Wednesday, June 4, 2014

Chuyện Xưa Tích Cũ - TÍCH CÂY NHƠN SÂM


TÍCH CÂY NHƠN SÂM

Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Theo Đông Y, nhơn sâm là vị thuốc bổ khỏe rất quý. Nhơn sâm là một loại củ nhỏ, có bốn cái rễ giống như hai tay, hai chân của con người. Thuở xưa ai uống nhơn sâm thì được trường sanh bất tử. Nhưng ngày nay nhơn sâm không còn linh nghiệm bằng hồi trước. Đó cũng bởi loài người nóng nảy, tham lam mà ra. 

Ở ven rừng, có vợ chồng anh tiều phu nọ quá nghèo nàn. Mỗi buổi sáng khi đi hái củi, hai vợ chồng để đứa con nhỏ tuổi ở nhà với một chén cơm nhỏ xíu. Ngày qua tháng lại, đứa bé trở nên mập mạp, hồng hào. Vợ chồng anh tiều phu lấy làm ngạc nhiên: -Con của mình ăn cực khổ, thiếu thốn mà sao lại mạnh khỏe không kém con nhà khá giả? 

Làm sao hỏi được nguồn cơn? Đứa bé quá nhỏ nên chưa biết nói chuyện. Phải chờ vài năm sau mới nghe nó trả lời bập bẹ rằng: -Ba má à, con không ăn cơm. 

Vợ chồng lấy làm lạ: -Sao vậy? 

Đứa bé nói: -Khỉ ở trong vườn chạy ra ăn cơm hết, con giành không lại … 

-Nhưng mà tại sao con không đói bụng, cứ mập mạp hoài? 

Đứa bé thuật lại rằng hằng ngày có một đứa bé khác ở trong rừng chạy ra làm quen. Hai đứa giỡn với nhau. 

Vợ chồng anh tiều phu suy nghĩ: “Ở trong rừng này không có nhà của một ai, tại sao có con nít tới chơi. Phải rồi, chắc là … con nhơn sâm mà mình thường nghe nói. Nhờ hít hơi con nhơn sâm nên đứa con mình không ăn cơm vẫn khỏe.” 

Hôm sau, bán củi được bao nhiêu tiền, vợ chồng anh tiều phu đem mua một cuồn chỉ thật lớn. Về nhà, vợ chồng căn dặn đứa con: -Trong lúc ba đi vắng, hễ thằng nhỏ đó lại đây chơi thì con buộc đầu sợi chỉ này vô chân nó, nghe chưa. 

Đến trưa, vợ chồng trở về hết sức vui mừng, thấy đứa con mình làm đúng lời dặn. Vợ chồng bèn phăng theo sợi chỉ, đi len lỏi vào rừng mà tìm dứa nhỏ kia. Đến chỗ nọ, vợ chồng thấy sợi chỉ bị chôn dưới đất. Họ lấy cuốc đào lên, tìm đứa nhỏ tức là con nhơn sâm. Vì họ tham nên trì níu quá mạnh tay khiến nhơn sâm phải chết. 

Từ đó về sau, nhơn sâm bớt linh nghiệm. Củ của nó ngày một nhỏ xíu, lụn vụn, uống vô thì bổ khỏe chớ không giúp loại người được bất tử trường sanh.

No comments:

Post a Comment