Hỏi:“Trong cái nhìn bình đẳng đối với tất cả chúng sanh sao có thể nói là có người này hơn người kia?”
(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, giảng kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên)
TT. Giác Đẳng: Con người trong thế gian này thường có những cực đoan. Có những người coi rẻ học vị, coi rẻ bằng cấp. Có những người quá chú trọng, chú trọng đến nỗi họ quên rằng ngoài việc đó ra còn có những giá trị khác nữa.
Chúng ta có thể nói rằng do sự cực đoan của con người nên chi chúng ta đánh giá những sự việc không được tinh tường, chính xác. Cái chỗ không đánh giá tinh tường chính xác này đã tạo ra bao nhiêu bi kịch trong cuộc sống, về những cách nhìn cái nào là đẹp, cái nào là xấu, cái nào là hư, cái nào là thực.
Chúng tôi nhớ ở tại chùa thỉnh thỏang chúng tôi có nghe một số Phật tử bàn với nhau xe Mỹ tốt hay xe Nhật tốt hoặc xe hiệu này là tốt hay hiệu kia là tốt. Khi bàn với nhau có đôi lúc mình không biết lấy gì làm cơ sở. Thí dụ như một người lấy hiệu Nissan so với Toyota chẳng hạn.
Đó là ý thức cá nhân. Phải nói rằng ý thức này đặc biệt gắn chặt vào tâm tư của mỗi người. Chúng sanh sống trong cuộc đời này sự dị biệt về cái nhìn tự nhiên nó dẫn đến dị biệt về hành động và dẫn đến sự dị biệt về quả của hành động.
Một trong những bài học khó nuốt nhất của Đạo Phật mà chúng ta biết đến là tinh thần bình đẳng. Tinh thần bình đẳng là làm sao thấy được chúng sanh có thức tánh, thấy tất cả chúng sanh có điều kiện để giác ngộ, thấy tất cả chúng sanh có tiềm lực để dẫn đến giác ngộ, giải thoát và phải vượt ra ngoài quan niệm khinh người này, trọng người kia.
Nhưng khi chúng ta đọc những câu Phật ngôn kinh Pháp Cú như:
Người ít chịu học hỏi
Như trâu già lớn xác
Bắp thịt thì nở nang
Nhưng trí năng cùn mạt
Nếu một người không có lòng từ, không có sự hiểu biết thì đọc câu này như là một cách Đức Phật coi trọng người này, coi rẻ người kia? Tuy nhiên nếu chúng ta quen với những Phật ngôn thì chúng ta hiểu rằng những câu này hàm ý nói lên một khía cạnh, nói nôm na là chỉ đề cập đến pháp, chứ không nhắm đến một cá nhân. Nếu một giai đọan nào đó có một cá nhận làm một việc sai lầm thì Đức Phật ngài cũng quở. Chúng tôi lấy ví dụ trong Lục tạng có lần Đức Phật ngài quở tôn giả Anirudha. Tôn giả Anirudha là một tỳ kheo xuất gia. Nguyên trước khi xuất gia là một hoàng tử trong dòng Thích Ca. Sau khi xuất gia rồi là một vị thánh nhân, là một vị có thần thông, đặc biệt là thiên nhãn thông. Nhưng rồi có đôi lúc Đức Phật ngài cũng quở bởi vì một vài hành động không thích hợp. Hay hoặc giả là tôn giả Xá Lợi Phật là một vị thượng thủ Thanh Văn có trí tuệ. Có lúc tôn giả trả lời Đức Phật và Đức Phật coi câu trả lời đó không thích đáng thì Ngài cũng dạy rằng không nên nói như vậy hay không nên nghĩ như vậy. Như một lần tôn giả Xá Lợi Phất nghĩ rằng có lẽ là trong quá khứ, hiện tại, vị lai không có ai có trí tuệ như Đức Phật thì Đức Phật nói với tôn giả Xá Lợi Phất là đừng nói như vậy và hỏi Xá Lợi Phất có biết được hành xứ của chư Phật ở trong quá khứ, hiện tại, vị lai hay không thì tôn giả có thưa về một số cái biết của tôn giả đối với chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai. Nhưng cái biết đó không đủ để đo lường để có thể nói rằng đức Thích Ca Mâu Ni là vị có trí tuệ vượt trội hơn những vị từ xưa đến giờ không ai bằng ngài hết. Trong những trường hợp như vậy Đức Phật Ngài không có quở hay không có la rầy nhắm vào cá nhân hay phủ nhận cá nhân mà ngài dựa trên pháp, dựa trên sự thật.
Con người chúng ta sống trong thế giới này, mỗi kiếp sống, mỗi một con người chúng ta chỉ là một giai đọan. Lấy ví dụ như hôm nay có nhiều người đi làm họ mặc quần áo tươm tất. Còn chúng ta không đi làm, chúng ta đi vào rừng để có một buổi cắm trại thì có thể chúng ta mặc quần ngắn, mặc áo thun mà đi. Mặc đồ như vậy không có nghĩa là người này sang hơn người kia hay người kia hèn hơn người này mà nó chỉ là một giai đọan.
Trong nhân sinh quan về luân hồi chúng ta biết rằng có khi chúng ta sanh làm đàn ông, có khi sanh làm đàn bà, có khi sanh ra làm người, có khi sanh ra làm thú, có khi sanh ra làm người hữu phước, có khi sanh ra làm người không hữu phước. Trong tiến trình luân hồi đó nói lên tính bình đẳng của chúng sinh và mỗi thứ là một giai đọan. Điều này nói lên Đạo Phật không có cái nhìn khinh rẻ, miệt thị, hay trọng người này, xem người kia cao. Tuy nhiên ở một thời điểm nào đó thì chánh pháp phải được thắp sáng, chánh pháp phải được nêu rõ. Và điểm này là điểm rất tự nhiên. Đức Phật Ngài giảng dạy như cho thuốc. Khi cho thuốc thì liều thuốc phải đủ mạnh để trị một căn bịnh trầm kha nào đó của đời sống.
Có một bài kinh là kinh Vương Tử Vô Úy trong Trung Bộ Kinh. Ở trong kinh đó Đức Phật Ngài có dạy là: Những lời dạy của Ngài có mục đích dẫn đến giác ngộ, giải thóat. Mà điều gì dẫn đến giác ngộ giải thóat thì điều đó phải tương ưng với sự thật. Ngài cũng nói thêm rằng cho dù người đó thích nghe hay không thích nghe thì Đức Phật Ngài vẫn dạy. Điều đó có nghĩa là đôi lúc chúng ta không cảm thấy thỏai mái về một lời dạy gì đó hay một lời nhắc nhở gì đó. Nhưng trong trường hợp như vậy không nhắm vào người này thấp, người kia cao mà chỉ nói đến lúc đó, pháp đó, sự việc đó mang phẩm chất như vậy và phẩm chất đó có thể làm cho chúng ta thăng hoa hay làm cho chúng ta trở nên hèn kém, tồi tệ hơn trong đời sống này vì chúng ta thiếu những phẩm chất này. Và những lời dạy này áp dụng cho tất cả mọi người, mọi trường hợp chứ không phải riêng gì vị tỳ kheo nào hay bất cứ ai. /.
No comments:
Post a Comment