Saturday, September 7, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Như thế nào là trí tuệ rộng lớn?

 Hỏi: Như thế nào là trí tuệ rộng lớn?

(bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Đức Phật Ngài đề cập đến một thứ trí tuệ gọi là trí tuệ rộng lớn, trí tuệ này biết lắng nghe, biết lãnh hội và biết thẩm thấu tức là biết tiêu hóa.

 Đức Phật Ngài dùng nhiều thí dụ, ở trong một thí dụ Ngài nói rằng cái lưỡi mà tinh tế dù chỉ nếm một chút vị canh cũng cảm nhận được mùi vị của canh. Một người có mắt tinh tế khi có ánh sáng họ nhìn thấy họ sẽ nhận ra được vật nào xấu, vật nào đẹp, vật nào gần, vật nào xa. Người có tinh tế thì họ rất dễ nhận ra pháp nào là pháp nào. 

Có một sự việc, đôi lúc thật ra chúng ta không thể truyền cho nhau được, chúng tôi lấy một ví dụ,  việc học Phật Pháp cũng có một điều là vị nào quen đọc kinh điển hay thường đọc sách cầm lên một quyển sách chỉ đọc thoáng vài ba trang hay chỉ nhìn lượt qua thôi thì đa phần là có thể đánh giá được quyển sách đó có giá trị hay không có giá trị, nhất là khi chúng ta đứng trước một tủ sách lớn, nhưng một người không quen thuộc với việc đó thì đứng cả ngày lựa hết cuốn sách này đến cuốn sách kia rốt cuộc lựa cuốn sách nào bìa đẹp nhất in đẹp nhất mang về, nhưng đẹp nhất về hình thức không nhất thiết là có giá trị về nội dung. Khi chúng tôi ở Sàigòn với HT Tịnh Sự thì chúng tôi có đem tâm sự này nói với một người ở trong chùa đó là cô Tư Yên, bây giờ cô đã mất rồi, cô là người nấu ăn cho HT ở trong chùa. Có lần chúng tôi nói với cô Tư là nếu mình quen thuộc với sách vở thì không cần đọc hết cả ngàn trang mình mới biết giá trị của cuốn sách, mình cầm cuốn sách lên đọc cách họ chú thích, cách họ viết thì mình có thể nhận được giá trị của cuốn sách. Cô Tư Yên cười và nói cho chúng tôi nghe một thí dụ mà chúng tôi vẫn nhớ đến bây giờ, cô nói rằng: "Chuyện đó giống như đi chợ Sư ơi. Một người biết đi chợ hay quen đi chợ, ra chợ ngó thoáng qua là biết cái nào mình nên mua, cái nào nó tươi cái nào nó tốt thì mình mua, còn người không quen đi chợ đi ra mua trái cây thì trái cây không ngon, đồ ăn thì lại không tươi mà mua mang về, tại vì không biết đi chợ".

Cái biết và cái không biết, cái tinh tế và cái không tinh tế, cái chính xác và không chính xác này là cái khéo mà đôi khi chúng ta rất khó để giải thích. Ở trên cuộc đời này, người ta gọi là chợ đời có trăm muôn ngàn thứ cho mình lựa chọn, nào là bạn bè, nào là sách vở, nào là những gì nên nghe và không nên nghe. Có Phật tử nói với chúng tôi rằng không hiểu tại sao mà những chuyện thị phi ông này bà kia nghe xong thì nhớ liền, thí dụ như nghe người ta nói xấu bà này thế này bà kia thế kia thì dễ nhớ, nhưng sao nghe Phật Pháp thì cứ lùng bùng bên tai vậy, không nhớ được. Thì thưa qúi vị, chúng tôi cũng phải nhìn nhận rằng quen trong cảnh giới nào thì mau mắn để ghi nhận, mau mắn để lãnh hội, mau mắn để ghi nhớ về điều đó, nó quen thuộc thôi.

 Chúng tôi muốn qúi Phật tử có cơ hội làm quen với văn phong của kinh điển, khi chúng ta làm quen với kinh điển, có nhiều Phật tử nói với chúng tôi rằng hồi xưa đọc kinh rất ngán, bây giờ đọc kinh bắt đầu thích là bởi vì quen thuộc với sự hành văn với văn phong, với cách trình bày kinh điển, đó là một điều lợi cho chúng ta. Khi chúng ta quen với điều gì thì chúng ta dễ phân biệt, dễ đón nhận, dễ lãnh hội, dễ nhận thức, và thế giới đó là một thế giới mở rộng ra, chúng ta đi vào thế giới đó chúng ta được một điều mới và đi vào thế giới đó là chúng ta tìm thấy được cả một vùng trời cao rộng.

No comments:

Post a Comment