Hỏi: “Thưa quí sư, nếu người học y, học luật mà không học Phật pháp, ra hành nghề y, nghề luật sư cũng như những người học giáo lý Thiên chúa, đạo Hồi trở thành linh mục, giáo sĩ. Họ có được coi là có trí tuệ lớn mạnh, có trí năng sáng suốt không?”
(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, thời kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên)
TT. Giác Đẳng: Nói về trí năng thì những ai có trình độ học cao mang tính cách chuyên môn trong lãnh vực nào thì trí năng của họ rất cao trong lãnh vực của họ.
Trí trong Đạo Phật, chúng ta thường nghe có ba lọai trí: Trí văn, trí tư và trí tu.
Đối với một người như chúng ta, người Phật tử, nếu chúng ta học Phật pháp mà chúng ta không có tu tập thì chúng ta chỉ đạt được trí văn và trí tư thôi. Trí văn là trí do học hỏi ở bên ngoài. Trí tư là do khả năng tư duy của chúng ta. Nhưng trí tu là những gì chúng ta thấy và biết được do tâm tư tu tập, vắng lặng phiền não. Khi chúng ta bớt đi phiền não chúng ta thấy sự việc nó khác hơn một người có phiền não mà cố gắng lý luận về vấn đề này.
Chúng tôi thường gặp những bi kịch xảy ra trong các ngôi chùa là một số các Phật tử quen giải quyết khó khăn bằng lý lẽ của mình. Khi lý sự nhiều quá thì câu chuyện càng lúc càng tệ thêm. Ngay lúc đó nếu có một ai có đủ ảnh hưởng để kêu gọi mọi người bình tĩnh cố gắng tụng kinh, cố gắng niệm Phật, cố gắng lo tu tập sẽ hóa giải được nhiều vấn đề.
Nhiều vấn đề của đời sống được hóa giải không phải do lý luận hay kiến văn của chúng ta mà có nhiều gút mắc của đời sống hóa giải được do chúng ta có thể nhìn thấy với một nội tâm bình thản hơn, khách quan hơn. Đức Phật gọi là một nội tâm có tu tập.
Nội tâm có tu tập tức là đem tri kiến của mình chuyển hóa được nội tại của mình là một câu chuyện hoàn toàn khác với tri thức ở bên ngòai.
Trong câu hỏi của một Phật tử vừa hỏi, thì xin thưa là có lẽ chúng ta không cần có so sánh về những người theo đạo khác hay ngành nào. Nhưng đối với Đạo Phật thì những người trí thức, những người xem như có trình độ chuyên môn trong lãnh vực nào đó thì phải nói rằng những người này nếu họ khéo léo để chuyển hóa khả năng để đào sâu ngành nghề của họ qua những lý lẽ chân thật của đời sống thì có lẽ họ đạt nhiều lợi lạc. Nhưng không may là đa số chúng ta khi có học vị hay có địa vị nào trong xã hội thì chúng ta thấy là khó khăn để ngồi xuống lắng nghe những chuyện bình thường.
Chúng tôi nhớ rằng năm 1992, chúng tôi có được dịp đến thăm một cơ sở là Siam Society, là một hội về văn hóa của Thái Lan. Tại cơ sở Siam Society có một văn phòng lớn để triển lãm sách và những công trình của ngài Buddhaghosa tại Thái Lan. Ngài Buddhaghosa thường được biết trong sách vở của Việt Nam là ngài Phật Sứ. Ngài có ảnh hưởng rất lớn trong giới trí thức tại Thái Lan. Chúng tôi đến đó đứng quan sát những tác phẩm của ngài, những công trình của ngài và có một vài người Thái Lan họ đến, họ hỏi chúng tôi có nói tiếng Anh được không thì chúng tôi có đàm luận với họ trong giây lát thì mới hiểu được họ tâm tư rằng, với họ một người có trình độ học vấn cao thì khó có thể đem họ thân cận với chư tăng được. Tại vì họ sống tương đối có thế giới biệt lập hơn. Nó cũng có lợi và cũng có thiệt thòi. Còn những người bình dân thì có sự thân cận nên họ hấp thụ một cách dễ dàng nhanh chóng. Trong trường hợp này những người này họ có cái may là họ gặp được ngài Buddhaghosa, một vị tăng có ảnh hưởng lớn trong giới trí thức là vì ngài đề xướng rất nhiều cái nhìn mới của Đạo Phật, một cái nhìn dựa trên quan niệm là y cứ vào kinh điển mà không y cứ vào phong tục tập quán. Dĩ nhiên những lời dạy của ngài Buddhaghosa không đơn giản để người ta tiêu hóa. Chúng tôi tìm thấy ngay cả sau này cũng có một số vị tăng Việt Nam khi chuyển dịch lời dạy của ngài sang tiếng Việt thì cũng có thêm thắt đôi chút, xem ngài là một con người đi ngược lại với truyền thống cũ. Tuy nhiên quan niệm của ngài Buddhaghosa gợi cho chúng ta ý nghĩa rất là quan trọng trong câu trả lời này rằng một con người có trình độ chuyên môn nào đó thì tuy rằng khả năng lý luận của họ có nhưng không chừng điều đó họ có thể xa rời với thực tại mà thực tại đôi lúc không cần với trình độ như vậy.
Ngài Ajahn Chah có những lúc nói về những người da trắng. Ngài có rất nhiều đệ tử người Tây phương và người ta hỏi ngài những người đó khác biệt với những người Thái như thế nào thì ngài nói rằng những người đó là over educative, tức là những người đó học nhiều quá. Khi mà học nhiều quá thì cái gì cũng có ý kiến, cái gì cũng phê bình hết. Ngó cái gì thì cũng là thế này, cũng là thế kia. Đến lúc nào đó mà họ chịu ngồi yên xuống để lắng nghe thì cũng là một cơ hội rất là hiếm. Không riêng gì người cư sĩ mà ngay cả chư tăng cũng vậy. Khi qúi thầy là trụ trì một ngôi chùa lớn hay có chức vụ hoặc giả học chuyên ngành một ngành nào đó thì đôi lúc rất khó có thể để quí thầy ngồi nghe quí vị thiền sư nói chuyện. Bởi vì lời lẽ rất là mộc mạc. Tuy rằng mộc mạc nhưng rất là cụ thể có thể thực hành được. Đây là trở ngại của chúng ta.
Nên trí thì có ba lọai trí; mà trí văn và trí tư thì bất cứ ai đi học trong đời sống này đều có thể có điều này. Nhưng trí tu đòi hỏi có tâm tư, một tâm tư ít phiền não. Quí Phật tử nào có thì giờ đọc kinh Từ Bi, còn gọi là kinh Thương Yêu. Con người muốn phát triển lòng từ bi thì phải có những đức tánh, những điều kiện căn bản mới giúp chúng ta được. Ví dụ như không có rộn ràng, lục căn luôn trong sáng, trí tuệ mới hiển minh. Tâm tư không rộn ràng, được trong sáng, những chuyện đó chúng ta không nghĩ tới, nhưng chính sự trong sáng của tâm tư chúng ta đến gần với sự vật tốt hơn là một người mà tâm tư họ chộn rộn quá nhiều?
Ở đây trả lời tóm lại là trí tu là cái gì làm cho con đường hành trình tâm linh của Đạo Phật khác với những tôn giáo khác. Và chính trí tu làm cho người Phật tử đứng ở ngoài nấc thang về trình độ học lực. Và khi nói đến trí tu thì đề cập đến những con người có thể hội nhập với giáo pháp. Thể nhập với giáo pháp như là chúng ta hít thở, chúng ta đi đứng, chúng ta sống, tắm gội trong bầu khí quyển trong lành. Điều này là điều rất bình thường đối với một người tu tập nhưng là một chuyện rất khó khăn với những người có nhiều trình độ hay họ được huấn luyện trong một môi trường khác.
No comments:
Post a Comment