Tuesday, September 10, 2013

Cổ Học Tinh Hoa

KHÉO CAN ĐƯỢC VUA
Vua Cảnh Công nước Tề có con ngựa quý, giao cho một người chăn nuôi. Con ngựa tự nhiên một hôm lăn ra chết. Vua giận lắm, cho là giết ngựa, sai ngay quân cầm dao để phanh thây người nuôi ngựa. Án Tử đang ngồi chầu, thấy thế, ngăn lại, hỏi vua rằng: "Vua Nghiêu vua Thuấn xưa phanh người thì bắt đầu từ đâu trước?" Cảnh Công ngơ ngác nhìn rồi nói: "Thôi hãy buông ra, đem giam xuống ngục để rồi trị tội.
" Án Tử nói: "Tên phạm này chưa biết rõ tội gì mà phải chịu chết, thì vẫn tưởng là oan. Tôi xin vì vua kể rõ tội nó, rồi hãy hạ ngục."
Vua nói: "Phải."
Án Tử bèn kể tội rằng: "Nhà ngươi có ba tội đáng chết. Vua sai nuôi ngựa mà để ngựa chết, là một tội đáng chết. Lại để chết con ngựa rất quý của vua, là hai tội đáng chết. Để vua mang tiếng, vì một con ngựa mà giết một mạng người, làm cho trăm họ nghe thấy ai cũng oán vua, các nước nghe thấy ai cũng khinh vua, ngươi làm chết một con ngựa mà để đến nỗi dân gian đem lòng oán giận, nước ngoài có bụng dòm dỏ, là ba tội đáng chết. Ngươi đã biết chưa? Bây giờ hãy tạm giam ngươi vào ngục..."
Cảnh Công nghe nói ngậm ngùi than rằng: "Thôi, tha cho nó! Thôi, tha cho nó! Kẻo để ta mang tiếng bất nhân."
Án Tử Xuân Thu
GIẢI NGHĨA
Tề: Một nước chư hầu lớn, thời Xuân thu Chiến quốc ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.
Phanh thây: Mổ người, róc xương, lấy thịt.
Vua Nghiêu vua Thuấn xưa ...: Câu nầy hỏi thế là có ý làm cho Cảnh Công không có lối mà trả lời. Đời Nghiêu, Thuấn chưa có tội phanh thây.
Thôi hãy buông ra: Cứ theo như sách án Tử Xuân thu thì là "Tòng quả nhân thủy" (khởi tự ta ra) theo Hàn Thi Ngoại truyện thì lại là Túng chi (buông ra). Đây dịch là buông ra để ăn nghĩa với câu trên.
Trăm họ: Chỉ nhân dân trong nước.
Dòm dỏ: Ngấp nghé xem người ta hở cơ thì làm hại.
LỜI BÀN
Vua Cảnh Công thấy con ngựa yêu của mình chết, mà bắt phanh thây kẻ nuôi ngựa là đang cơn tức giận, không còn biết nghĩa lý, pháp luật là gì nữa. Thế mà Án Tử can ngăn được là vì tuy gọi chiều lòng, kể tội người nuôi ngựa, mà kỳ thực lại gợi đến cái lòng nhân ái của Cảnh Công làm cho Cảnh Công phải tỉnh ngộ và biết hối. Giỏi thay! Mấy lời nói dịu dàng, thảnh thơi mà cảm hóa được quân vương.


No comments:

Post a Comment