Saturday, May 18, 2019

Cổ Học Tinh Hoa

NÊN XỬ THẾ NÀO 

Thầy Mạnh Tử hỏi vua Tuyên Vương nước Tề rằng: 
- Giả thử có người bầy tôi nhà vua, đem y thực của vợ con ký thác cho người bạn thân, nhờ trông nom giúp để sang chơi nước Sở có việc; kịp đến lúc về, mới biết bạn để cho vợ con đói rét thì người ấy nên xử với bạn thế nào?
 Vua nói: Nên tuyệt giao. 
Thầy Mạnh Tử lại hỏi: 
- Giả sử có người làm quan sĩ sư không trông nom nổi được thuộc viên, để cho hình ngục sai lầm, công việc phế khoáng, thì nhà vua nên xử thế nào với viên quan ấy?
 Vua nói: Nên bãi đi. 
Thầy Mạnh Tử nhân đấy hỏi luôn câu nữa: 
- Thế thời làm vua một nước mà không sửa sang việc chính sự, việc giáo dục để đến nỗi trong nước không được bình trị, thì trách nhiệm tại ai và nên xử trí thế nào? Vua nghe nói ngoảnh ngay sang bên tả, bên hữu, nói lảng sang chuyện khác, có ý vừa chữa thẹn, vừa tránh không trả lời. 

Mạnh Tử 

GIẢI NGHĨA

 Mạnh Tử: người nước Châu, đời Chiến Quốc, tên là Kha, học thuyết của ông cốt ở điều “Nhân nghĩa”, “Tính thiện”, đời sau tôn ông là Á thánh. 
Châu: hay Chu là một nước chư hầu cổ thời Xuân Thu, lãnh thổ nằm trong địa giới của nhà Chu. 
Xuân Thu: là tên gọi một giai đoạn lịch sử từ 722 đến 481 TCN trong lịch sử Trung Quốc. 
Tề: một nước chư hầu lớn, thời Xuân Thu Chiến Quốc, ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.
 Chiến Quốc: là tên gọi một giai đoạn lịch sử kéo dài từ khoảng thế kỷ 5 TCN tới khi Trung Quốc thống nhất dưới thời Tần năm 221 TCN. 
Sở:  một nước mạnh đời Xuân Thu và Chiến quốc ở vào Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tô, Chiết Giang, và phía nam tỉnh Hà Nam ngày nay. 

LỜI BÀN 

Thầy Mạnh Tử đây chỉ vì việc nước mà khuyên can vua Tuyên Vương nước Tề. Hai 166 đoạn trên câu hỏi của thầy hữu tâm mà câu trả lời của vua vô tâm. Đoạn thứ nhất nói về “tình bạn”, kể nghĩa cũ cũng đáng tiếc, song đã nhận lời ký thác của anh em mà ra lòng phụ bạc, thì thật là người bạn đáng tuyệt giao. Đoạn thứ nhì nói về “phép nước”, kể thực buộc vào tội chưa có gì là nặng, song làm quan mà đến nổi không trông nom được kẻ dưới để phế khoáng việc công, thì thật là viên quan không nên dụng. Còn đoạn thứ ba, tuy ông nói qua, mà đã ngụ sẵn cái ý thuế má quá nặng để dân đói rét, hình phạt sai lầm để dân oan khổ; làm vua mà đối với dân, với nước như vậy, thì cái tội to biết chừng nào. Thế mới tiếc thay vua Tề Tuyên Vương gặp được người chính trực cảm ngôn như thế mà lại không chịu rộng hỏi để sửa lỗi của mình, thật là mất một dịp tốt. 

No comments:

Post a Comment