Hỏi: Kính thưa Thầy có phải quả bất thiện trổ dễ dàng hơn quả thiện phải không. Thí dụ người nông dân đã dấu túi tiền và bị lính bắt ngay sau đó, còn nếu người nông dân giúp đỡ người nghèo khó thì người nông dân đó có được phước ngay hay phải đợi đến kiếp sau?
. (Câu hỏi ntrong buổi giảng kinh Pháp Cú kệ 67, lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên )
TT Giác Đẳng: Trong phương diện nghiệp báo thì cho dù tâm thiện hay tâm bất thiện, quả có nặng hay là nhẹ, nhiều hoặc ít, nhanh hoặc mau là dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, nhưng nó không có dựa hoàn toàn vào quyết định là thiện thì quả nhanh hoặc nhiều hơn hay là bất thiện thì quả nhanh hơn hoặc nhiều hơn.
Như chúng ta được biết ở trong A Tỳ Đàm giảng rằng một nghiệp thì có một chủng tử, chủng tử đó chúng ta gọi là cetana hay là thuộc tánh tư, gọi chung là tư tâm sở. Tư ở đây tức là chủ tâm. Tư nó giống như là hạt giống mà chúng ta gieo xuống nếu hạt giống đó là hạt giống tốt, hạt giống lấy từ cây tốt, ví dụ cây trái đầu mùa chẳng hạn thì cây sẽ mọc mạnh hơn là hạt giống èo ọt.
Thì cái gì làm cho cetana mạnh, cái gì làm cho sự chủ tâm tạo nghiệp mạnh?
Theo trong A Tỳ Đàm có ba yếu tố.
Nếu là thiện thì cảm thọ làm cho mạnh hoặc yếu, cảm thọ hỷ mạnh hơn là thọ xả, tức là mình làm việc thiện mà mình vui mừng, mình làm bằng hoan hỷ thích thú thì quả về sau này sẽ mạnh hơn, sẽ tốt hơn là quả làm bằng tâm thiện thản nhiên, bằng tâm xả. Và nếu việc làm của mình, chủ tâm tạo nghiệp của mình, chủ tâm tạo tác của mình mà làm bằng tâm đi với trí tuệ tức là hợp trí, có trí tuệ trước khi, trong khi và sau khi làm thì quả nhanh hơn là làm việc bằng không có trí tuệ, và nếu chúng ta làm công việc một cách nhậm lẹ mau mắn thì quả sẽ thù thắng hơn là bởi vì tâm cetana mạnh hơn là tâm do được nhắc bảo được khuyến khích được thúc đẩy, tâm đó gọi là tâm được khuyến khích được thúc đẩy là tâm hữu trợ, tâm hữu trợ thì cái quả không bằng tâm vô trợ.
Ở trong trường hợp đối với bất thiện. Tâm bất thiện nghiệp cũng vậy ở trong bất thiện nghiệp thì thay vì đi đến trí tuệ thì nó đi với tà kiến, một người làm việc bất thiện bằng tâm bất thiện, và tâm bất thiện đó đi với tà kiến thì cái quả nó nặng hơn là không có tà kiến.
Tức là chúng ta nói đến cảm thọ là một chi phối hoặc là vô trợ hữu trợ tức là làm việc gì nhanh hay chậm đó là một yếu tố khác và hoặc giả nó đi với trí tuệ hay đi với tà kiến, hoặc không đi với trí tuệ không đi với tà kiến nó là một yếu tố khác. Nhưng không có điều gì để nói rằng là mình làm việc thiện thì quả không bằng việc bất thiện. Tuy nhiên chúng ta cũng phải nói là phần đông con người chúng ta nhất là những người gọi là phàm phu không thông hiểu pháp của bậc Thánh thì khi chúng ta làm việc bất thiện tâm của chúng ta nhanh chóng hơn, tâm của chúng ta nhanh hơn là chúng ta làm việc thiện. Khi chúng ta làm việc thiện thì vốn dĩ chúng ta không quen làm việc thiện hay chúng ta ít làm việc thiện, nên khi một người thường thường làm việc thiện thì tâm họ không mạnh mẽ như là việc bất thiện.
Chúng tôi lấy ví dụ một người nói lời nói ác khẩu thì họ nói lời nói ác khẩu đa phần là họ cảm thấy rằng mình bực tức do tâm sân nó tuôn ra lời ác khẩu như vậy nó nhanh chóng hơn, và tâm của họ nó gắng bó hơn là nói lời mang lại an lạc cho người khác, tại vì mình không có quen nói điều đó và đôi khi mình nói mình phải lựa lời nói một cách rất là mệt mỏi giống như leo đồi cao vậy.
Nên chi đối với đời sống của chúng ta những người không quen tu tập thì làm việc thiện nó khó nó không mạnh và làm việc bất thiện thì nó nhanh chóng và nó khắn khích hơn. Nên Đức Phật Ngài cũng ở trong kinh Pháp Cú này Ngài nhắc nhở rằng:
"Nếu khi một niềm bất thiện khởi lên thì chúng ta hãy nhanh chóng diệt trừ nó bởi vì tâm bất thiện nó sẽ lan rộng rất nhanh, nhưng nếu khi một niệm thiện khởi lên thì chúng ta hãy ráng nuôi dưỡng bởi vì niệm thiện đó nó sẽ biến mất rất nhanh."
Đó là một thái độ mà Đức Phật gọi là không dễ duôi, không giải đãi. Một người không giải đãi tự hiểu rằng khuynh hướng nghiên về bất thiện, cái khuynh hướng mà nghiên về điều không có hay nó lại là một cái khuynh hướng chủ vị, đó là một khuynh hướng cố hữu chúng ta. Còn đối với một người có ý thức thì biết rằng bởi vì chúng ta trên con đường làm thiện do đó cái thiện tâm coi vậy mà rất là yếu, nó không được mạnh. Thì giống như là cỏ trong vườn, trong vườn thì cỏ dại luôn luôn có khuynh hướng rất mạnh, cái cây mà bông hoa thì thường thường nó lại không mạnh bằng cỏ dại, và điều này có thể gần một phần nào với cái ý mà cô Minh Hạnh hỏi, tức là tâm bất thiện thì thường thường lại là bản năng cố hữu, có thể nói rằng nó chủ động ở trong đời sống của chúng ta nhiều hơn.
Tuy nhiên nói về phước nghiệp thì không đơn giản, bởi vì trong đạo Phật nói rằng một việc làm mà tạo quả nó bởi ba cái yếu tố là: sức mạnh của ý chí, sức mạnh của cetana, sức mạnh của tâm làm. Là điều mà hồi nãy chúng tôi nói là thọ hỷ, thọ xả, hợp trí, vô trí, hữu trợ, vô trợ. Nhưng phải có đối tượng và phải có hành động. Đối tượng là ví dụ như cũng lời nói đó mà chúng ta nói với cha với mẹ cái quả nó khác mà chúng ta nói với bạn bè con cái nó khác. Cũng thời một miếng xôi đó mà miếng xôi đó cho một người ăn mày khác, mà so với một vị Thánh với một người vừa nhập diệt thọ tưởng định ra thì nó lại khác đi. Là bởi vì sao vậy? Bởi vì đối tượng đó nó giống như qúi vị chọi trái banh mà chọi trái banh vô vũng bùn nó khác, mà chọi trái banh vô bức tường nó khác, độ dội nó khác, rồi điều đó nó cũng phải dựa trên hành động của mình nữa.
Dù sao đi nữa thì nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện đều có khả năng để sanh quả của hiện tại gọi là hiện báo nghiệp, quả đời sau là sanh báo nghiệp và sau nữa gọi là hậu báo nghiệp. Thiện và bất thiện đều có như vậy hết chứ không nhất thiết là chỉ có nghiệp bất thiện mới trổ quả mạnh và nghiệp thiện không trổ quả mạnh. Thưa quí vị, như trường hợp qúi vị cố gắng đi học chẳng hạn, cố gắng tập trung vào chuyện đi học, thì đi học ra trường xong thì có thể rằng những gì mà chúng ta đã học hành ở trong 5 năm, 7 năm, 10 năm hồi thời niên thiếu cho chúng ta cả một đời sống dư ăn dư mặc suốt cuộc đời của mình, nó mang cho chúng ta một địa vị. Thì cho chúng ta thấy rằng nghiệp thiện và bất thiện đều có khả năng để trổ sanh ở trong cuộc đời này. Nhưng mà một điều mà nhân câu hỏi của cô Minh Hạnh chúng ta cũng phải lưu ý tại đây rằng khuynh hướng làm việc bất thiện thường thường trong chúng ta mạnh hơn là khuynh hướng thiện, cái thiện là cái rất là dễ mai mộ,t dễ bị suy giảm, dễ bị biến mất, nhưng mà cái bất thiện thì dễ lan rộng và lan rất là nhanh và chúng ta phải cẩn thận./.
No comments:
Post a Comment