Hỏi: An Tịnh Ba Nghiệp
(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên
TT Tuệ Siêu: Trong đời sống tu tập, chúng ta cần phải biết thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp; tam nghiệp rất quan trọng. Mục tiêu cứu cánh của chúng ta làm như thế nào để dứt trừ được những phiền não sanh khởi và sai sử thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Trong đời sống hằng ngày của tất cả chúng sanh, chuyện hạnh phúc hay đau khổ tùy thuộc vào ba nghiệp mà ra, ngày nào ba nghiệp được an tịnh thì ngày đó chúng ta còn được sự an vui, chúng ta có được sự an vui, có được sự hạnh phúc. Còn ngày nào chúng ta không an tịnh được ba nghiệp thì ngày đó là ngày chúng ta phiền toát khổ đau, sự khổ đau phiền toái đó, mặc dù chúng ta biết rằng cũng do ngoại cảnh, do tha nhân gây ra, nhưng phần chính do nội tâm này không thắng phục được phiền não, và khi đặc cảm cảnh bằng phiền não đã nhận thức được bằng phiền não thì ngay khi đó chúng ta bị một cảm giác khổ đau phiền toái.
Cho nên ở đây, chúng ta tu tập làm thế nào để có được thân an tịnh, khẩu an tịnh, và ý tức là tâm thiền tư vắng lặng, ba việc này nếu chúng ta làm được, phải hiểu rằng trong đời sống tu tập của chúng ta và trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của chúng ta sẽ an vui, hạnh phúc. Đức Phật và chư vị A La Hán, các Ngài cũng có thân bịnh, nhưng khi thân bịnh hoằng hành, các Ngài vẫn được hạnh phúc, vẫn được an lạc, tâm ý của các Ngài an trú vắng lặng, tức ý được an tịnh.
Chúng ta cần phải hiểu giữa những danh từ, thân an tịnh, khẩu an tịnh điều đó có liên hệ đến khẩu nghiệp, chúng ta đừng nghĩ thân nghiệp ở đây chỉ là cho xác thân ngũ uẩn này mà thôi, thân an tịnh ở đây chỉ cho thân ngũ uẩn này không bệnh tật, không phải như vậy. Hễ có thân tứ đại đất nước lửa gió, chịu chi phối bởi thời tiết, phải được nuôi dưỡng bởi vật thực, như vậy sắc thân tứ đại này có đôi lúc cũng sanh ra sự bất hoà, và do vậy phát sanh lên những bệnh tật, thân này phải chịu sự già sự bệnh, sự chết là một điều hiển nhiên, không thể tránh khỏi.
Nhưng ở đây thân an tịnh là như thế nào. Thân an tịnh tức là thân hành động với một tâm tư an tịnh vô nhiễm, không bị chi phối bởi phiền não như vậy được gọi là thân an tịnh. Không phải chúng ta trốn ở trong rừng sâu, hay chúng ta đi vào trong hang núi, hoặc chúng ta xây dựng một ngôi chùa, một tịnh thất hoặc một nêu cốc, ở nơi vắng vẻ không có người qua lại, chúng ta sẽ sống được một đời sống gọi thân an tịnh. Không phải như vậy. Ngày nào các tà tư duy, tức là dục tư duy, sân tư duy, và hại tư duy vẫn còn chế ngự nội tâm này, phát khởi ở nột tâm này và khiến cho sự hành động thô tháo, cử chỉ thô tháo thì như vậy thân chưa được an tịnh.
Thân an tịnh ở đây, có nghĩa lúc nào nội tâm này được an tịnh, được yên vui, được tự tại không bị quấy nhiễu bởi phiền não, hành động đều oai nghi, hoặc hành động cử chỉ tạo nghiệp được gọi thân an tịnh. Khi có thân an tịnh như vậy mới thật sự là bậc tỉnh tịnh. Nếu như thân vẫn còn hành động một cách mù quáng hay vẫn còn hành động theo sự điều khiển của ý phiền não, thì như vậy cho dù thân ở nơi yên tịnh vắng lặng , vắng vẻ nhưng thân hành không được an tịnh.
Về lời nói, tức khẩu an tịnh, cũng như thế ngôn ngữ chúng ta phát ra lời nói đó, khẩu nghiệp đó, khẩu hành đó sẽ bị chi phối bởi ý, tức là do tâm. Vì thân hành hay khẩu hành tất cả đều thuộc về sắc biểu chi, sắc biểu chi là một loại sắc tâm, tức là do tâm điều động, do tâm chi phối. Như vậy ở đây, nếu người tu tập chúng ta nhận thức hiểu được điều đó thì việc tu tập của chúng ta rất đơn giản, không phải cầu kỳ, không cần phải có một nghi lễ nào đặc biệt chúng ta tu tập. Ở đây chúng ta áp dụng với chính nội tại này, bởi lẽ khi chúng ta áp dụng được đời sống nội tại an tịnh, thì tất nhiên thân hành sẽ an tịnh và khẩu hành sẽ an tịnh, sự tu tập của chúng ta là như vậy.
Nội tại tức nội tâm được an tịnh định do ý nghiệp. Khi chúng ta tu tập thiền định, một là chúng ta tu trí về tâm, hai là chúng ta tu trí về tuệ, hai cách đó làm cho tâm được an tịnh. Như thế nào gọi là tu trí về tâm, chữ tâm ở đây chúng ta cần phải hiểu, còn gọi là định. Trạng thái tâm an trú không bị phóng dật, không bị chi phối không bị phan duyên theo trần cảnh, và lúc nào cũng giữ được tâm niệm vững chắc, ghi nhớ nhận thức được cái gì đang sanh, đang diệt, như vậy gọi là khéo định tâm trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
Phàm phu chúng ta bị phiền não sanh khởi, sân sanh khởi, si mê tà kiến sanh khởi, ngã mạn sanh khởi và bất cứ sự phiền não nào khác sanh khởi được là do nơi tâm này không được an trú, tâm bay nhảy chạy theo cảnh giới này, chạy theo cảnh giới khác, cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh thí, cảnh vị, cảnh súc và cảnh pháp, tâm luôn luôn biến động, như vậy mới có cơ hội để cho phiền não phát sanh.
Cũng ví như thân của chúng ta, nếu một khi chúng ta để cho tình trạng bị suy sụp thể lực, nghĩa là có cơ hội để cho cơ thể bệnh hoạn phát sanh, các con vi trùng hoằnh hành quấy phá. Cũng như thế, nếu như tâm này sơ hở thì phiền não tức là những con vi trùng bịnh sẽ xâm nhập được. Đức Phật Ngài gọi là tâm không khéo tu, cũng giống như mái nhà không khéo lợp, nước mưa có thể thấm dột. Còn ngược lại khi chúng ta khéo an trú tâm bằng cách là chúng ta biết lắng nghe, biết suy tư thì trong trường hợp đó tâm khéo tu tập. Đức Phật Ngài dạy rằng giống như một căn nhà được lợp nóc một cách kỹ lưỡng, nước mưa không làm hư dột. Cũng như thế, nếu trong đời sống hàng ngày, luôn luôn lúc nào chúng ta cũng nhận thức được, chúng ta cũng biết tự chủ được và chúng ta tự có chánh niệm tự phát hiện được những gì đang sanh đang diệt.
- Điều thứ hai là tu tuệ. Tu tuệ cũng là một phương pháp để giúp cho chúng ta thiền tư vắng lặng. Bởi vì phiền não độc hại tức là tham sân si một khi đã sanh khởi rồi, nếu chúng ta chỉ dùng tâm định cũng giống như chúng ta lấy đá để đè cỏ. Phiền não tức là cỏ, tâm định cũng giống như tảng đá. Chúng ta bê một tảng đá đặt lên một nắm cỏ, thì cỏ sẽ bị đè bẹp và không phát triển được, tuy nhiên nó có thể len lỏi phát triển ở hai bên của tảng đá, chứ nó không thể nào xuyên thủng tảng đá. Cũng giống như tâm định vậy, tâm định trong thiền sắc và thiền vô sắc, hay tâm định trong thiền chỉ, chỉ có khả năng đè nén phiền não thôi.
Bây giờ, việc chúng ta phải giữ tâm an tịnh đạt đến mức rốt ráo, phải phát triển tuệ, tức là một trạng thái sáng suốt, một sự nhận thức sâu sắc. Khi chúng ta có chánh niệm, chúng ta ghi nhận từng hơi thở ra vào, hay chúng ta ghi nhận trạng thái tâm như thế nào, thì ngay trong lúc đó hành giả phải được khéo để nhìn thấy tâm sanh đó vốn Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Khi có chánh niệm với hơi thở ra, hơi thở vào biết rõ đó là chánh niệm, và chánh định nhưng phải có trí tuệ để nhận thức được tánh chất sanh và diệt của tâm, và sanh diệt của hơi thở.
Chính hai yếu tố này tức là tu trí tâm và tu trí tuệ, hai yếu tố đó là ý và khẩu. Khi ý được thanh tịnh, tức nội tâm được an tịnh, lúc bấy giờ thân nghiệp, khẩu nghiệp, khẩu hành, thân hành sẽ được an tịnh, bởi vì hành động của thân, sinh hoạt của lời nói, của khẩu tức là hành động và lời nói được tùy thuộc vào tâm, điều khiển tâm tạo ra, bởi thế cho nên tâm an tịnh thì thân khẩu cũng đươc an tịnh., chúng ta cũng cần phải hiểu chỗ đó.
Một điều chúng tôi cũng nên gợi ý cho các phật tử; chúng ta tu tập tam nghiệp, không dễ dàng để tu tập tam nghiệp, bởi vì phiền não mạnh hơn thiện pháp, phiền não mạnh hơn đức tin, phiền não mạnh hơn tinh tấn, phiền não mạnh hơn chánh niệm, phiền não mạnh hơn chánh định, phiền não mạnh hơn trí tuệ của kẻ phàm phu, bởi thế cho nên phải tu tập thường xuyên, chúng ta phải trao dồi về đức tin, trao dồi về sự tinh tấn và chúng ta phải trao dồi về trí tuệ, lâu ngày sẽ trở thành thuần thục, lúc bấy giờ phiền não bị bào mòn. Trong việc tu tập, nếu chúng ta tu tập về tam nghiệp, để cho tam nghiệp an tịnh, nắm tận gốc tức là chúng ta có những cử chỉ, chúng ta giữ cử chỉ lời nói cho được tốt đẹp, cho được trang nghiêm, như vậy cũng chưa phải là đạt đến mức độ an tịnh.
Trong đời sống hàng ngày của chúng ta có quá nhiều phiền lụy, tự nhiên tâm của chúng ta không được an tịnh, chính vì tâm không được an tịnh, do đó về cử chỉ hành động luôn cả lời nói cũng vẫn không được an tịnh. Người Phật tử chúng ta đừng nghĩ rằng khi chúng ta tu tập , chúng ta quá quan tâm đến cử chỉ lời nói của mình, như vậy là một sự câu nệ. Nhưng không. Ở đây chúng ta cần phải hiểu rằng thế nào là sự câu nệ về những cử chỉ nhỏ nhặt, tức là điều quan trọng thấy là quan trọng và những điều không quan trọng lại thấy là quan trọng. Chính vì chấp một cách sai lạc như vậy, cho nên khi một người mà khép nép về cử chỉ nhỏ nhặt của mình hay của người khác, rồi cố gắng để sửa chữa thì đó mới gọi là sự câu nệ, còn ở đây khi chúng ta có những cử chỉ những lời nói , chúng ta hãy thực hành theo điều Đức Phật đã ban hành giáo giới trong Trung Bộ kinh, khi chúng ta có sự xem xét, chúng ta quan tâm như vậy, thời hành động nào mình làm thì hành động đó sẽ tốt đẹp, lời nói nào mình nói lời nói đó sẽ tốt đẹp.
Có những người trong cử chỉ, trong uy nghi họ đi đứng không khoan thai, cử chỉ không tế nhị, nhưng họ vì không ý thức được, không nhận thức được, không quan tâm, do vậy họ chỉ làm chướng mắt người khác mà thôi. Những người nào không chịu quan tâm về lời nói của chính bản thân họ, lúc bấy giờ khi họ nói ra, họ không nhận thức được lời nói đó có tác dụng hay không tác dụng, lời nói đó hữu ích hay vô ích, lời nói đó sẽ được người khác nghe dễ chịu hay cảm thấy khó chịu, vì vậy người này dễ mắc phải những lỗi lầm, những khuyết điểm. Cho nên ở đây trong sự quan tâm về những cử chỉ nhỏ nhặt, đó là một điều cũng rất cần thiết trong việc tu tập của chúng ta.
Tuy nhiên như chúng tôi đã nói, đối với những gì quan trọng chúng ta nên thấy là quan trọng, còn những gì không quan trọng thì chúng ta đừng có thấy là quan trọng. Như vậy chắc chắn chúng ta sẽ có được một thân hành, khẩu hành an tịnh.
Chúng tôi cũng xin được gợi ý thêm cho các Phật tử chúng ta về sự tu tập ý nghiệp thanh tịnh, ý nghiệp an tịnh.
Ở đây, chúng ta có 5 loại triền cái, tức là phiền não tham dục, phiền não sân hận và phiền não hôn trầm thụy miên, tức là buồn ngủ uể oải, phiền não ray rứt hối hận, như phóng tâm, và cuối cùng phiền não hoài nghi đó hằng chi phối và làm cho tâm này bị trở ngại trong việc chúng ta tu trí để đạt đến thiền định cho tâm được an tịnh. Cho nên trước nhất khi người Phật tử chúng ta tu tập về tâm an tịnh, chúng ta cần phải lưu ý đến 5 thứ phiền não đó, lúc nào tâm của chúng ta thiên nặng về dục tham ham muốn trong cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh hương, cảnh vị, cảnh xúc lúc đó chúng ta phải tìm cách loại trừ tư tưởng đó đi.
Khi nào tâm của mình gặp cảnh bất bình, chúng ta lại khởi lên tâm bực phiền như vậy chúng ta đã bị thua, đã bị thất bại bởi vì tâm chúng ta không được an tịnh. Khi tâm còn bị quấy nhiễu bởi sân hận, khi nào tâm của chúng ta trở lên lười biếng dã dượi thì lúc bấy giờ chúng ta cần phải ý thức đó là một chướng ngại phiền não, chúng ta cần phải loại trừ đi. Khi nào tâm của mình bay nhảy, phóng túng hay có sự hối tiếc về quá khứ, trong trường hợp đó chúng ta cũng phải nhận thức rõ ràng và chúng ta dừng lại ở đây. Khi chúng ta tu tập, nếu chúng ta biết giữ được trạng thái tâm an tịnh bằng cách chúng ta dùng thiền chỉ và thiền quán, hay tu trí và tu tuệ, để chúng ta khắc phục làm cho tâm được an tịnh, lúc bấy giờ thân sẽ được an tịnh và khẩu sẽ được an tịnh.
Đức Phật Ngài đã dạy vị Tỳ kheo cần phải bỏ tục niệm, danh từ được gọi là tục niệm, là nói chung tất cả những gì thuộc về xu hướng theo thế gian, xu hướng bận rộn bởi các công việc như người đời,hoặc bận rộn bởi những cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị ,cảnh xúc, cảnh sắc, cảnh pháp, như vậy cũng được gọi là một sự bận rộn thế tục, hay một tục niệm. Khi chúng ta còn quá bị chi phối bởi tục niệm như vậy chúng ta chưa có được trạng thái tâm an tịnh.
Ở đây, một điều nữa ngoài vấn đề thân an tịnh, khẩu an tịnh, và tâm thiền tư an tịnh, ngoài việc đó ra chúng ta còn một điều nữa, mà điều này nói riêng về một vị Tỳ kheo, nhưng chúng ta cũng có thể nói chung cho tất cả những vị hành giả, dầu cho vị hành giả đó là cư sĩ. Điều đó là trong lúc chúng ta tu tập, chúng ta cũng phải chú ý: Chúng ta nên biết tại sao ở trong các trường thiền, những trường thiền bên Miến Điện chẳng hạn, hay những thiền viện chuyên chú về pháp hành, người ta dặn dò các vị hành giả hãy bới đi sự nói chuyện, sự hỏi thăm, hãy bớt đi sự viết thư từ, hãy bới đi những công việc làm, như giặt giũ tắm rửa hoặc xây dựng phòng ốc v.v… tại sao phải bới đi, bởi tất cả những việc làm đó đều là thế tục, đều là tục niệm và khi vị hành giả bị chi phối như vậy, vị hành giả không thể có tâm an lạc.
Nói đến điều này chúng ta cũng rất thông cảm cho các vị xuất gia làm trụ trì, bản thân chúng tôi không phải là một vị trụ trì, nhưng vai trò của chúng tôi cũng giống như một vị trụ trì, chúng tôi toàn quyền để sắp đặt công việc tổ chức trong chùa, sinh hoạt lễ hội, hay đưa chương trình giảng dạy, hoặc chúng tôi đề xướng những công trình xây dựng ở trong chùa, phải sửa chữa chỗ này, xây cất chỗ kia v.v… phải thú thật rằng, những lúc đó của chúng tôi bị tục niệm chi phối rất nhiều, những lúc như vậy phải nói tâm bị chao động, và không gắn liền với đời sống giao động. Mặc dầu nói đến đâu thì biết đến đó, đang tình cờ như thế này, người ta mời đi thuyết pháp, một vị Pháp Sư hiểu pháp thì có thể nói được, nhưng trong việc tu tập để giữ được sự an tịnh, phải nói trong thời gian bị tục niệm như vậy, thế tục như vậy, trong thời gian đó khó có được tâm an tịnh, vì bị chi phối nhiều.
Khi chúng ta mất đi sự an tịnh, nó có hậu quả như thế nào, chúng ta có cần thiết chăng trong sự an tịnh nhất là đối với người cư sĩ, bởi vì người cư sĩ nghĩ rằng bậc xuất gia cần nên tu tập về tam nghiệp an tịnh, nhưng đối với người tại gia cư sĩ có quá nhiều tục sự, có quá nhiều công việc cần phải làm, có cần thiết chăng phải như một vị xuất gia, giữ được thân khẩu ý an tịnh, có cần thiết không. Ở đây, chúng tôi nói rằng rất cần thiết, bởi vì dầu muốn hay dầu không, khi chúng ta bị chi phối bởi những công việc, tâm chúng ta không được an tịnh, lúc bấy giờ chúng ta mất đi sự an vui, sự an vui đó xuất phát từ ở tâm này, chớ không ở đâu cả.
Chúng ta đừng nghĩ rằng hạnh phúc nó tùy vào ngoại cảnh. Đồng ý nó cũng tùy thuộc vào ngoại cảnh phát sanh lên sự an vui hạnh phúc, nhưng trước nhất căn bản phải là nội tâm, hễ nội tâm này được an tịnh thì tự nhiên thân an tịnh, và khẩu an tịnh, như vậy sẽ phát sanh hạnh phúc. Bây giờ tự chúng ta mỗi người phải là vị Thầy thuốc của chính mình, là vị bác sĩ của chính mình, để điều trị các căn bịnh của chúng ta. Chúng ta trông cậy vào người khác làm cho mình được an tịnh, không bị phiền toái thì điều đó không thể được, chúng ta trông cậy vào người khác sẽ làm cho mình được hạnh phúc, được yên vui, điều đó không thể có được, trong khi nột tâm vẫn còn trộn rộn bất an, thử hỏi làm sao chúng ta có được sự an vui, có được hạnh phúc.
Bây giờ ở trên thế giới có phát sanh những chứng bịnh hết sức kỳ lạ, trong số những chứng bịnh kỳ lạ đó, có những bịnh gọi là bịnh trầm uất, do sự căng thẳng, suy nghĩ nhiều, suy tư nhiều, bị phóng dật nhiều, chúng ta gọi là bịnh stress. Chính bịnh này đã làm cho nhân loại mất đi cuộc sống an lạc. Cá nhân của chúng ta, khi chúng ta bị như thế đó, phải nói là đời sống của chúng ta luôn luôn lúc nào cũng có cảm giác giống như chúng ta sống ở trong một căn phòng oi bức, hay chúng ta ở gần bếp lò, bây giờ chúng ta phải tự cứu lấy mình, làm như thế nào để cho tâm được an tịnh, để cho thân khẩu được an tịnh, như vậy chúng ta mới được an vui hạnh phúc.
Cho nên tùy, nếu chúng ta tự cảm thấy rằng những gì trong cuộc sống này, chúng ta sinh hoạt quá nhiều để cho tâm của chúng ta bị giao động, mất sự an lạc yên tịnh, thì tự chúng ta phải cứu lấy, tự chúng ta cũng hãy làm như là một con voi Dhammapala, một khi con voi này nó đã tự rút ra khỏi vũng bùn thì nó sẽ tiến về phía trước, và khi con voi này bị sa lầy thì không ai có thể giúp được nó, ngoại trừ bản thân của nó và tâm ý của nó mà thôi, người ta chỉ gợi ý bằng cách đánh trống trận ở xa, dựng cờ phướng để khiêu khích nó, nhưng tự nó phải dùng hết sức lực rút chân khỏi chỗ bùn lầy như thế nào. Thi` chúng ta cũng vậy, tất cả sự khổ đau phiền lụy của cuộc đời cũng giống như những đám bùn lầy, và tự chúng ta phải rút chân ra khỏi đám bùn lầy đó, chứ còn nếu chúng ta trông cậy vào người khác, chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ rút chân ra khỏi đám bùn lầy đau khổ này, người khác họ còn bị chi phối chính bản thân họ, có đâu họ có thể lo cho mình được. Cho nên người Phật tử tu tập lúc nào chúng ta cũng phải chú ý, để chúng ta có thể tự quyết định vận mạng của chính mình./.
No comments:
Post a Comment