Friday, June 13, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Sự khác biệt giữa cúng tế theo tín ngưỡng dân gian và sự cúng dường hợp đạo theo Phật Pháp.

Hỏi: Sự khác biệt giữa thờ cúng tổ tiên theo tín ngưỡng dân gian và sự cúng dường hợp đạo theo Phật Pháp.

(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp giảng kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Phong tục thờ cúng tổ tiên là một phong tục rất đẹp trong văn hóa của chúng ta và ít nhất thì phong tục này cũng nhắc cho chúng ta biết về ý nghĩa của cây có cội nước có nguồn. 

Và riêng với người Phật tử thì việc quan trọng tiếp theo mình phải làm khi nghĩ đến tổ tiên những người đã mất, những thân nhân nhất là những bậc hữu ân đã mất như cha mẹ ông bà thì thật sự chúng ta rất có thể làm một việc như tụng kinh Maṅgalacakkavāḷa. Và sau khi cha mẹ mất rồi thì con nên hồi hướng công đức. Hồi hướng công đức ở đây là làm các phước sự. 

Một lần nữa, chúng ta cũng nên nói một điều là một hành động gọi là phước sự tạo được phước lành, nó không nhất thiết chỉ có vấn đề cúng tế mà còn có rất nhiều việc tạo phước. Đức Phật Ngài đề cập đến 10 việc tạo phước như:  bố thí, trì giới, thiền định, cung kính, phục vụ, thính pháp, thuyết pháp, hồi hướng phước, tùy hỉ phước, cải thiện tri kiến chân chánh. 

Nói một cách khác, có thể chúng ta làm một buổi lễ trai tăng hay thọ một ngày Bát Quan Trai Giới. Hoặc giả chúng ta ngồi thiền tập. Hay dùng thì giờ để đi lau quét đền tháp bày tỏ lòng cung kính của mình. Hay chúng ta ngồi nghe pháp ở trong một buổi pháp thoại ví dụ như thảo luận Phật Pháp ở tại đây nếu chúng ta có chánh kiến và thấy rằng đây là việc làm có phước có công đức thì chúng ta có thể hướng nguyện công đức này hồi hướng cho thân nhân đã quá vãng.

Thì như vậy, cốt tủy chúng ta làm phước cho thân nhân quá vãng không phải chỉ có vấn đề cúng tế. Những lễ phẩm cúng tế là một quan niệm mang tánh cách văn hóa hơn là mang tánh cách tạo phước trong đạo Phật. Dĩ nhiên ở trong đạo Phật còn có hình thức ví dụ như chúng ta cúng dường hương đăng hoa quả đến bàn Phật trước khi tụng kinh chẳng hạn, cúng dường như vậy cũng là hình thức cúng dường nằm ở trong pháp cúng dường một thiện pháp đầu tiên - Dana là bố thí. Nhưng chữ bố thí thường chúng ta nghĩ rằng chỉ cho những người nghèo khổ mới là bố thí, trong đạo Phật chữ Dana là hiến tặng hay là hy hiến. Chữ hy hiến ở đây có thể là cho những người nghèo hoặc giả cúng dường hương đăng hoa quả hay cúng dường đến cha mẹ đến các vị samôn v.v... đều gọi là cúng dường tạo phước lành để hồi hướng cho người quá vãng. Đó là công việc chúng ta rất nên làm.

 Còn vấn đề nghi lễ chúng ta nên hiểu nó có chừng mực, lễ phẩm chúng ta cúng dường cho người quá vãng cũng là một việc khác tương đối rất hạn chế nếu nó được cái gì đó thì nó chỉ được vấn đề hình thức ở bên ngoài, còn về thực chất ở bên trong thì chúng ta phải làm việc phước lành để hồi hướng.

 Nói chung, cho dù bất cứ nghi lễ gì một việc gì chúng ta gọi là pháp sự hay phước sự nghĩa là một việc làm mà qua đó công đức được tác tạo và khi công đức được tác tạo thì chúng ta hồi hướng cho thân nhân quá vãng đó là cái cách được xem như là học đạo hay nhất./.

No comments:

Post a Comment