Hỏi: Vẽ lên bức tranh áo não của tuổi già có làm xã hội ruồng bỏ người già chăng?
(câu thảo luận trong lớp Diệu Pháp - chương trình giảng giải kinh Pháp Cú - Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Có thể có một số người sẽ nói rằng Đạo Phật khi trình bày tuổi già một cách ảm đạm như vậy làm cho người ta sợ hãi tuổi già. Quả thật, trong các xã hội Tây phương, là xã hội người ta có nhiều mặc cảm với tuổi già. Ở Tây phương hỏi tuổi, nhất là khi hỏi tuổi người nữ là một xúc phạm rất lớn. Các xã hội Tây phương người ta yêu sự trẻ trung. Cái gì trẻ trung được xem như có tính quyến rủ nhiều. Cái gì già nua thường bị xem như là bỏ đi, là cái gì không đáng hoan hỷ. Tuy nhiên người ta nói một xã hội văn minh là xã hội người già được phụng dưỡng và trẻ em được chăm sóc đầy đủ. Không may đã có nhiều cái nhìn trong lịch sử cận đại của nhân loại, một số xã hội đã cố gắng đào thải đi những người già, những người lớn tuổi, nghĩ rằng những người đó không còn là những thành viên hữu dụng của xã hội nữa cho nên kết thúc mạng sống của họ. Và trong thế kỷ này chúng ta đã thấy bản tuyên ngôn về quyền làm người, quyền sinh họat chính trị do Liên Hiệp Quốc công bố, trong đó mọi người đều được tôn trọng, kể cả trẻ em và người già.
Thì không có bằng chứng gì, không có luận cứ nhỏ bé nào trong Đạo Phật khi Đạo Phật đề cập đến bản chất của tuổi già mà hàm ý nghĩa là ở đó Đạo Phật chủ trương ruồng rẫy tuổi già. Chúng tôi có thể trích tại đây bốn, năm và cả chục đoạn kinh. Ở trong các chục đọan kinh đó, Đức Phật ngài đã dạy thái độ nên cư xử với người niên trưởng, lớn tuổi ra sao.
Ví vụ như trong Kinh Đại Bát Niết Bàn khi đề cập đến sự hưng thịnh của tăng chúng, khi đề cập đến sự hưng thịnh của xã hội thì phụ nữ và người lớn tuổi đều được xem là những đối tượng, nghĩa là một xã hội, một tổ chức mà có quan tâm và đối xử một cách phải lẽ đến người lớn tuổi và phụ nữ thì ở đó ở đó sẽ hưng thịnh, tăng già sẽ hưng thịnh.
Trong một bài kinh khác, Đức Phật có đề cập đến; người nào kính trọng những vị lớn tuổi, những vị trưởng thượng thì người đó sẽ được bốn phước là sống lâu, sắc đẹp, an vui và sức mạnh do quả phước cung kính bậc niên trưởng. Đó là trên phương diện nghiệp báo.
Trong bài kinh Đại Kinh Người Chăn Bò, Đức Phật ngài dùng ví dụ của những người chăn bò, những người khéo léo phải biết chăm sóc đàn bò của mình như thế nào, cách chăm sóc những con bò già Đức Phật ngài dạy rằng ở trong một hội chúng tăng già mà biết chăm sóc những vị lớn tuổi một cách thích đáng điều đó sẽ mang lại sự lợi lạc cho tăng già. Đó là một truyền thống.
Có thể nói rằng còn có rất nhiều ví dụ trong kinh mà ở đó những vị niên trưởng, những vị lớn tuổi có chỗ đứng hết sức quan trọng, được cung kính, được phụng dưỡng chứ không phải là bị ruồng rẫy.
Riêng ở tại đây. Khi quí vị đến Chùa quí vị thường gặp những bà cụ tuy rất già nhưng tâm đạo rất thuần thành và đặc biệt là lòng cung kính. Những vị đó nói liều một chút thì người ta gọi đó là những bà già trầu, nếu người ta kính trọng một chút thì người ta gọi đó là những bà cụ. Đa phần những người nhìn những bà cụ này họ nghĩ rằng những bà cụ này hoàn toàn không có hy vọng gì để đi xa hơn trong việc tu học hết. Nhưng trong thực tế thì không phải như vậy.
Khi vị lão ni bước lùi một bước để đảnh lễ Đức Phật thì bị vấp ngã. Đức Phật biết được sự đau đớn mà vị này phải trải qua khi một người lớn tuổi bị té ngả như vậy. Hãy tưởng tượng một vị lão ni 120 tuổi mà ở đó Đức Phật thấy cả một tiềm năng giác ngộ và ngay lúc đó Đức Phật dạy cho vị lão ni này nên quán niệm về thân của mình như thế nào. Đây là một điểm rất đặc biệt trong Đạo Phật.
Ngay cả trong một hoàn cảnh khổ nhứt, trên một thân xác già nua cằn cỗi, một trường hợp mình nghĩ rằng không có ánh sáng hy vọng nào của đời sống thì lúc đó Đức Phật đã khai thị tuệ giác bừng sáng.
Và khả tính giác ngộ không nằm trong tuổi tác, không nằm trong ngoại hình bề ngoài. Dù đó là một người rất trẻ, rất đẹp hay rất già cằn cỗi rồi, điều đó không quan trọng. Quan trọng chúng ta thấy rõ Đức Phật ngài thấy được khả năng giác ngộ tiềm tàng trong con người.
Nên chi, khi Đạo Phật nói lên cái khổ của sanh, của già, của đau, của chết. Điều đó không phải là thái độ miệt thị, nó không phải là thái độ xem thường hay nó mang mục đích khiến cho người ta thấy cuộc sống bi quan. Mà điều đó là phương linh dược, là một đề mục quán niệm. Điều mục quán niệm này có lợi, đặc biệt có lợi cho chúng ta trong lúc tuổi già. Chúng ta có thể làm được gì với xác thân này? Có người nhìn xác thân này như vật phế thải, không có gì sử dụng được thì dựa trên xác thân đó Đức Phật ngài dạy có ai có thể khai được chánh trí, có thể dùng xác thân làm một điểm tựa làm đề tài thiền quán thì người này có thể từ đó trỗi dậy để thành tựu tuệ giác.
Do đó trong câu hỏi: ‘vẽ một bức tranh ảo não về người già có làm cho xã hội ruồng bỏ người già không?’ . Trên thức tế Đức Phật đã có một hình ảnh về tất cả pháp hữu vi là vô thường, khổ, vô ngã, không có nghĩa là có thái độ kỳ thị với bất cứ ai hết vì nói tất cả pháp hữu vi tức là một hình ảnh bao trùm trọn vẹn tất cả mọi thứ.
No comments:
Post a Comment