Hỏi: Đối với ví dụ "cây sen" chúng ta học được những gì trong đời sống?
(Thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, ngày 11-1-2014, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Cuộc sống ở chung quanh luôn luôn dạy cho chúng ta rất nhiều bài học, và từ bài học đó nó như là một chất xúc tác để khơi dạy tuệ giác tức là trí tuệ nhận thức giác ngộ của chúng ta.
Chịu khó nhìn, biết nhìn, và nhìn với một thái độ tích cực, đó là những lợi điểm của một hành giả tu tập. Dĩ nhiên, đối với thiên nhiên ở bên ngoài từ con ếch, con nhái, con nhền nhện, cây sen, giây bầu, những thứ đó nhiều khi quen thuộc và nhiều khi xa lạ, có khi chúng ta hiểu được và có khi chúng ta không hiểu được. Một người Phật tử quen nói rằng ở nhà của bà ngoại có trồng bầu nhưng chưa bao giờ biết rằng có một vài loại giây leo phải có sợi giây bám vào ở trên giàn như vậy, tưởng rằng nó mọc lên thì tự nó bám vào cái giàn mà thôi.
Võ Phiến là một nhà văn, khi ông nói về những đặc tính của một nhà văn có tài thì ông nói rằng: "Cái óc quan sát, quan sát một cách tinh tế là một ở trong những lợi điểm mà một nhà văn có tài phải có".
Và cụ Hiến Lê, một học giả khác cũng đã ghi nhận rằng: "quan sát tinh tế đó là cái gì khiến cho người ta có cảm nhận xâu sắc về cuộc sống".
Từ đó, cho chúng ta hiểu rằng tại sao một người tu tập nên biết quan sát, quan sát một cách bén nhạy một cách tinh tế đối với thân và tâm của mình. Cho đến bây giờ ngay trong thời đại ngày hôm nay người Tây Phương bắt đầu học và họ biết về phương pháp Tứ Niệm Xứ thì họ cảm thấy rất phấn khởi, họ đã áp dụng thiền Tứ Niệm Xứ trong hơn 200 clinic (bệnh xá) tại Hoa Kỳ và đang mọc đó đây những trung tâm Vipassana hay còn gọi là Mindfulness Center.
Thì khi nói đến thiền Tứ Niệm Xứ, nói đến khả năng quan sát thân tâm của mình, phải nhận rằng đa số chúng ta rất chủ quan, mình nghĩ rằng mình biết, biết về mình, biết về chuyện ở trong nhà. Nhưng nếu mình biết về chuyện của mình thì người ta đã không có câu: "chuyện người thì sáng mà chuyện mình thì quáng". Chúng ta dễ dàng để phân tích để nhận định về tình hình thế giới, về chuyện của người này người kia, và nhiều khi cách nói của chúng ta có vẻ là chúng ta biết nhiều lắm.
Hồi xưa, chúng tôi rất là qúi một số các cây viết mà gọi là cây viết Phật tử, khi họ có những phản biện đối với ngoại đạo, thì khi họ viết chúng tôi cảm thấy rất thích và nghĩ rằng những người đó có tài.
Nhưng mà rồi thời gian trôi qua, sau một thời gian những người này có những bất đồng với những người khác ở trong Phật Pháp, và khi viết thì họ viết một cách rất hồ đồ, một cách rất là áp đặt, một cách rất là vu vạ.
Thì lúc đó chúng tôi mới nhận ra rằng những cây bút mà họ viết sắc bén chưa chắc họ đã có sự quan sát một cách chính xác, khó lắm chứ không phải dễ . Con người của chúng ta mà thấy sự việc có chính xác, nhận ra sự việc một cách rõ ràng và đồng thời giữ thái độ khách quan, giữ thái độ công tâm với sự việc, nó khó vô cùng.
Có những người viết văn hay lý luận giỏi nhưng họ rất là chủ quan, chẳng những họ rất chủ quan mà họ còn thiếu đức tính tôn trọng sự thật.
Riêng đối với bản thân của hành giả, khi tu tập khi mình sống với chính mình, cái khả năng mình đến với sự thật bao nhiêu tùy thuộc vào tinh thần khách quan của mình hoàn toàn. Và ở đó chủ quan hay khách quan, chính xác hay sai lệch, mình phải nhận tất cả các hệ quả liên quan đến tất cả thái độ sống của mình.
Đức Phật dạy cho chúng ta một điều, Ngài khuyên chúng ta nên tỉnh táo, nên khách quan và nên tôn trọng sự thật, đây là địa đại, đây là phong đại, đây là hoả đại, đây là thủy đại, đây là hơi thở vô, đây là hơi thở ra, đi, đứng, nằm, ngồi, đây là khổ, lạc, ưu, hỉ, xả, đây là tâm thiện, đây là tâm bất thiện. Nói cho cùng thì mình sống với chính mình, mình không thể gạt ai được. Và điều tệ hại nhất của cuộc sống là sự gạt lấy chính mình. Mình có dám nhìn xem mặt mũi nó hay không, khi nó là vô thường mình có dám nhận nó là vô thường, khi nó không toại nguyện mình có dám nhận bản chất của nó không toại nguyện, khi nó không phải là của mình mình có can đảm nhận là cái đó không phải là của mình hay không.
Thì những sự thấy biết hiểu xác chứng một cách chung thực như vậy nó không phải là chuyện dễ.
Ở đây, trong bài kinh này có nhiều cách ứng dụng nhưng chúng tôi muốn đem một phương diện ứng dụng đối với một hành giả tu tập đặc biệt là hành giả tu tập thiền quán áp dụng ba phương pháp:
- Thứ nhất, trong kinh nói đến hình ảnh của sen sống trong nước nhưng vẫn giữ được mùi tinh khiết không bị pha lẫn mùi bùn. Một hành giả tu tập thiền quán phải có khả năng sống với phiền não nhưng nhờ vào chánh niệm thấy phiền não là phiền não. nhờ có chánh niệm nhận được đây là phiền não đang sanh, phiền não sẽ diệt, phiền não đã diệt. Biết như vậy, chứ không nhập cuộc không chạy theo phiền não. Khả năng không chạy theo phiền não là một khả năng độc đáo nhất của người tu tập. Mình đang ngồi bỗng nhiên mình nghĩ tại sao mình không xuống bếp làm công quả, xuống bếp phụ một tay, thì một người ngồi thiền phải nhận ra rằng giờ này không phải là giờ công quả, giờ này ngồi thiền, và tiếp tục ngồi thiền đưa mình trở lại trạng thái ngồi thiền, không có để ý những ý muốn này ý muốn khác chi phối. Điều đó chúng ta gọi là sự vô nhiễm.
- Thứ hai, khả năng vượt lên trên là khả năng không dằng co, không đôi co với phiền não, hành giả phải có khả năng đứng ở vị thế khách quan để nhìn vấn đề. Chúng ta gọi là khả năng vượt lên trên. Đức Phật dạy rằng khi tâm thiện biết là tâm thiện, tâm bất thiện biết là tâm bất thiện, tâm định biết là tâm định tâm, tâm không định biết tâm không có định, tâm hướng thượng biết là tâm hướng thượng, tâm thấp hèn biết là tâm thấp hèn. Đó gọi là chúng ta vượt lên trên. Vượt lên trên ở đây có nghĩa là mình phải đứng lên trên mình nhìn. Trong kinh có một từ gọi là "leo lầu cao trí tuệ" nghĩa là mình đi trên núi đi lên lầu cao mình nhìn xuống, mình phải nhìn một cách toàn diện, cái tầm nhìn ở trên cao. Thì ở đây giống như lá sen vượt lên trên mặt nước, hành giả phải nâng tầm nhìn của mình lên, nhìn ở trên trong cái thế thấy từ trên cao nhìn xuống. Chứ không phải mình ở trong bùn rồi mình cứ lội ở trong bùn, mình nói là mình nhìn thấy chứ thật ra mình không nhìn thấy, thành ra ở đây gợi ý về Chánh Niệm rất là quan trọng.
- Thứ ba, rất là quan trọng khi chúng ta nói vị thế của hành giả tu tập chánh niệm là thấy được nguy hiểm ở trong những lỗi nhỏ nhặt. Nguy hiểm ở trong lỗi nhỏ nhặt ở đây là giả sử như vị hành giả đang tu tập tự nhiên mình nghĩ rằng lấy điện thoại ra gọi điện thoại thăm người ta một tiếng, thì thăm rồi cũng nói chuyện này chuyện kia thì những lúc đó mình nghĩ rằng chuyện gọi một cú điện thoại thăm người bạn trong lúc mình tu thiền thì đâu có gì đâu, nhưng mà kỳ thực những cái đó nó mở ngỏ ra cho tâm chánh niệm của mình bị sao lãng. Ban đầu nó bị sao lãng rồi sau đó bị chi phối và dần dà là chúng ta mất đi căn bản.
Hồi chúng tôi còn nhỏ chúng tôi và cùng với TT Tuệ Siêu có khi đi tát ao, đi tát ao mình phải đắp bờ đê và thình thoảng ở trong các bờ đê có lỗ mội. Lỗ mội là lỗ nhỏ nước tràn vào nhưng mình thấy lỗ mội đó mình phải lắp bên ngoài lại nếu mình không lắp bên ngoài thì lỗ mội nó soi từ từ sẽ vỡ đê, tất cả những người nào tát ao tát ruộng đều biết những cái lỗ mội nhỏ nó có thể làm từ từ lớn ra và khi lớn lên nó sẽ làm vỡ đê. Thì Đức Phật gọi là một người tu tập là người phải cẩn thận với điều đó, nó giống như qúi vị thấy ngày nay người ta làm việc trong phòng lab (phòng thí nghiệm) họ sợ nhất là sự ô nhiễm, một chút sự ô nhiễm cũng làm thay đổi sự việc nhiều lắm, thành ra họ phải mặc đồ sạch sẽ họ phải giữ sạch. Thì người tu tập chánh niệm cũng phải thấy rằng có những cái rất là nhỏ nhưng nó lại là sự đe doạ lớn đối với mình.
Thì nói tóm lại, trong thí dụ về sen có thể áp dụng với nhiều cách nhưng riêng với hành giả tu tập, đặc biệt là hành giả tu tập Tứ Niệm Xứ thì đây là bài học lớn một bài học quan trọng và từ bài học đó cho chúng ta thấy rằng thiên nhiên là quyển sách mở rộng nếu chúng ta khéo nhìn quan sát một cách tinh tế và biết học những bài học qúi từ thiên nhiên thì cuộc sống sẽ là một thư viện khổng lồ cuộc sống dạy cho chúng ta nhiều điều lợi lạc.
No comments:
Post a Comment