công đến nay vẫn chưa thay đổi. Còn đại phu Thúc Nghi thì nhắc nhở Ninh Điệu Tử rằng: " Làm việc gì cũng phải trước sau như một, dòng họ Ninh nhà anh đã trục xuất nhà vua, nay lại muốn đón về thì có khác gì chơi cờ . Kỳ thủ đã giơ quân cờ lên mà chẳng biết đặt vào đâu thì tất bị thua cuộc. Hơn nữa, đây là việc lớn phế lập vua, nếu không cẩn thận thì vạ lây cả họ."

Nhưng Ninh Điệu Tử vẫn viện cớ làm theo lời di huấn của cha, cơ bản không nghe lời khuyên giải này. Về sau ông đã diệt trừ dòng họ Tôn, giết chết Vệ Thương Công rồi đón Vệ Hiến Công về nước. Nhưng cuối cùng bản thân ông cũng bị Vệ Hiến Công hạ sát để báo thù .

Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ: " Cử kỳ bất định" để ví với hiện tượng làm việc do dự, không quả quyết .

No comments:

Post a Comment