Hỏi: Đức Phật Ngài thuyết pháp có phải là do nhân cúng dường?
(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, ngày 19-4-2013, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng giảng: Trước nhất Đức Phật Ngài đưa ra một câu hỏi và từ câu hỏi này Ngài muốn hỏi các tỳ kheo nghĩ như thế nào:
- Có phải là Đức Phật Ngài thuyết pháp là do nhân cúng dường vật thực, hay là do cúng dường y áo, hay là do cúng dường sàn toạ, hay là do sự thành bại hơn thua phải không?
Thì các vị Tỳ Kheo trả lời là 'không'.
Câu hỏi đó rất là đơn giản nhưng mà câu hỏi mở đầu đó Đức Phật Ngài đã ân cần nhắc cho Chư Tỳ Kheo biết rằng giá trị của chánh pháp nằm ở một chỗ cao qúi hơn là cái quan niệm nhân ngã bỉ thử hơn thua bình thường của chúng ta.
Thật ra thì khi chúng ta đọc đoạn đó nếu chúng ta suy nghĩ cho kỹ thì sẽ thấy rằng trong đời sống những điều như là kinh điển, giáo lý, tư kiến, thường dùng để làm lợi khí dẫn đến hơn thua. Chúng tôi không biết là qúi Phật tử đã có nhiều dịp lắng nghe những chuyện tranh tụng lời qua tiếng lại, thật ra nếu chúng ta nhìn thật kỹ thì đa phần ở trong đó chỉ là vấn đề cá nhân, chỉ là vấn đề hơn thua, chỉ là vấn đề nhân ngã bỉ thử ,mà nó không có một cái giá trị cao đẹp nào hết.
Một người Phật tử chân chính, một người hiểu Phật Pháp thì luôn luôn phải nhớ trong lòng phải tâm niệm rất là kỹ là Đức Phật Ngài thuyết pháp không phải là vì lợi lộc như là y áo sàn toạ thực phẩm và cũng không phải là vì sự thành bại, mà Ngài thuyết pháp chỉ thuần một điểm là vì lòng bi mẫn đối với cuộc đời. Lòng bi mẫn đó là gì? Là Đức Phật Ngài thấy chúng sanh khổ, Ngài thấy chúng sanh sống trong vô minh, Ngài muốn cho chúng ta chuyển mê khai ngộ, đó là lòng bi mẫn của Đức Phật.
Như vậy đó, một người vào đạo rồi sống trong đạo là người trước nhất phải có một cái nhìn rất chân xác về giá trị mục đích của giáo pháp. Nếu chúng ta đánh mất đi cái mục đích và giá trị đó thì chúng ta rất là dễ dẫn đến chỗ sai lạc. Ngày hôm nay chúng ta thấy đầy dãy những cuộc tranh luận mà đem Phật Pháp ra tranh luận, mới nghe thì lại tưởng như là tranh luận để được hưởng lợi lạc, tranh luận để biết hư thực nhưng trên thực tế thì sự tranh luận đó đánh mất đi mục đích của giáo pháp.
Chúng ta phải thường tâm niệm rằng giáo pháp Đức Phật giảng cho chúng ta là một giáo pháp rất cao qúi, giáo pháp đó được giảng không phải là vì Đức Phật Ngài muốn cái gì đó cho Ngài kể cả danh kể cả lợi kể cả hơn thua thành bại và giáo pháp đó Đức Phật Ngài giảng cho chúng ta thuần với mục đích là vì lòng đại bi của Ngài, Ngài thấy chúng sanh khổ chúng sanh vô minh Ngài giảng. Nếu chúng ta quên đi điều này thì chúng ta quên đi một điểm rất lớn của giáo pháp. Giáo pháp là để chuyển mê khai ngộ ly khổ đắc lạc chứ giáo pháp không phải là dùng để làm lợi khí để làm vũ khí miệng lưỡi để tranh chấp tranh tụng lẫn nhau.
No comments:
Post a Comment