Sunday, October 30, 2016

Sưu tầm - Núi Cấm và huyền thoại

Núi Cấm và huyền thoại - điểm đến nhiều tiềm năng


Từ xa xưa, bà con miền Tây Nam bộ, nhất là những người theo đạo Phật đã coi núi Cấm ở An Giang là vùng địa linh, vùng đất Phật nên hằng năm có tới hàng triệu du khách đổ về "Thất Sơn mầu nhiệm" để chiêm bái và vãn cảnh. Hiện nay, Núi Cấm có tiềm năng khá lớn trong phát triển du lịch địa phương, tích cực góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Từ định hướng và mục tiêu phát triển Khu du lịch núi Cấm trở thành Khu du lịch cấp Quốc gia, ngày 8 - 4 vừa qua, Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang phối hợp với Huyện ủy và UBND huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo Khoa học "Núi Cấm và huyền thoại".

* Những địa danh huyền thoại
 
Hội thảo "Núi Cấm và huyền thoại" thu hút khá nhiều người tham gia. Ban Tổ chức đã nhận được 67 bài tham luận, tập trung vào 4 nội dung: núi Cấm trong lịch sử; Các di tích lịch sử, danh thắng, hang động núi Cấm; Những huyền thoại và truyền thuyết có liên quan đến núi Cấm; Những định hướng, giải pháp phát triển du lịch núi Cấm. Mặc dù mỗi tác giả quan tâm đến nhiều vấn đề khác nhau song hầu như bài nào cũng đề cập đến vị trí và tên gọi của núi Cấm.
 
121-5.jpg
 
Hành hương trên núi Cấm.
 
Trong cuốn "Thất Sơn mầu nhiệm" nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu viết: Thất Sơn tức Bửu Sơn hay Bảo Sơn, là những ngọn núi hiển linh, vùng "hoa địa", nơi có nhiều bậc siêu phàm xuất hiện, nhiều vị tu thành chính quả.
 
Theo sử sách, vào đời Gia Long, hai chữ "Bảy Núi" chưa xuất hiện. Một số sách đáng tin cậy đã ghi về Thất Sơn như sau: Sách Gia Định thành thông chí, tác giả Trịnh Hoài Đức ghi 19 ngọn núi ở An Giang mà không thấy nói đến khái niệm Thất Sơn; Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ra đời năm 1882, ghi bảy ngọn núi nằm trong Thất Sơn gồm: Núi Tượng Sơn, núi Tô Sơn, núi Cấm Sơn, núi Ốc Nhẫm, núi Nam Vi, núi Tà Biệt, núi Nhân Hòa; Sách Thất Sơn huyền bí (theo Nguyễn Văn Hầu) cụ Hồ Biểu Chánh ghi Thất Sơn gồm núi Trà Sư, núi Két, núi Dài, núi Tượng, núi Bà Đội Om, núi Tô và núi Cấm; Sách Tự vị Tiếng nói miền Nam, cụ Vương Hồng Sển ghi: Núi Tượng, núi Tô, núi Cấm, núi Sam, núi Két, núi Dài, núi Tà Béc.
 
Còn theo các bô lão và các tín đồ của Đức Phật Thầy Tây An thì Bảy Núi đó là: Anh Vũ Sơn, Ngũ Hồ Sơn, Thiên Cẩm Sơn, Liên Hoa Sơn, Thủy Đài Sơn; Ngọa Long Sơn, Phụng Hoàng Sơn.
 
Gần đây nhất, trong cuốn "Những trang sử về An Giang", nhà nghiên cứu Trần Thanh Phương ghi Thất Sơn gồm: núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), Núi Dài (Ngọa Long Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn), núi Két (Anh Vũ Sơn), núi Nước (Thủy Đài Sơn) giống như tên gọi trong dân gian hiện nay.
 
Còn theo Địa chí An Giang, hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn có tới 37 ngọn núi có tên. Nhà biên khảo Sơn Nam thì lại cho rằng "Bảy Núi linh thiêng có lẽ xuất phát từ thời Đoàn Minh Huyên với thuyết "Bửu Sơn Kỳ Hương" nhằm khuyên tín đồ qui dân lập ấp, rồi lần hồi bị ảnh hưởng quá nặng của mê tín cổ sơ, tô điểm thêm chi tiết".
 
Núi Cấm (núi Ông Cấm) là ngọn núi cao và hùng vĩ nhất trong cụm Thất Sơn được nhiều người mộ đạo coi là ngọn núi thiêng với nhiều tên gọi khác nhau. Từ xa xưa núi Cấm có tên là núi Gấm, Thiên Cấm Sơn, Thiên Cẩm Sơn (núi đẹp như gấm lụa). Cho tới nay vẫn còn nhiều giả thuyết về nguồn gốc núi Cấm, mỗi người có cách lý giải theo suy luận riêng của mình.
 
Qua nhiều bài tham luận, nhiều ý kiến trao đổi về nguồn gốc của tên gọi núi Cấm và núi Gấm. Ông Đặng Hoài Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang, phát biểu tổng kết tại hội thảo: Trong khi chờ đợi các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận chính xác về nguồn gốc của địa danh núi Cấm, tạm thời chúng ta chấp nhận 2 giả thuyết hợp lý nhất. Một là lời cấm đoán của Phật Thầy Tây An – Đoàn Minh Huyên cấm không cho bổn đạo lên núi làm ô uế núi non nên mới có tên là núi Cấm. Hai là núi Gấm, vì đây là một ngọn núi tuy hoang sơ nhưng phong cảnh "thủy tú sơn kỳ" bốn mùa đẹp như hoa như gấm, nên mới có tên là núi Gấm – Thiên Cẩm Sơn.
 
Mãi cho đến nay, nhiều người vẫn coi Thất Sơn là vùng đất thiêng còn ẩn chứa bao điều kỳ bí.
 
* Du lịch núi Cấm - tiềm năng triển vọng
 
Từ những lợi thế của núi Cấm, ngành du lịch tỉnh An Giang đã xác định Khu du lịch núi Cấm là một trong những Khu du lịch trọng điểm trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Hướng tới, ngành du lịch sẽ tăng cường nhiều hoạt động nhằm khai thác tiềm năng, đặc biệt là loại hình du lịch tâm linh và du lịch nghỉ dưỡng. Ban Quản lý khu du lịch núi Cấm sẽ phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch homestay, du lịch sinh thái nhà vườn, làng nghề truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng. Bên cạnh đó, Khu du lịch núi Cấm còn gắn kết với Lễ hội văn hóa cấp Quốc gia vía Bà Chúa Xứ.
 
122-1-1.jpg
 
Cảnh quan trên núi Cấm nên thơ và huyền bí.
 
Từ lâu, núi Cấm là biểu tượng của "Thất Sơn huyền bí", là trung tâm văn hóa tâm linh không những của An Giang mà còn của cả Đồng bằng sông Cửu Long. Ngày nay, với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, suối Thanh Long, hồ Thanh Long, hồ Thủy Liêm, nhiều hang động, nhiều vồ, nhiều am cốc, điện thờ, chùa miễu, núi Cấm còn có nhiều công trình kiến trúc độc đáo như chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, tượng Quán Thế Âm...và hệ thống cáp treo thuận tiện cho du khách thưởng ngoạn toàn cảnh từ trên cao. Núi Cấm và vùng Bảy Núi còn có nhiều truyền thuyết, huyền thoại hấp dẫn lôi cuốn nhiều người.
 
Hiện nay, Khu du lịch núi Cấm được quy hoạch thành 5 Khu phục vụ khách tham quan, hành hương và nghỉ dưỡng. Việc đầu tư có trọng điểm và hướng đến du lịch bền vững sẽ góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (huyện Tịnh Biên) và gắn liền với bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời bảo tồn các giá trị lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng và cảnh quan thiên nhiên của núi rừng Tây Nam bộ. Do đó, trong tương lai Khu du lịch núi Cấm sẽ được tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện hệ thống giao thông, xây dựng Khu dân cư và sắp xếp bố trí lại các hộ buôn bán, đặc biệt là Khu vui chơi giải trí và Khu nghỉ dưỡng cao cấp. Riêng các điểm du lịch tâm linh như chùa miễu, điện thờ sẽ được tôn tạo, nâng cấp để phục vụ khách tham quan một cách hữu hiệu.
 
Hoạt động du lịch núi Cấm không chỉ chú trọng về tham quan, giải trí, văn hóa tâm linh, trải nghiệm, khám phá mà còn tạo động lực thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế xã hội. Hy vọng một ngày không xa, núi Cấm sẽ thật sự trở thành điểm đến thân thiện, an toàn.
 
Theo HOÀI PHƯƠNG (Báo Cần Thơ)

No comments:

Post a Comment