Truyện ngắn - Đốt lá
Đốt lá
Edie Cuttler
Ông tôi, rất yêu mùa thu. Mỗi năm vào cuối tháng mười, ông hay gom những chiếc lá rụng trên sân thành đống bên đường rồi đốt.
Dọc theo các con đường, có thể trông thấy những đống lá đang cháy. Tôi thường tự hỏi có phải nghi lễ tống táng những chiếc lá này đã có kế hoạch từ trước hay không. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ nghe ông tôi gọi điện cho bất kỳ ai để nói, "Thế là, hôm nay là ngày chúng ta sẽ găp nhau bên đường nhé". Không, không có điều gì đại loại như thế diễn ra. Khi những cơn gió đã lặng, những ngọn lửa bắt đầu cháy lên lúc chiều tà, và tiếp tục vài giờ nữa trong hoàng hôn. Những đốm tàn vẫn còn có thể thấy rõ khi những đứa trẻ chúng tôi vào trong nhà.
Việc đốt lá đã trở thành một sinh hoạt của gia đình, một phần của mùa thu mà tôi vẫn mong đợi từng năm. Những người lớn cào suốt cả ngày, cố giữ không để cho bọn trẻ vui nhộn chạy vào và dẫm lên trước khi nó được gom vào bên đường. Từ thời thơ ấu, tôi đã rất thích nghe những tiếng lách tách của lá cháy cũng như nhận biết sự quyến rũ và nguy hiểm của ngọn lửa.
Những người bạn láng giềng chuyện trò và bình luận về thời cuộc. Đàn ông thích nói về những chuyện như thế. Bà tôi nướng những chiếc bánh và mời những người bạn già. Những người khách vẫn cứ lưu luyến chưa muốn về dù lửa đã tàn, họ nói về mùa đông đang tới. Ông tôi, đứng bên ngoài, chặn những chiếc lá bướng bỉnh, giữ cho khỏi phải đốt lại những chiếc lá thoát ra ngoài.
Khi còn là một đứa trẻ, tôi chưa bao giờ hỏi vì sao ông yêu thích việc đốt lá. Tôi cho rằng mọi người đốt lá vào tháng 10 và ông làm công việc đó là đương nhiên. Khi trưởng thành, tôi bỗng thấy chính mình ngồi bên lề đường chuyện trò với ông trong buổi hoàng hôn. Và tôi bỗng nhận ra rằng đó không chỉ là một công việc nhỏ mọn hàng năm cho ông. Ông có lần kể cho tôi nghe những lần ông cố đã đốt lá trên mảnh đất nhỏ của họ ở vùng đồi Pennsylvania. Ông cố của tôi là một thợ mỏ và có rất ít thời gian để vui đùa cùng với gia đình. Ông tôi và mười anh chị của ông đều trông đợi cái khoảnh khắc quí báu ấy vào dịp ông cố đốt những chiếc lá.
Ông tôi là người trầm lặng và không thích nói nhiều. Sau nhiều năm làm việc ở những hầm mỏ lộ thiên, ông vẫn giữ một dáng dấp lực lưỡng, nhưng đi đứng chậm chạp và luôn có mục đích. Ông và bà là nơi nương tựa bất biến nhiều năm cho tôi khi cha mẹ tôi và tôi sống đời di dân trong thời chiến. Ông bà tôi hiếm khi đi đâu. Ngôi nhà, tập quán sinh hoạt của họ luôn là chỗ dựa bền vững mà tôi níu giữ thân thiết nhất khi mình lớn lên.
Thế rồi đầu một mùa hè, bà nội mất. Mùa thu đó ông dọn đến với bố mẹ tôi. Với những luống hoa, những sở thích, cùng với con cháu, ông dường như hài lòng. Nhưng một buổi cuối tuần khi từ trường đại học trở về, tôi nhận ra ông đang cào những chiếc lá vào bên đường. Mẹ không nói với ông. Tôi nhận ra rằng mình sắp phải là người báo tin buồn. Tôi ra ngoài và giải thích rằng nơi đây, trong thị trấn mới này có luật cấm đốt lá. Tất cả những đám khói đó sẽ bị xem là ô nhiễm môi trường và chính quyền lo lắng về việc hỏa hoạn. Không nói một lời, ông bỏ đi, đôi vai còn thấp hơn lúc đám tang bà. Ông đặt cái cào dựa vào vách và bước vào trong. Những chiếc lá vẫn nằm bên đường cho đến khi những cơn gió cuối thu thổi chúng bay vào trong sân. Một cảm giác buồn bã dậy lên trong tôi trong mùa thu đó. Cả tôi nữa, tôi cũng đã mất đi một điều gì đó không thể thay thế được. Bởi vì những mùa thu sau đó, ông chỉ tỉa cành, xén cây và làm những việc vặt khác chứ không hề cào lá nữa,
Vào năm tôi có mang đứa con thứ hai, được biết ông bị ung thư. Bác sĩ không nghĩ rằng rằng ông sẽ kịp đón lễ Tạ Ơn. Ông gầy hơn và đi đứng chậm chạp hơn bao giờ hết, nhưng tất cả chúng tôi đều dối ông và dối chính mình, rằng ông trông khỏe và chuẩn bị kỳ nghỉ lễ.
Vào giữa tháng 10, tôi đưa ông ra trang trại tôi vừa mua được. Không khí trong lành và mùa hè Ấn Độ đang cao điểm. Ông đi bộ vài dặm với Adam, đứa cháu đích tôn, như thể đang kiểm tra đất đai, với những bước chân đo và đầu ngẩng cao. Từ trong sân tôi nhìn thấy ông như hạnh phúc với đứa cháu bốn tuổi hiếu động.
Khi họ trở về, tôi nói với ông rằng ở nơi đây là ngoại ô, chúng tôi sẽ không bị phạt khi đốt lá và ông có vui khi giúp tôi một tay? Lần đầu tiên sau một thời gian dài ông cười thật tươi, ôm chặt lấy tôi và nói: "Cảm ơn cháu, ông sẽ rất vui khi giúp cháu". Lệ ngập tràn mắt tôi, và sự thân thiết giữa chúng tôi vẫn luôn bền chặt như bao giờ.
Tôi cào, Adam đuổi theo những chiếc lá còn ông giám sát cẩn thận đặt chặn bằng những hòn sỏi. Ông giảng giải cho Adam mối nguy hiểm của lửa. Bài học vốn thường được nghe và yêu thích trong câu chuyện kể trước đi ngủ nhiều năm trước đây.
Thế rồi ông đánh diêm và đống lá đầu tiên bừng cháy. Những sắc màu xoay vòng lung linh. Những chiếc lá cố trốn thoát bị ông gom lại bằng chiếc cào sắt. Đống lửa cháy nhiều giờ trong buổi chiều.
Ông nói bánh và cà phê đêm đó là những món tuyệt hảo cuối cùng cho một trong những ngày đẹp nhất mà ông từng có sau một thời gian dài. Ông ra đi trong giấc ngủ sau đó một tuần.
Vài ngày sau, tôi nhận một lá thư từ Ban Vệ Sinh, thông báo về việc luật cấm đốt lá. Tôi đã không nói dối ông thật sự; họ đã không phạt.
Tôi sẽ luôn nhớ ông và cả… những đống lá đang cháy.
Nhị Tường dịch từ internet
Theo trang Quảng Đức.
Truyện ngụ ngôn
Khỉ và khách
Ðể chào mừng một ngày lễ lớn, một hôm Khỉ ta mời tất cả bạn bè đến nhà chơi. Rùa đen cũng đến.
Ðầu tiên Khỉ ta nói lời chúc mừng sau đó mời các bạn vào bàn tiệc.
Chúng ăn uống thoả thích, hết chạm cốc lại gắp thịt rất chi là ồn ào.
Rùa đen không lên được ghế, nó nhờ Khỉ giúp, Khỉ nhìn Rùa cười to giễu cợt: "Ha! Ha! Ai bảo chân cậu ngắn thế nào?"
Rùa đen tức lắm, nhịn đói bỏ về, nó thề rằng phải tìm cách trả đũa cho hả dạ.
Cơ hội đã đến. Trong một ngày lễ khác Rùa đen cũng mời tất cả các bạn của nó đến ăn cơm. Khi ta cũng đến.
Thịt rượu đã bày lên bàn. Ðợi các bạn ngồi vào bàn xong Rùa đen nói vài lời rồi tuyên bố tiệc rượu bắt đầu. Rùa đen đến bên Khỉ, ngắm nghía tay Khỉ, nói: "Thưa anh, xin lỗi, tay anh bẩn quá! ăn uống thế này thì thật mất vệ sinh, mời anh ra rửa tay trước đã". (Tay Khỉ vốn là đen trông rất bẩn, nhưng rửa cũng chẳng ích gì).
Khỉ ta vội tìm giẻ lau rồi tìm nước rửa, nhưng làm thế nào thì tay nó vấn đen thui, nó hỏi Rùa đen phải làm thế nào. Rùa cười to: "Ha! Ha! Ai bảo tay anh đen thế?"
Khỉ nghe vậy nhớ ngay đến thái độ của nó đối với Rùa hôm trước, nó hiểu Rùa đang trả đũa nó nhưng không cáu được đanh chuồn thẳng.
tri kiến giác ngộ - minh triết trong đời sống
Thí Chủ Nên Cám Ơn
Khi Seisetsu làm thiền sư của phái Engaku ở Kamakura, ngài muốn có những phòng ốc lớn hơn trong thiền viện, vì kẽ theo học quá đông. Umezu Seibei, một thương gia ở Edo, quyết định cúng tặng năm trăm lượng vàng (ryo) cho việc xây xất. Y mang vàng đến cho thiền sư.
Seisetsu nói: "Thôi được, ta sẽ nhận."
Umezu trao cho Seisetsu một bao vàng, nhưng không mấy hài lòng với thái độ của vị thiền sư. Người ta có thể sống cả năm với ba lượng, đằng này ông thương gia không được một tiếng cám ơn với năm trăm lượng.
"Trong bao này có năm trăm lượng vàng," Umezu ám chỉ.
"Ông đã bảo với tôi như thế rồi," Seisetsu trả lời.
"Ngay cả tôi là một thương gia giàu có, năm trăm lượng cũng là một món tiền lớn," Umezu nói.
"Ông muốn tôi cám ơn vì nó?" Seisetsu hỏi.
"Nên thế," Umezu trả lời.
"Tại sao lại thế?" Seisetsu thắc mắc. "Thí chủ nên cám ơn mới phải chứ."
Cổ học tinh hoa
CHIẾC THUYỀN ĐỤNG CHIẾC ĐÒ
Một chiếc đò sang sông. Có chiếc thuyền không có người, đâu trôi đến, đâm phải. Người lái đò tuy hẹp bụng đến đâu cũng không lấy làm giận. Giả sử trên chiếc thuyền có người ngồi, thì người lái đò tất phải phùng mang trợn mắt, tru tréo một lần không nghe tiếng, tất tru tréo đến hai lần, hai lần không nghe tiếng, tất tru tréo đến ba bốn lần, rồi đến buông lời chửi rủa thậm tệ nữa,
Một việc xảy ra cũng giống nhau, mà như lúc trước không giận, như lúc sau lại giận là tại làm sao?
- Tại lúc trước chiếc thuyền không có người mà lúc sau chiếc thuyền có người. Người ta mà cứ thản nhiên không có chút tư ý gì thì ở đời còn có ai hại mình nữa.
Trang Tử
GIẢI NGHĨA
Trang Tử: sách của Trang Chu soạn đến đời Đường gọi là Nam Hoa Chân kinh. Trang Tử, học đạo Lão Tử, sau người ta vẫn xưng Lão Tử với Trang Tử là tổ của Đạo gia
Truyện cười trong ngày
ÔNG NÀO?
- Thằng nhỏ nhà tôi mới được điểm 10 bài lịch sử. Dạo này thằng nhỏ nhà chị có chịu học không hay lại ham chơi?
Ðang học bài lịch sử, được dịp thằng nhỏ liền liến thoắng:
- Ông bèn tấn công vào thành Hoa Lư… Ông bèn tấn công vào thành Hoa Lư…
Bà bạn:
- Ông nào tấn công vào thành Hoa Lư thế hả cháu?
- Dạ thưa bác, ông “Bèn” ạ!
- Hết sảy!
- Thằng nhỏ nhà tôi mới được điểm 10 bài lịch sử. Dạo này thằng nhỏ nhà chị có chịu học không hay lại ham chơi?
Ðang học bài lịch sử, được dịp thằng nhỏ liền liến thoắng:
- Ông bèn tấn công vào thành Hoa Lư… Ông bèn tấn công vào thành Hoa Lư…
Bà bạn:
- Ông nào tấn công vào thành Hoa Lư thế hả cháu?
- Dạ thưa bác, ông “Bèn” ạ!
- Hết sảy!
No comments:
Post a Comment