Saturday, June 7, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Ba nghiệp lành trong đời sống hàng ngày

Hỏi: Ba nghiệp lành trong đời sống hàng ngày.

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Ba nghiệp lành này không xa lạ gì với chúng ta trong đời sống hàng ngày: 

1. - Một người có thể nói thật ở trong hoàn cảnh rất khó nói và chỉ nói thật thôi.
2. - Hai, người có thể sống bằng hạnh nhẫn nại, nhẫn nại ở đây không phải là dời non lấp biển, nhẫn nại ở đây là thay vì việc đó chúng ta phẫn nộ, nhưng chúng ta dằn lòng và cố gắng làm tròn bổn phận của mình. 
3.- Và việc thứ ba, chúng ta thấy một người có thể bố thí, có thể cho,có thể ban tặng, dù sự ban tặng đó rất nhỏ nhoi trong sự khả năng nghèo khó của mình. 

Nhưng cả ba điều đó là điều có kết quả rất to lớn, kết quả to lớn này không phải là sự khen thưởng của Ðức Phật, kết quả to lớn không phải tại vì Ðức Phật cố ý khuyến khích chúng ta, mà kết quả to lớn này là kết quả tự nhiên của nghiệp.

 Và qua sự so sánh của Ðức Phật thì chúng ta học được bài học rất thú vị, bài học đó là thiện pháp, là những điều tốt lành có thể thể hiện trong đời sống này. Nó không phải mang một nhãn hiệu của tôn giáo hay, hoặc giả sự cổ võ rầm rộ nào mà nó có thể đến từ một trạng thái, trạng thái đó rất riêng tư. Và thậm trí có đôi khi tự mình mới hiểu được chính mình, không ai có thể hiểu được chuyện đó.

 Nhưng lại có một phần thưởng rất lớn và chính về điểm này một người Phật tử tin vào lý nhân quả nghiệp báo, một người Phật tử tin ở lời dạy của Ðức Phật, chúng ta không thể có một nhận định hời hợt về những gì được tìm thấy ở trong đạo tâm, ở trong thiện trí, mà chúng ta có thể tìm thấy ở những người chung quanh mình, hay hoặc giả ở chính mình. 

Không có thời đại nào mà chúng ta bị ảnh hưởng đến sự quảng cáo như là thời đại này, và khi nói đến quảng cáo người ta thường bị chi phối thường bị lôi cuốn bởi những khuôn mặt lớn, bởi những con người nổi danh, trong lúc đó thì càng ngày người ta càng bị cuốn hút vào cái gì màu mè, cái gì hoa mỹ, cái gì khua chuông đánh trống. Ngược lại, văn hóa của Ðạo Phật không nói đến quảng cáo rầm rộ như vậy, và văn hóa này cho chúng ta thấy được rằng chúng ta trong cuộc sống hàng ngày có thể hiện được rất nhiều thiện sự, và những thiện sự này có kết quả lớn nhưng nó lại là những thiện sự hết sức âm thầm, âm thầm đến đỗi chúng ta không thể được cảm nhận được những người ở chung quanh mình.

Thì chữ gọi là "Thiện trí" nó không phải là danh từ chuyên môn của Phật học. Theo Phật Pháp thì chúng ta gọi là "Đạo tâm", hay "Tâm trong sạch" hay là "Tâm thiện". Nhưng chữ thiện trí lại rất hay, chúng có thể dùng tại đây, giả sử như hoàn cảnh đó rất khó làm nhưng một người rất cố gắng và thái độ cố gắng đó thì chúng ta ghi nhận đó là một thiện trí .

Trong một lần Tôn Giả Mục Kiền Liên đi một chuyến du hoá lên các cõi trời, những cõi chúng ta gọi là Thiên giới, thiên đàng, nơi đó chúng sanh sống rất nhiều hạnh phúc, rất là nhiều phúc lạc và có lẽ là vì lợi ích của muôn loài chúng sanh, Tôn Giả đã hỏi vị thiên đó là do phúc nghiệp nào những vị Thiên này đã sanh vào cảnh giới mà họ đang thọ hưởng phúc quả. Một điều những vị Thiên này trả lời có lẽ sẽ làm cho tất cả chúng ta ngạc nhiên:  Có người họ sanh thiên là bởi vì họ nói thật, ở trong đời sống chỉ biết nói thật thôi, không biết nói đãi bôi, không biết nói dối, không biết nói hoa ngữ. 

Chúng tôi có gặp nhiều người ở trong cuộc đời này, có những con người họ sanh ra họ không quen nói dối, trong trường hợp nào mà họ nói sự thật mà nó tạo ra sự phiền phức thì họ cảm thấy hết sức là khó khăn, tuy nhiên họ vẫn phải rằng nói thật dù họ phải trả giá như vậy. 

Chúng ta thường hay cổ võ về tu nên ráng niệm Phật, chúng ta cổ võ tu phải ráng làm thiện, nhưng sự cổ võ đó có đôi lúc chúng ta quên đi những thiện pháp trong đời sống, khi làm nó không phải đơn giản mà chúng ta phải bỏ ra rất nhiều thiện trí, như trường hợp này nói về sự thật, can đảm lên mà nói đó là một thiện trí rất lớn.

Và một người khác trả lời rằng : trong tiền kiếp trong lúc làm công cho ông chủ và bị ông chủ nặng nhẹ, cho dù ông chủ nặng nhẹ nhưng không đem lòng oán trách nghĩ rằng mình là người làm công và người ta làm chủ thì nếu mình làm việc không hài lòng thì người ta có thể phật ý, và giữ tâm rất bình thản không có tâm oán giận với người chủ của của mình. Thì đó cũng là phước sanh thiên. 

 Có thể một người khổ đến gặp chúng ta, chúng ta không làm nhiều được cho người đó, nhưng  chúng ta có thể chia sẻ cái gì mình chia sẻ được, kể cả một ít cơm bánh mình đang có mà mình chia sẻ được, cái đó là một thiện trí rất lớn.

Một vài người khác cũng làm chúng ta ngạc nhiên không ít, là họ nói về sự bố thí nhỏ nhoi của họ, bởi vì quá nghèo, bởi vì quá ít tài sản, cái gì họ cho rất nhỏ so với những người khác nhưng có thể lớn lắm so với họ, nhưng tất cả những trường hợp này đều nói nên tâm tư thiện trí.

 Có thể nói rằng tất cả những nơi chúng ta đi qua thì ít nhiều gì chúng ta cũng cảm nhận được cái đẹp ở nơi đó, có những người chúng ta giao tiếp, những người đó có thể thích hay không thích đối với chúng ta, và chúng ta cũng bắt gặp được ít nhiều thiện trí của những người đó, nếu chúng ta không thấy, hoặc không chịu thấy, hoặc không muốn thấy là bởi vì chúng ta quá nặng thành kiến hoặc giả là chúng ta không học được như Ðức Phật, chúng ta không thấy được như Ðức Phật là tìm thấy cái đẹp giữa cuộc đời này.

Do vậy, là người con của Ðức Phật, Ðức Phật là vị Ðạo Sư mà chúng ta trọn tin ở Ngài, thì chúng ta chỉ mong là:
- Xin cho những sự thật được nói ,và nói cho dù ở trong đó có sự hy sinh, có sự cố gắng cũng nói.
- Xin cho chúng ta ở trong cuộc sống hàng ngày có đủ sự kham nhẫn đối với nhau, đối với cái vui cái buồn, cái được và cái không được, cái hài lòng hay nghịch ý, chúng ta vẫn có thể kham nhẫn với nhau được.
- Và sau cùng có những thứ chia sẻ mà không cần chúng ta là triệu phú, không cần chúng ta phải trúng số độc đắc, không phải chúng ta giàu có mới chia sẻ được, chúng ta có rất nhiều thứ để có thể chia sẻ được với nhau. 

Nên chi, chúng ta thấy rằng việc thiện, việc lành là thiện trí có thể thể hiện ở trong rất nhiều hoàn cảnh và cuộc sống này là cả một cơ hội lớn, cả một vùng đất bình nguyên màu mỡ, và trong sự màu mỡ đó mỗi người có thể gieo trồng thiện nghiệp của mình. 


No comments:

Post a Comment