Hỏi: “Người ta bỏ tất cả vì người mình yêu có phải là họ thương mình hay thương người mình thương?”
(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp giảng kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên)
TT. Giác Đẳng Có một câu nói mà người ta thường hay nói; ở trong tình yêu đôi khi người ta phải quên chính bản thân của mình và chỉ sống cho người mình yêu. Câu hỏi ở đây là, “Người ta bỏ tất cả vì người mình yêu có phải là họ thương mình hay thương người mình thương?” Ví dụ anh A thương cô B và anh A đi làm việc rất cực khổ để lo lắng cho cô B để mong đáp ứng lại những gì cô B cần hay anh A vì nhu cầu tình cảm của mình, quá thương cô B và muốn thỏa mãn nhu cầu tình cảm đó?
Câu này có quan hệ rất lớn khi chúng ta nói ở đây trong đời sống con người mình, nhiều chuyện mình nghĩ mình đang sống cho người khác nhưng chính thật ra mình đang cố gắng để làm cái gì đó mà mình muốn làm hay mình quá muốn làm và những lúc nào đó người ta khám phá ra rằng bản thân mình không phải là thương người khác mà chỉ thương bản thân mình mà thôi.
Lấy một ví dụ, chúng ta muốn người khác phải như thế này, như thế kia. Chúng ta thương một người nào đó vì họ làm theo ý mình muốn, vì điều mình đòi hỏi chứ không phải vì họ ra sao mình chấp nhận như vậy. Bà Dolphy Coneil có nói rằng một người có dấu hiệu trưởng thành là người có thể nhìn nhận được sự thật có thể chấp nhận người mình thương họ ra sao thì mình nhìn nhận họ như vậy. Nhưng con người phần đông thì không có được sự suy nghĩ như vậy.
Mình thương một người nào đó mình muốn người đó phải vuông, phải tròn, phải thế này, thế kia theo cách ý của mình. Cho dù đó là một tình thương rất chân thành, tình thương đó rất nồng ấm thì tình thương đó chỉ là để thỏa mãn tâm tư của mình nhiều hơn là vì nghĩ đến người đó.
Do vậy ngài Narada, ngài có viết rằng một trong những kẻ thù trực tiếp của lòng từ tức là tâm sân hận nhưng kẻ thù gián tiếp cùa lòng từ chính là sự dính mắc hay là sự ái luyến. Khi người ta dính mắc ái luyến thì ở một khía cạnh nào đó rất là vị tha nhưng quả thật trong nhiều trường hợp nó đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng đó là thái độ ích kỷ, ích kỷ đến độ tàn nhẫn.
Chúng ta đã được nghe rất nhiều bi kịch của đời sống. Chúng tôi có quen một người, người đó có một đứa con. Bởi vì trong gia đình người này rất trọng danh vị, trọng về môn đang hộ đối nên khi đứa con ra trường có bằng cao học thì người con này thương một anh thanh niên chỉ có bằng cử nhân thôi đang làm engineer cho một hãng xăng Shell. Gia đình rất thương con gái nên nghĩ rằng con gái của mình vừa đẹp, vừa có bằng cấp cao bây giờ đi ra lấy một anh thanh niên có bằng cấp thấp hơn như vậy là bất xứng. Nên gia đình đã tạo một áp lực nặng nề để cho cô con gái bỏ anh này. Cuối cùng cô không có cách nào khác. Cô đã tự lựa chọn bằng quyên sinh. Cô đã tự bắn vào đầu mình bằng khẩu súng trong phòng ngủ của mình. Khi cha mẹ biết được chuyện này thì có thể nói rằng là nỗi buồn khôn nguôi cho đến bây giờ. Và có nhiều người hỏi rằng trong điều đó cha mẹ đã quá ít kỷ khi nghĩ đến đòi hỏi của mình hơn là nghĩ đến hạnh phúc của con gái của mình. Có người khác hỏi rằng, đứa con gái đó có ích kỷ hay không là bởi vì một điều mà mình không thỏa mãn được lại gây ra một thương tổn cho suốt cuộc đời còn lại của cha mẹ của mình. Đó là bi kịch của đời sống.
Chúng ta biết rằng trong con người của chúng ta khi nói đến tình thương yêu chúng ta thường quan niệm đó là thái độ vị tha, sống vì người khác. Có thể mình dãi nắng dầm sương. Có thể mình trèo non, vượt suối; bao nhiêu sông cũng lội, bao nhiêu đèo cũng qua. Nhưng mà rồi điều đó không biểu thị cho lòng hy sinh cho tha nhân. Mà điều đó rất có thể là mình quá đam mê tha thiết với một cái gì mà mình muốn và mình đã hết sức dốc toàn lực ra để thỏa mãn như vậy. Do đó chúng ta phải coi chừng.
Và câu nói của ngài Narada ở đây xin lập lại một lần nữa là "kẻ thù trực tiếp với lòng từ là sự não hại, sân hận đối với người khác nhưng kẻ thù gián tiếp chính là sự dính mắc, ích kỷ, luyến ái". Đó là điều mà chúng ta phải nhắc tại đây.
No comments:
Post a Comment