Saturday, September 17, 2016

Điển Hay Tích Lạ

Sát thê cầu tướng

Trong tác phẩm "Lục Vân Tiên" của cụ Nguyễn Đình Chiểu, đoạn Võ Thể Loan tiễn Lục Vân Tiên đi thi, Vân Tiên nhắn nhủ nàng có câu:
May duyên rủi nợ dễ phô,
Chớ nghi Ngô Khởi, hãy lo Mãi Thần.
Tại sao nghi Ngô Khởi? Vì Ngô Khởi đã giết vợ nhà để được làm tướng.
Ngô Khởi, người nước Vệ đời Chiến Quốc (481-221 trước D.L.). Lúc còn bé, Khởi chuyên học nghề đánh gươm, luyện võ. Bà mẹ rầy la. Khởi cắt lấy tay chảy máu, thề rằng:
- Nay con xin từ tạ mẹ, đi du học tha phương, nếu không làm đến bực khanh, tướng thì con quyết không trở về đất Vệ này mà trông thấy mẹ nữa!
Bà mẹ khóc lóc khuyên can nhưng Khởi không nghe, nhứt quyết quảy gói ra đi. Khởi qua nước Lỗ xin học đạo với thầy Tăng Sâm. Khởi rất chăm học. Một hôm có quan Đại phu nước Tề là Điền Cử sang Lỗ, ngồi bàn luận sách vở, thấy Ngô Khởi là người hiếu học, có tài mới gả con gái cho. Tuy đã lấy vợ, nhưng Ngô Khởi vẫn còn ở học.
Thầy Tăng Sâm biết Ngô Khởi còn mẹ già, một hôm gọi lại hỏi:
- Ngươi du học đã 6 năm rồi, sao không trở về thăm mẫu thân nhà ngươi. Đạo làm con, xa cha mẹ làm sao yên tâm học hành được?
Ngô Khởi thuật lại lời thề xưa là chừng nào làm được bực khanh, tướng thì mới trở về. Thầy Tăng Sâm bảo:
- Làm trai có chí lập thân là hay, nhưng chỉ nên thề với người khác, chớ sao lại thề với mẹ già. Vả lại vì khanh, tướng mà quên bổn phận làm con sớm hôm phụng dưỡng mẹ già thì làm sao ra người được.
Từ đấy, thầy Tăng Sâm có ý không bằng lòng Ngô Khởi.
Một hôm, Ngô Khởi đang ngồi học, có người nước Vệ đến báo tin cho Khởi biết là mẹ Khởi đã chết. Ngô Khởi nghe tin khóc lên ba tiếng rồi lau nước mắt, ngồi học như thường. Tăng Sâm thấy thế cả giận, gọi Ngô Khởi, bảo:
- Nước không gốc thì mau khô, cây không gốc thì dễ gãy. Làm người mà vô nghĩa thì giữ toàn đời sao được. Như nhà ngươi nghe tin mẹ chết mà chẳng động lòng thì thật là kẻ vong ân bội nghĩa, quên gốc mất nguồn, chẳng xứng là học trò của ta. Kể từ nay, ta cấm mi đến trường của ta nữa.
Ngô Khởi bỏ trường thầy Tăng Sâm đi học võ. Ba năm, Khởi giỏi binh pháp trận đồ bèn qua nước Sở xin làm quan. Tướng nước Sở là Công Nghi Hưu bàn luận binh pháp với Khởi, biết là người có tài, nên tâu xin với Lỗ hầu dùng Khởi và phong chức Đại phu. Được bổng lộc cao, Khởi mua thêm hầu gái để làm thú vui riêng.
Lúc bấy giờ nước Tề sang đánh Lỗ. Công Nghi Hưu tâu với Lỗ Mục Công là muốn lui binh Tề nên phong tướng cho Ngô Khởi. Ý của Khởi cũng muốn làm tướng, cầm quân đánh Tề. Lỗ Mục Công biết Khởi là người có tài nhưng vì thấy Khởi có vợ là người nước Tề nên phân vân, không dám tin dùng. Công Nghi Hưu thuật lại chuyện cho Khởi nghe. Khởi cười nói:
- Tưởng điều chi? Tôi sẽ làm cho chúa công hết nghi.
Ngô Khởi trở về tư dinh, hỏi vợ là Điền Thị:
- Người ta có vợ quý vì lẽ gì?
Điền thị đáp:
- Gia đạo có trong, có ngoài mới nên. Làm cho nên nổi nghiệp nhà mới gọi là vợ quý.
Ngô Khởi lại hỏi:
- Nay ta muốn làm nên nghiệp lớn, khanh tướng ăn lộc muôn chung, gia nghiệp lẫy lừng, vậy nàng hãy giúp ta.
Điền thị đáp:
- Thiếp là đàn bà có thế gì giúp cho phu tướng thành công được.
Ngô Khởi nghiêm nghị nói:
- Nay Tề đánh Lỗ, chúa công muốn dùng ta làm tướng, hiềm vì nàng họ Điền vốn dòng quốc thích nước Tề nên chúa công e ngại. Vậy ta xin nàng cái đầu để Lỗ hầu khỏi nghi, ta chắc công danh sẽ thành toại.
Điền thị hoảng hốt, chưa mở miệng nói được gì thì đã bị Ngô Khởi chém rụng đầu. Đoạn Khởi dâng đầu vợ lên cho Lỗ Mục Công bảo rằng để tỏ lòng vì nước Lỗ.
Mục Công có ý không bằng lòng, nhưng ngại không dùng thì Khởi sẽ giúp Tề đánh lại Lỗ nên phong Khởi làm tướng cử hai vạn quân đánh Tề.
Khởi thật là người có tài, đại thắng Tề, được phong chức Thượng khanh, bổng lộc cao nhứt nước Lỗ.
Tướng nước Tề là Trương Lưu biết Khởi có tính tham lam, hiếu sắc nên đem ngàn lượng vàng và gái đẹp đến kinh đô nước Lỗ hối lộ cho Khởi để cầu hòa. Khởi lấy làm thích, nhận ngay. Trương Bưu liền làm kế ly gián, phao đồn lên là Khởi ăn hối lộ của Tề làm Lỗ Mục Công nghi ngờ định tước hết quan chức và hạ ngục Khởi.
Ngô Khởi hoảng sợ bỏ chạy qua nước Ngụy được Ngụy hầu cho trấn thủ đất Tây Hà. Nhưng chẳng bao lâu thì thế tử Kích lên nối ngôi Ngụy hầu, không dùng Khởi nữa, nên Khởi trốn sang nước Sở.
Sở Niệu vương tin dùng, phong Khởi làm tướng quốc. Ngô Khởi định lại quan chế, cất tước quan, bổng lộc của nhiều người làm cho cánh hoàng thân quốc thích căm tức. Sở lúc bấy giờ càng giàu mạnh, làm cho các nước Tấn, Tề, Tần, Lỗ đều phải khiếp phục.
Nhưng khi Sở Niệu vương mất, chưa kịp khâm liệm thì dòng họ Niệu vương và các con cháu của các vị đại thần vì chế độ định quan của Ngô Khởi là mất tước lộc, nhân cơ hội quốc tang, nên nổi dậy làm loạn, vây bắt Ngô Khởi.
Khởi hoảng hốt bỏ chạy trốn nhưng bị bọn hoàng tộc cầm cùng tên đuổi nà theo bắn chết.

No comments:

Post a Comment