Wednesday, June 11, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Phải chăng người tu tập chánh niệm cần có đức tin vững mạnh?

Hỏi:  Phải chăng người tu tập chánh niệm cần có đức tin vững mạnh? 

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 22-5-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Pháp Tân: Trong đời sống tu hành, trước tiên niềm tin là một thiện pháp. Niềm tin luôn có mặt trong tất cả thiện pháp, đặc biệt niềm tin chánh tín là một trong đức tin tốt và giúp cho mình khởi lên những tâm thiện khác. 

Nhờ có đức tin mình học được Phật Pháp. Thí dụ một người tin lời dạy của Phật cho nên họ cố gắng đến chùa để học Phật Pháp, dù là sớm hay muộn, dù mưa gió họ cũng vẫn cố gắng đi học, bởi họ nghĩ rằng học Phật pháp sẽ được sự hữu ích cho họ. Cũng có khi nhờ có tri kiến rồi gieo duyên lành trong Phật Pháp cho nên người ta học. Hoặc một người giữ giới cũng nhờ niềm tin, bởi vì người đó tin rằng khả năng mình hành trì giới hạnh để ngăn chặn những nghiệp xấu do thân khẩu ý mang lại, cho nên họ cố để giữ gìn giới mà bắt nguồn từ có niềm tin chân chánh.

 Rồi cũng do niềm tin giúp cho người ta hành thiền. Nếu nghĩ rằng ngồi thiền không cho kết quả gì thì rõ ràng không ai muốn ngồi, không ai muốn hành thiền, bởi vì hành thiền mà không cho kết quả gì thì không ai hoan hỉ và cũng không ai tha thiết về chuyện hành thiền. Nhưng nếu một người tin rằng do việc hành thiền quán sẽ có khả năng gột sạch phiền não giảm bớt những triền cái, chẳng hạn như vậy, thì người đó mới cố gắng hành thiền được.

Ở đây, chúng ta biết niềm tin đức tin là một thiện pháp, là khởi đầu cho tất cả các thiện pháp khác. Ban đầu sơ khởi, mình có niềm tin cái này tin cái kia nhưng niềm tin ở đây là niềm tin chân chánh, vì có niềm tin chân chánh còn gọi là đức tin, người tu hành có đức tin thì tu hành tương đối bền nhưng yếu tố trí tuệ thì có khả năng giúp cho người đó tiến bộ mau hơn. Ban đầu họ có niềm tin nhưng sau này khi một người chuyên sâu vào rồi họ muốn có chánh niệm trong đời sống hành thiền. Cho nên khi mình có chánh niệm thì ngay lúc mình chánh niệm thì không cần phải có niềm tin. Nhưng trước khi mình có chánh niệm trước khi mình đặt tâm mình vào trong một đề mục nào thì mình có niềm tin. Nhưng đến khi mình đặt chánh niệm mình vào trong một đề mục nào đó như đề mục về hơi thở, hoặc đề mục về các oai nghi, hoặc đề mục về niệm các cảm thọ thì lúc đó lấy chánh niệm làm chuẩn lấy niệm để ghi nhận trong thời gian đó họ hành thiền.

Chánh niệm là một thiện pháp mà người hành giả cần phải tập và làm đi làm lại mới có thể vững mạnh được bởi vì mình ban đầu niệm còn yếu ớt nó dễ dàng bị chao động dễ dàng bị thất niệm. Nhưng lâu ngày do tập đi tập lại nhiều lần, tùy vào mỗi người hoặc mình đặt niệm trên một cái gì đó mình đặt tâm mình vào trong ghi nhận thì lâu ngày mình sẽ có một sự vững mạnh.

Ở đây, một hành giả hành thiền, thí dụ mình hành thiền hay hành pháp của Đức Phật mà mình thấy có kết quả mang đến đời sống mình an lạc ở trong nội tâm, tâm mình không bị xáo động, tâm mình được an vui rồi mình gặp những cảnh này cảnh kia do mình có tu tập mình có niềm an vui từ đó thì niềm tin của mình vững mạnh hơn thêm. Cho nên niềm tin được gia cố giống như là trong kinh gọi là đối với các vị Thánh chứng quả chứng đạo quả các vị đó đến để mà thấy không phải chỉ tin không mà các vị đó phải thấy. Thấy ở đây cho thực nghiệm một cách vững chắc. Chánh niệm một cách vững chắc thì trí tuệ sẽ dễ dàng phát sanh. Trí tuệ phát sanh thì phá tan bóng tối của vô minh và phiền não. Vì vậy cho nên niềm tin càng vững chắc thêm nhưng để chuẩn bị cho mình đời sống hành thiện trong tất cả thiện pháp thì chúng tôi nghĩ rằng yếu tố niềm tin rất quan trọng trong tất cả các thiện pháp./.

No comments:

Post a Comment