Hỏi: Quán niệm sự khổ trong đời sống
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 26-6-2014, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Chúng ta biết cái khổ đến trong đời sống một phần là do nhân quả của quá khứ. Thí dụ một người sát sanh trộm cắp trong đời trước đời này sanh ra thì nhận quả của sát sanh trộm cắp do nghiệp của quá khứ. Dĩ nhiên chúng ta cũng nghe câu kinh Pháp Cú :
Ý dẫn đầu các pháp
Ý chủ trì, tạo tác
Nếu ngôn từ, hành động
Với tâm ý nhiễm ác
Khổ theo tựa bánh xe
Đi sau dấu chân bò
Thì chúng ta hiểu khổ đó từ nghiệp và nghiệp cũng đến từ tâm chủ trương tạo tác của chúng ta. Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ.
Rồi chúng ta hiểu khổ cũng đến do sự tự nhiên của pháp hành, ví dụ như có sanh thì phải có tử, đời sống có sanh thì phải có diệt bản chất của pháp hành là như vậy. Mình sống ở trong cuộc đời này có người rất thân như cha mẹ hay những người thân của mình và những người thân đó có nghiệp riêng, rồi họ sanh ra đời, sống với chúng ta một thời gian rồi họ ra đi. Thì chúng ta nên hiểu cái khổ đó là cái khổ tự nhiên của các pháp.
Chúng ta nói cái khổ thứ nhất là do nghiệp xấu của quá khứ.
Rồi chúng ta nói cái khổ tự nhiên của các pháp.
Nhưng mà rồi bài kinh ngày hôm nay cũng như nhiều đoạn kinh khác cho chúng ta thấy rằng có thứ khổ nữa là do sự nhận thức. Đối với một hành giả tu tập nhất là tu tập thiền quán thì về điều này cần được quán tưởng cần được thấy rõ.
Chúng tôi có được cơ duyên sống ở chùa Ngài Ajahn Chah 2 năm và trong 2 năm đó chúng tôi được nghe nhiều pháp thoại qua các băng giảng đã được dịch lại. Ngài Ajahn Chah là một trong những vị Thiền Sư nói rất nhiều về cái nhìn của chúng ta, về sự nhận thức của chúng ta nó làm cho chúng ta khổ.
Ví dụ, một hành giả hay một vị tỳ kheo sống cô đơn tủi thân, Ngài đề cập đến hình ảnh của một người đi xuất gia rồi trong lúc sự thiếu thốn nhìn lại mình buồn và tủi thân là sao mình đi tu mà không ai giúp, không ai hộ độ, không có được Phật tử lưu tâm. Thì thật ra khi chúng ta mới nhìn thấy tâm trạng buồn như vậy thì dễ hiểu thôi, hợp tình hợp lý thôi, mình đi xuất gia nhưng không được sự giúp đỡ của đàn tín thì mình buồn, buồn thấy rằng tại sao các vị khác tu không bằng mình hay thế này thế kia lại được nhiều hơn mình do sự quen biết, nên mình lại tủi thân.
Ngài Ajahn Chah khuyên:
- Thứ nhất mình nên hiểu rằng đó là những lúc rất tốt để chúng ta tu tập thiền quán.
- Thứ hai, thật ra cái khổ cái vui ở trong lúc đó phần lớn tùy thuộc vào nhận thức của chúng ta.
Nhận thức là như vầy, cái nhìn của chúng ta trong cuộc sống từ hoàn cảnh ở bên ngoài dẫn đến chỗ tủi thân thì nó trải qua một cuộc xào nấu trong tâm tư của mình, sự xào nấu đó là mình so sánh, mình so đo. Ví dụ, như tại sao người ta cũng vậy mình cũng vậy mà người ta được mình không được. Hay hoặc giả cách nhìn của chúng ta là mình đi tu mà người ta không có nghĩ đến mình thì tự nhiên mình buồn.
Ngài khuyên; mình hãy nhìn lại xem phản ứng của mình ra sao, và lúc đó thì mình sẽ thấy rằng hầu hết những cái vui và những cái khổ đều đến từ nhận thức hết. Từ cái nhìn cái thái độ sống của chúng ta và chính thái độ sống tích cực làm cho chúng ta vượt qua những điều đó. Một vị hành giả mà thường xuyên tu tập thì thấy rằng phần lớn những cảm xúc vui buồn bi lụy trong cuộc sống đều do cái nhìn của mình. Nếu mình chưa nhìn ra thì mình chưa tu được. Mình chưa có nhìn thấy do thái độ của mình, do sự nhận thức của mình thì lúc bấy giờ mình hay đổ lỗi tại vì Sư Cả ở chùa hay tại vì Thiền Sư hay tại hội chúng hay tại hoàn cảnh này hoàn cảnh khác.
Nói một cách khác, khi nào mình khổ quá thì mình ngồi xuống tự nhắc chính mình là do tâm mình không khéo tu nên mình khổ, nếu tâm mình khéo tu thì ở trong những hoàn cảnh như vậy ít nhất mình cũng có thể quán tưởng được, ít nhất mình dùng cơ hội đó để khai triển tuệ quán được.
Và có lẽ, đạo Phật là một tôn giáo rất đặc biệt nhìn sự đau khổ của nghịch cảnh để thắp sáng tuệ giác của mình. Giống như chúng ta dùng hai viên đá chạm vào nhau để xẹt ra lửa. Thì chính những cái khổ của đời sống những bất toại nguyện làm cho chúng ta có những ý thức rất chân xác về cuộc sống.
Thật ra, nếu chúng ta nhìn cho kỹ thì những cái đẹp những cái vừa ý nó ru ngủ chúng ta nhiều hơn là cái đau khổ. Và nếu chúng ta thấy được sự đau khổ nó giúp cho chúng ta nhiều ở trong việc tỉnh táo hơn để nhìn lại nỗi đau khổ của mình để bớt dễ ngươi, bớt ỷ lại, bớt ru ngủ, bớt thụ hưởng hơn thì lúc bấy giờ chúng ta có thể thấy được tự tại hơn thong dong hơn là mình ngồi đó mình oán trách. Không có một người tu nào luôn luôn đổ thừa cho người khác mà tu được. Mình đổ thừa đây là tại vị này làm cho mình khổ, tại người kia làm cho mình khổ. Cái tại này tại kia làm cho cuộc sống phiền, làm cho cuộc sống không giải quyết được gì.
Chúng tôi có gặp những người họ mở miệng ra là than khổ và trách móc, lớn tuổi thì trách móc con cháu rồi có nhiều khi trong cuộc sống tình cảm thì trách người bạn đời của mình, hay ở trong chùa trách người này người kia. Sự trách móc đó không giải quyết được gì hết. Chúng tôi ít bao giờ thấy trong cuộc sống mà trách móc để có thể giải quyết vấn đề. Chúng tôi đồng ý có những người rất bình thường nếu họ đừng có làm phiền người khác, nếu họ đừng có gây khổ cho người khác thì thật sự là người mình có thể đến gần với họ. Tại vì sao? Chúng ta cứ tưởng tượng ở trong cuộc sống mà có một người lúc nào cũng đòi hỏi, lúc nào cũng trách móc, lúc nào cũng phiền hà thì ai cũng tránh ai cũng sợ. Mình muốn nói chuyện với một người mà người đó họ cho mình thư giãn thoải mái thì mình mới thích nói chuyện còn mình nói chuyện mà lúc nào mình cũng đem tất cả phiền lụy trút lên đầu người ngồi nghe những đau khổ của mình. Thì thật sự nó chỉ dẫn mình từ sự cô đơn đến sự cô đơn thôi.
Và vì vậy, trong cái nhìn của một người tu tập trước nhất mình ý thức một cách rất rõ ràng những cái khổ nó đến từ thái độ sống của chúng ta. Thái độ tiêu cực hay thái độ tích cực và thái độ đó không nhất thiết vì hoàn cảnh mà thái độ đó là do sự trưởng thành của chúng ta. Đồng ý, không phải chúng ta lúc nào cũng may mắn. Đồng ý, không phải lúc nào chúng ta cũng mãn nguyện. Và đồng ý, là những người chung quanh họ có những khuyết điểm. Nhưng không phải vì sự bất toàn của đời sống. Bởi vì đời sống không hoàn hảo mà chúng ta nổi đóa lên, hay là chúng ta bực bội, hay là chúng ta thống trách. Ngày nào nếu mình cũng thống trách thì điều gì mình cũng thống trách được hết, trời mưa cũng than được, đi ra đường kẹt xe mình cũng bực bội được, mình làm việc với người đồng sự mà không như ý mình cũng bực bội được. Nếu tính mình hay bực bội hay cáu bẩn và hay gắt gỏng hay phiền hà thì ở trong thế giới này không phải có một trăm, một ngàn, một triệu lần mà là tất cả mọi thứ đều làm cho mình phiền. Cái thế giới nhận thức của chúng ta rất quan trọng.
Thành ra, một người hiểu đạo khác với người không hiểu đạo đó là mình hiểu rõ, hiểu rất rõ thái độ sống của chúng ta. Sự nhận thức của chúng ta có ảnh hưởng lớn. Trong kinh Đức Phật Ngài dùng một chữ chúng ta phải học rất nhiều:
- Yoniso-manasikāra là Khéo Tác Ý hay là Chánh Tư Niệm hay là Như Lý Tác Y.
- Ayoniso-manasikāra là Không Khéo Tác Ý hoặc là Không Khéo Nhìn, hay nhìn một cách vụng về.
Hai điều này đối với hành giả tu tập rất quan trọng.
Thật ra Yoniso-manasikāra là một thứ trí tuệ, có 3 thứ trí tuệ rất diệu dụng trong đời sống chúng ta:
-1. Một là sự tỉnh thức sáng suốt của Chánh Niệm.
-2. Thứ hai chúng ta gọi là Chánh Niệm và Tỉnh Giác là sự bén nhạy với cái gì đó đang xảy ra trên thân và tâm của mình.
-3. Và thứ ba là cái khéo nhìn, khéo nhận thức, khéo lãnh hội. Thì cái khéo nhìn, khéo nhận thức, khéo lãnh hội làm cho đời sống của chúng ta khác đi.
Chúng tôi, cuộc đời sống trong chùa đi nhiều được dịp tiếp xúc với qúi Phật tử chúng tôi có thể nói một điều mà không sợ lầm lẫn rằng những người hạnh phúc chúng tôi được biết không nhất thiết là họ giàu, những người sống an lạc không nhất thiết là họ thành công ở trên phương diện này phương diện khác, mà những người sống an lạc hạnh phúc là do cái nhìn của họ có tích cực, do đời sống của họ có cái nhìn rất thông rất thoáng. Nói theo Phật Pháp chúng ta nói là người hiểu đạo.
Tại sao chúng ta nên học Phật Pháp? Tại sao chúng ta nên lắng nghe lời Đức Phật dạy? Chính ra, ngày hôm qua chúng tôi có nói chuyện với một Phật tử thì vị Phật tử này nói rằng Phật Giáo nên khuyến khích người Phật tử bắt chước đạo Kỳ Na Giáo là đi vào thương trường đi buôn bán làm giàu, mình làm giàu thì mang lại lợi lạc cho mình mang lại lợi lạc cho đạo. Thật ra, Đức Phật Ngài không có chống việc người Phật tử phát triển tài sản. Đức Phật Ngài cũng không có chống chuyện người Phật tử nên tìm sự thành công trong cuộc sống. Nhưng Ngài đặc biệt lưu ý chúng ta cho dù sự thành bại bên ngoài ra sao đi nữa thì sự nhận thức chân xác là quan trọng.
TT Tuệ Siêu vừa nói: " Chân thật biết chân thật, phi chân biết phi chân" tức là khổ đau hạnh phúc nó đến từ thế giới nhận thức của chúng ta nhiều. Cái nhìn của chúng ta có được đúng với sự thật hay không, có tích cực hay không, thì nó ảnh hưởng chúng ta, ảnh hưởng rất lớn trong đời sống. Vì vậy nếu một ngày nào đó khi chúng ta nhìn lại hỏi rằng mình có thật sự hiểu Phật Pháp hay không thì ngoài sự nhận thức về nhân quả về giáo lý duyên khởi người Phật tử cần có thái độ thứ nhất là hạnh phúc và khổ đau tùy thuộc rất nhiều vào thái độ vào cái nhìn của chúng ta đối với cuộc sống. Và thái độ nhìn đó là chúng ta hiểu rằng đó là nhận thức, đó là phản ứng của chúng ta với thế giới này. Và trong nhận thức đó nó có chất của trí tuệ và chất của không trí tuệ. Có trí tuệ thì chúng ta nhìn thấy xuyên thấu, ví dụ như mình gặp trời mưa xuống làm trở ngại công việc của mình làm cho mình bực mình thay vì bực mình thì mình nghĩ rằng nắng mưa là bịnh của trời chuyện đó tự nhiên thôi, không phải mưa chỉ một mình mình mà mưa tất cả mọi người đều bị mưa, nhiều người chung quanh bị mưa thì bữa này làm không được như ý thì thôi chờ bữa khác. Mình ngồi đó bực bội cũng vậy thôi. Thí dụ như vậy.
Điểm quan trọng của Phật Pháp là cho chúng ta đặt lại vấn đề. Thay vì ngồi đó mà giận mà phiền mà đổ lỗi thế này thế kia thì chúng ta nhìn sự việc làm sao để cho phiền não không sanh khởi, phiền não bớt sanh khởi thì chúng ta bớt khổ. Còn nếu mình càng nhìn mà phiền não càng nhiều thì đó là tự mình chuốt lấy, như cụ Nguyễn Du viết tâm trạng là "khéo dư nước mắt khóc người thời xưa".
Đời sống của chúng ta như Ngài Ajahn Liem cũng nói là, có những người đi trên đường thấy có cái gì cũng bốc lên bỏ vào bị riết nó nặng, đeo nặng đầy vai. Đời sống của chúng ta từ sáng tới chiều nhiều khi chúng ta nhặt lên những thứ rất phiền, nhặt lên những thứ rất nặng nề để khổ thôi. Mình thấy được chuyện đó nó đến thì cho nó đến, cái gì nó đi thì cho nó đi.
Và mình quan niệm rằng cuộc sống ra sao thì ra nhưng tinh thần của chúng ta phải sáng. Tinh thần của chúng ta phải nhẹ nhàng. Cái nhìn của chúng ta phải thấu đạt. Chúng ta nhìn cuộc sống từ một góc cạnh đó là mình nhận rằng hễ mình khổ là do mình không khéo tu. Mình khổ là do mình không biết chuyện gì xảy ra mình đổ thừa chuyện đó tại hoàn cảnh, tại công ăn việc làm, tại kinh tế, tại chiến tranh, tại vợ, tại con, tại bạn bè.
Mình nên quán rằng mình khổ tại mình không khéo tu.
Nếu mình khéo tu thì dù một người khổ cùng cực như nàng Patàcàrà đi nữa cũng tìm thấy ánh sáng của trí tuệ. Hễ khi nào mình khổ thì cũng có thể tìm thấy được ánh sáng của trí tuệ. Hễ khi nào mình khổ mình nhắc là mình đang khổ thay vì ngồi đó trách móc người khác. Chúng ta có trách móc cũng vậy thôi, chúng ta trách móc cuộc đời cả trăm năm thì cũng không đi đến đâu hết.
Nhưng mình thấy được việc do mình chưa chịu khó tu tập thì việc đó thay đổi rất nhiều, nó không đơn giản như là chúng ta nghĩ, chúng ta nên đặt lại vấn đề ./.
No comments:
Post a Comment