Thursday, May 23, 2019

Truyện ngắn Mạnh mẫu – mẹ của Mạnh Tử

Mạnh mẫu – mẹ của Mạnh Tử

Mẹ của Mạnh Tử là Trương thị, sau này được người đời gọi là Mạnh mẫu, sinh ra ở nước Chu trong thời Chiến Quốc (475-221 TCN). Bà là góa phụ, một đời vất vả nuôi lớn Mạnh Tử (372-289 TCN). Bà rất nghiêm khắc với ông, nhờ đó mà Mạnh Tử lớn lên trở thành một triết gia nổi tiếng của cửa Khổng.

Mạnh Mẫu nổi tiếng với câu chuyện 3 lần chuyển nhà để cho con trai mình được sống trong môi trường giáo dục tốt nhất. Ban đầu, hai mẹ con sống gần một nghĩa trang. Mạnh Tử thường bắt chước tiếng khóc của những người đưa tang. Bà rất đau lòng và trong bụng thầm nghĩ: Nếu cứ tiếp tục sống ở đây thì Mạnh Tử chắc chắn không thể trở thành một đứa trẻ tốt, vì vậy phải chuyển nhà thôi.

Ngôi mới nằm cạnh chợ. Mạnh Tử bắt chước những lời mời chào hàng của người bán hàng rong và tiếng la hét của những người đồ tể. Mẹ ông cho rằng môi trường này ảnh hưởng xấu đến Mạnh Tử, nên bà lại chuyển nhà lần nữa, lần này chuyển đến ở cạnh ngôi đền của tiên đế.

Mạnh Tử học theo các nghi lễ triều đình của các quan sai đến đây cúng viếng vào ngày đầu tháng. Trương Thị rất hài lòng và quyết định rằng đây là nơi tốt để định cư.
Một ngày nọ, Trương Thị đang dệt vải thì Mạnh Tử đi học về, vừa về đến nhà đã muốn đi chơi. Bà hỏi con: “Hôm nay con học được gì nào?”.

Mạnh Tử trả lời: “Cũng giống mọi khi”.

Mạnh mẫu thấy con thờ ơ với việc học, liền cầm kéo cắt ngay mảnh vải vừa dệt ra làm hai. Mạnh Tử hết sức kinh ngạc hỏi mẹ thì Trương Thị trả lời:

“Con sao nhãng việc học cũng giống như mẹ dệt vải. Bây giờ vải chưa dệt xong mà đã cắt đứt ở giữa thì sẽ không bao giờ dệt được một mảnh vải hoàn chỉnh.

Việc dệt vải, nhất định phải dệt từng sợi một, qua quá trình cố gắng liên tục mới có thể tích từng sợi vải thành “tấc”, tích từng “tấc” vải thành “thước”, cuối cùng mới có thể dệt thành mảnh vải hoàn chỉnh để dùng. Việc học tập cũng như vậy, nếu luôn luôn cố gắng chịu khó học tập thì dần dần mới tích lũy được tri thức, mới có thành tựu, nếu không thì chẳng có tác dụng gì giống như việc dệt vải bỏ dở giữa chừng”.
Bà cho rằng như người phụ nữ từ bỏ kế sinh nhai, hay như người đàn ông bỏ bê việc tu dưỡng đạo đức, thì nếu không sa vào phường trộm cướp cũng sẽ bị bị đày làm nô dịch.

Lời răn bảo của Trương mẫu đã thay đổi Mạnh Tử. Ông học tập chăm chỉ dưới sự dạy bảo Tử Tư, tức Khổng Cấp, cháu nội của Khổng Tử, và cuối cùng trở thành một học giả nổi tiếng.

No comments:

Post a Comment