Hỏi: Biết lắng nghe
(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Biết lắng nghe là một cụm từ rất đẹp. Người ta cho rằng một người muốn mở mang tri thức, không phải dựa trên học vị mà dựa trên thái độ hiểu biết và thái độ cầu học của mình. Cho dù một vị lớn tuổi, có học vị rất cao về tri kiến chuyên môn về lĩnh vực nào đó mà người này không còn có khả năng lắng nghe nữa thì sự học bắt đầu thụt lùi.
Có thể nói rằng lắng nghe ở đây có nghĩa là trong tâm tư của mình lắng đọng những ý kiến phê bình, tất cả những quan niệm chủ quan của mình để tiếp nhận những cái gì được nói và được biết tới từ bên ngoài. Riêng trong Phật giáo có rất nhiều bài kinh đề cập đến điểm này. Ví dụ kinh Hạnh Phúc và kinh Chuyển Nghiệp.
Trong kinh Hạnh Phúc Đức Phật ngài dạy, một người biết nghe là hạnh phúc tối thựơng, người có khả năng lãnh hội là hạnh phúc tối thượng. Trong bài kinh Chuyển Nghiệp thì chúng ta lại tìm thấy một Phật ngôn đề cập đến những người trong thế gian này mà thường đến gặp các vị Sa Môn, Bà la môn, bậc thiện trí để hỏi điều nào là thiện, điều nào là bất thiện. Và với những câu nghi vấn này, những sự tìm hiểu này thì người đó đang tạo nhân để đời sau sanh ra có trí tuệ. Không phải vì chúng ta đi hỏi và nhận những câu trả lời làm cho chúng ta là người có trí tuệ mà muốn nói một người đem tâm tư mình lắng đọng, đón nhận những cái gì hay, cái gì đẹp từ bên ngoài vào.
Các vị thiền sư Nhật Bản cũng có một ví dụ. Có một người đến thăm một vị thiền sư để hỏi đạo. Nhưng anh này nói huyên thuyên về những đạo lý mình đã được nghe, đã được hiểu. Vị thiền sư chỉ ngồi đó và lấy bình trà rót trà vào ly cho đến khi đầy vẫn không dừng lại. Vị khách lấy tay chận vị thiền sư thì vị thiền sư nói, đầu óc của anh giống như ly trà này, nó không còn có thể chứa đựng thêm được gì nữa. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải ở trong một tư thế có thể đón nhận được, có thể lãnh hội được, có thể lắng nghe thì chúng ta mới có thể cải thiện được cái nhìn của mình, có thể nâng cao tri kiến của mình.
Nếu chúng ta không còn khả năng để lắng nghe nữa thì chúng ta cô lập với thế giới bên ngoài cho dù chúng ta sống trong đám đông và cho dù chúng ta có là chuyên gia về một ngành nào đi nữa. Thái độ hiểu biết, thái độ cởi mở rất quan trọng.
Ở đây chúng ta cũng tìm thấy một hình ảnh khác ở trong kinh Phật khi đề cập đến một người biết lắng nghe. Người ta thường nói nếu chúng ta đi xem một vở kịch hay một chương trình văn nghệ để có thể cảm nhận trọn vẹn thì tâm tư chúng ta phải lắng đọng, ít nhất là nó phải yên lặng. Không có đủ tâm tư yên lặng thì chúng ta không thể hấp thụ được một điều gì hết. Chúng tôi trong đời này thật hữu duyên, hữu phúc. Đó là từ nhỏ tới lớn sống gần một số các vị tôn túc, thầy tổ. Chúng tôi cảm nhận rằng quí vị này cho dù rằng tuổi đã cao. Sáu, bảy mươi tuổi, có vị thậm chí tám mươi tuổi nhưng đối với kinh điển, sách vở thì tâm tư của quí vị này lúc nào cũng mới mẻ. Cần thiết gì để cho một vị hòa thượng lớn tuổi mà vị đó phải đọc sách, phải nghiên cứu kinh điển trong khi trong cuộc đời đã tri kíến quá nhiều. Nhưng những vị thầy, những vị hòa thượng mà tôi đã sống trong chùa thì cho dù các ngài ở tuổi nào, đối với kinh sách, đối với Phật pháp, tâm tư của các ngài lúc nào cũng mới mẻ. Các ngài có thể bỏ ra mỗi ngày hàng mấy tiếng đồng hồ để xem một quyển kinh. Mỗi lần chúng tôi nhìn hình ảnh đó, chúng tôi nghĩ là đó là hình ảnh rất đẹp. Người Trung Hoa có đề cập đến một khả năng là một đức tốt của một người cho dù đến tuổi già bóng xế vẫn không chán học, vẫn tìm thấy rằng trong lãnh vực tri thức, tâm linh có nhiều chỗ để học, để lắng nghe.
Là một vị tỳ kheo mà vị này lúc nào cũng nói năng một cách phi thời, không đúng chỗ, đúng lúc. Nói năng thì nhiều nhưng không chịu lắng nghe, không chịu cải thiện tri thức của mình. Sống giữa tăng nhưng không biết cái gì là hợp tình, hợp lý. Có lắm lúc những người Phật tử phiền hà, phiền hà vì vị này nói những lời không đúng lúc. Ví dụ người ta đang đám cưới, người ta thỉnh chư tăng về nhà cúng dường thì vị này đem chuyện chết chóc, chuyện vô thường, khổ não ra để mà nói. Không phải là ngày xưa mà ngày nay chúng ta cũng gặp rất nhiều người nghĩ rằng hễ Phật pháp là tốt thì chỗ nào cũng nói Phật pháp được. Thật ra không phải như vậy. Có sống trong một ngôi chùa lâu và có sống đời sống tu tập thì chúng ta thấy rắng ngay cả lời nói rất thiện, rất tốt mà nói phi thời thì nó cũng có vấn đề chứ đừng nói chi là một lời nói vô duyên. Điều mà Đức Phật quở trách không phải là sự dốt nát mà Đức Phật ngài quở trách ở đây là thái độ không chịu học, thái độ không chịu lắng nghe, thái độ không chịu tự cải thiện chính mình.
Con người chúng ta đa số thường thương quí bản ngã. Thị dục bản ngã là cái gì căn bản của loài người. Chúng ta thường hãnh diện về trí kiến của mình. Nhưng sự tự hào hãnh diện đó có giá trị tốt hay không tốt thì chúng ta thấy tại đây khi một người tách biệt với thế giới bên ngoài, không còn khả năng hấp thụ những điều hay nữa thì lúc đó quả thật là có vấn đề.
Thì cho dù chúng ta bảy mươi tuổi, tám mươi tuổi mà chúng ta vẫn còn cảm thấy những buổi đàm đạo tuy là rất ngắn gọn, nhẹ nhàng nhưng nó bồi bổ cho tâm linh và những quyển sách tuy rằng những điều rất xưa, rất cũ nhưng vẫn còn giá trị để mình đọc để mình tìm hiểu thì điều đó có nghĩa là chúng ta luôn luôn gìn giữ sự trẻ trung của mình./.
No comments:
Post a Comment