Hỏi: Phải chăng vạn pháp là vô ngã?
(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)
TTGiác Đẳng: Chữ vô ngã ở tại đây là một chữ mà chúng ta dễ dị ứng. Tại sao chúng ta dị ứng? Tại vì hầu hết tất cả những cái gì mà chúng ta cảm thấy là có ý nghĩa trong cuộc đời này nó đều liên quan đến ngã và ngã sở hết, "đây là tôi", "đây là của tôi." Một căn nhà có đẹp đến đâu, một cuộc sống có vui đến đâu, nhưng, căn nhà đó và cuộc sống đó không phải là của mình thì không có ý nghĩa gì hết. Giống như qúi vị coi phim đọc chuyện, thấy có ai đó sống trong cảnh thần tiên như Lưu Nguyễn lạc thiên thai, hay chúng ta nói đời sống của một vị công chúa đẹp như câu chuyện thần thoại cổ tích, hoặc của ai đó, của các tài tử, nhà tỉ phú thì chúng ta không mảy may màng đến tại vì cái đó không phải của mình. Cái gì gọi là của mình thì mình mới cảm thấy có ý nghĩa. Cái gì gọi là của mình là mình thì mình mới cảm thấy rằng thật sự mình tha thiết.
Bây giờ vấn đề của chúng ta nằm ở chỗ nào? Cái gọi là của mình thì đối với Đức Phật rất là đơn giản để định nghĩa. Cái gì mình có thể muốn nó như thế này muốn nó như thế kia thì cái đó mới thật sự là của mình, nếu mình muốn nó như vậy mà nó làm như vậy thì mới thật sự là của mình. Ví dụ như bây giờ qúi vị có một người thân mà qúi vị muốn người thân đó chìu qúi vị, người thân đó lo cho qúi vị, chú ý đến qúi vị, người đó đáp ứng thì mới gọi là người thân. Còn nếu người đó họ không quan tâm gì đến qúi vị gì hết, qúi vị nói đông họ nói tây, qúi vị muốn cái này họ làm cái khác, thì như vậy không gọi là người thân được. Thành ra khi cái gì gọi là của mình thì nó phải đi với cái định lý là nó phải như thế này phải như thế kia, đừng như thế nọ thì nó mới là của mình
Nhưng, theo trong kinh Phật thì một sự thật là có rất nhiều thứ chúng ta không để ý như ngay đến bản thân của mình, thân của chúng ta, tâm của chúng ta, chúng ta muốn vậy mà nó không phải như vậy. Chúng ta khoan nói đến chuyện đất nước, khoan nói chuyện đến thế giới, khoan nói chuyện đến thời cuộc. Chúng ta nói về thân của chúng ta, tóc bạc trên đầu chúng ta biểu nó đừng bạc, không được, chúng ta già đi theo năm tháng, chúng ta không thể bảo nó đừng già, chúng ta nay bịnh mai đau biểu nó khỏe hoài cũng không được. Như vậy, nếu qúi vị nghiệm cho kỹ thì cái thân vốn có tự tánh của nó và nó không làm theo ý mình, rồi mình cãi "à! thân vì nó là vật chất mình không làm chủ nhưng mình có thể làm chủ cái tâm." Nhưng một cách đơn giản thôi, Đức Phật Ngài dạy rằng: "một vị tỳ kheo một buổi sáng mà muốn an trú vào thứ tâm nào thì an trú vào được thứ tâm đó và làm sáng chói khu rừng". Nhưng nếu người trong chúng ta mà chúng ta có thể điều khiển tâm ý như mình muốn, ví dụ như lúc mình muốn tâm mình yên, thanh thản đi ngủ thì nó lại chăn trở, nó lại thức muốn làm cái này làm cái kia, và những lúc chúng ta muốn làm nó hưng phấn muốn nó phấn khởi muốn nó phấn chấn thì nó lại thụ động nó lại buồn ngủ. Cái vui cái buồn của chúng ta cũng vậy. Một vị thi sĩ cũng phải than là "hôm nay trời lại lên cao tôi buồn chẳng biết vì sao tôi buồn" Cái buồn của mình mình cũng không biết nữa, mà cái vui của mình mình cũng không làm chủ nó. Cái vui mình muốn giữ nó hoài cũng không được, mà cái buồn mình muốn xua đuổi nó đi nó cũng không đi.
Do vậy, thế giới của chúng ta quả ra nếu chúng ta sống mà nhớ điều nên nhớ đáng nhớ thì thật ra chúng ta hạnh phúc lắm, tại vì trong cuộc đời chúng ta có nhiều kỷ niệm đẹp. Nhưng điều oái ăm là những người đã rất tốt với chúng ta, những kỷ niệm rất đẹp của chúng ta, những cảnh đẹp mà chúng ta đã đi qua thì chúng ta lại không nhớ nhiều, mà chúng ta nhớ đến ân oán, chúng ta nhớ đến cái xấu cái quấy, chúng ta nhớ đến những điều trái ý nghịch lòng, và có nhiều cái nhớ của quá khứ làm cho chúng ta bực bội làm cho chúng ta gây gỗ làm cho chúng ta khó chịu, và chúng ta không thể nào làm chủ được cái nhớ của chúng ta hoàn toàn.
Bây giờ, chúng ta nói đến cái thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác, vị giác, rồi ý thức. Chúng ta nói nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý, hay là thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, suy nghĩ. Thì qúi vị thấy rằng cũng không phải lúc nào mình cũng có thể chủ động được những cái mình thấy được, những điều gì mà mình nên thấy, muốn thấy. "Có những điều nghe thấy mà đau đớn lòng" như cụ Nguyễn Du nói thì chúng ta vẫn thấy chúng ta không thể xua đuổi đi được. Thế giới ở bên ngoài hầu như là nó đi vào trong đời sống của chúng ta, nó như là một cái chợ, một cái chợ là mình không biết ai là người sẽ vào, người ta sẽ bán cái gì và phiên chợ buổi đó ra sao, chúng ta chỉ biết là chúng ta đang có cái chợ thôi. Đời sống tâm tư của chúng ta cũng vậy, bao nhiêu là những cảnh buồn vui thương ghét trái ý nghịch lòng nó len lỏi đi vào đời sống của chúng ta, chúng ta không thể xua đuổi nó đi được, chúng ta không thể quẳnh mặt làm ngơ với nó được, chúng ta phải chấp nhận nó là một thực tại.
Và do vậy, nếu chúng ta nghiệm cho kỹ và nếu chúng ta nói một cách thành thật thì dù là sắc, dù là thọ, dù là tưởng, dù là hành, dù là thức, đi nữa thì tất cả những thứ đó nó không thể làm theo một điều mà theo Đức Phật dạy rằng: nếu những thứ đó thật sự là của ta thì ta có thể nói rằng: nó như thế này và đừng như thế kia." Nhưng không phải là bởi vì nó là "Vô Ngã" nên mình không thể nói nó theo ý của mình được. Và hơn thế nữa thì có một thứ mà hầu như trong người của chúng ta ai cũng mơ ước hết: đó là mọi thứ đều xuôi theo ý của mình. Do vậy chúng ta mới có từ "trái ý nghịch lòng." Cái gì theo ý mình, ví dụ như ngày hôm đó chúng ta làm việc gì đó mà mọi người đều nhanh nhẩu mọi người đều thiện cảm đều làm theo đúng thời khóa biểu mọi thứ như mình muốn thì mình rất là hoan hỉ. Ví dụ như hôm nay chúng ta vào trong rơom rồi có mặt đông đủ các vị giảng sư, rồi các Phật tử trong ban điều hành làm việc nhanh nhẩu chương trình tốt đẹp, paltalk không có vấn đề thì nó quá lý tưởng cho một buổi sinh hoạt. Nhưng nhiều khi nó không theo ý mình được tại vì chúng ta không quyết định được tất cả.
Một cái hoa nhiều khi đặt đúng chỗ thì nó đẹp, còn đặt không đúng chỗ thì không đẹp. Chúng tôi nhớ kỳ rồi sang bên Bangkok, và buổi chiều cuối cùng HT Huyền Việt muốn đi trên sông Chao Phraya, chúng tôi đã thuê thuyền để đi từ Watt That Kon đi đến Watt Paknam, rồi không hiểu vì sao người ta lại đưa vào một đoạn kinh đập sâu ở trong làng người ta ở. Thì thật sự lúc đó chúng tôi đã tìm thấy được hình ảnh cuộc sống của sông ngòi tức là cuộc sống rất gần gủi với đời sống nông thôn ngày xưa ở miền Nam VN, có nghĩa là ở giữa là những con kinh rạch hai bên là nhà là vườn, và trên đường đi thấy nhiều hoa như là hoa quỳnh anh, hoa hoàng yến, hoa bằng lăng, màu vàng màu tím đủ thứ hoa nở rộ. Chúng tôi tìm thấy cái gì rất thân quen rất đẹp. Chúng tôi đã nói với HT Huyền Việt là cuộc sống của chúng ta mà thỉnh thoảng được đi trở về miền quê tìm thấy hình ảnh của thiên nhiên rất là gần gủi với thời thơ ấu thì thật là một điều tuyệt vời. Thì HT Huyền Việt cũng nói: "mình muốn như vậy nhưng lớn lên cuộc đời trôi dạt thì có trăm muôn ngàn thứ mà nó không theo ý của mình được."
Thì lúc đó chúng tôi chợt nhớ một điều rằng những giây phút như vậy thật sự rất là hạn hữu. Là vì ý muốn của mình không quyết định tất cả, không có gì quyết định tất cả trong cuộc đời này mà nó phải là sự kết hợp của nhiều thứ. Chúng tôi lấy ví dụ là những đóa hoa hoàng yến nở đẹp thì ít nhất là chúng ta thấy nó đẹp là nó cũng phải có một cái cảnh nào đó ở trong cái không khí nào đó và ở trong thời điểm nào đó thì chúng ta mới thấy nó đẹp. Còn bình thường chúng ta thấy nó thường lắm mặc dầu có những thành phố như Chiang Mai chúng ta về thấy những đóa hoa hoàng yến nở rực rỡ màu vàng thả xuống dọc hai bên đường nhưng mà chúng tôi tin rằng những người ở đó nhiều khi họ không cảm nhận như vậy. Thành ra cái mà chúng ta nghĩ là đẹp nó đòi hỏi như vầy: giống như người ta nói một bữa ăn mà thức ăn ngon, rồi phải có người ăn ngon, rồi cách ăn nữa, và phải có lúc chúng ta cảm thấy ăn ngon thì nó mới ngon được. Do nhiều yếu tố kết hợp, do đó không có một yếu tố nào riêng lẻ độc quyền, và do không có một yếu tố riêng lẻ độc quyền do vậy mọi vật là "Vô Ngã."
Chúng ta nhớ câu nói của Ngài A Xà Chí (Assaji) là "Vạn pháp do duyên mà sanh và cũng do duyên mà diệt." và Ngài Xá Lợi Phất nghe nói như vậy thì tỏ ngộ. Cái do duyên mà sanh do duyên mà diệt là thí dụ như chúng ta nhìn thấy một cảnh tượng đẹp là do một buổi sáng mặt trời lên không khí còn trong lành còn mát mẻ và chúng ta đang có thời gian rảnh rỗi mới cảm thấy được như vậy. Nhưng nếu trong trường hợp mà buổi sáng ra đi, rồi buổi trưa về trời nóng nực, hoặc giả là chúng ta đang bận rộn không có thời gian thanh thản nữa thì ngày đó giờ đó không đẹp nữa. Nó có nhiều yếu tố để quyết định và khi nhiều yếu tố đó nó đi qua rồi nó khác đi rồi, thì mọi sự việc nó phải khác đi. Các pháp do duyên mà sanh và cũng do duyên mà diệt. Những tập hợp của nhiều nhân duyên nó cho chúng ta rất nhiều nhưng mà rồi nó cũng lấy đi rất nhiều, chúng ta không thể không biết về điều này. Thành ra Đức Phật Ngài dạy rằng đó là yếu tính của vô ngã là do nhiều nhân nhiều duyên chứ không phải do một nhân một duyên, và cái ý muốn của chúng ta nó chỉ là một ở trong nhiều yếu tố mà thôi, và đừng nghĩ nó là tất cả.
No comments:
Post a Comment