Đời vua Hùng Vương thứ ba, nước ta sống trong cảnh thái bình, an lạc. Vua Tàu bấy giờ là Ân Vương tìm cách gây sự để kéo quân sang xâm chiếm nước ta. Vua Hùng Vương bèn triệu quần thần, bàn kế hoạch ứng phó. Một đạo sĩ bàn với vua: -Nên cầu Long Quân (Rồng thần) thử xem sao. Vua đồng ý, đắp đàn, đốt hương cầu tế suốt ba ngày, bỗng sấm sét nổi dậy. Ngoài ngã ba đường xuất hiện một ông lão hình dáng phi thường cao hơn sáu thước, bụng lớn, râu tóc bạc phơ. Vua biết điềm trời xui khiến nên đích thân ra đường mời ông lão vào hoàng thành, ông lão chẳng ăn uống, nói năng gì cả. Vua nài nỉ: -Nay vua nhà Ân sắp xua quân đánh nước ta, nếu có mưu kế chi, xin ông dạy bảo. Ông lão xủ quẻ rồi nói: -Ba năm nữa, giặc Ân mới tràn qua. Bây giờ vua hãy truyền lệnh cho quân sĩ luyện tập siêng năng. Mặt khác, vua phải cầu hiền, ai dẹp được giặc thì phong cho tước ấp … Nói dứt lời, ông lão nọ bay bổng lên không trung biết mất. Vua hiểu đó là Long Quân. Đúng như lời tiên tri, ba năm sau giặc Ân từ bên Tàu kéo sang. Vua sai sứ giả đi khắp chốn tìm nhân tài. Đến làng Phù Đổng, sứ giả hay tin trong làng có ông phú hộ, tuổi hơn sáu mươi mới sinh được đứa con trai ba tuổi. Tính tình của đứa bé khác hơn thiên hạ, nó không biết nói, cứ nằm ngửa suốt ngày. Hay tin vua chiêu hiền, người cha bèn nói đùa với con: -Sinh thằng bé này thật vô dụng, phải cho nó biết đánh giặc cứu nước. Bỗng nhiên đứa bé ngồi dậy, khai khẩu: -Hãy mời sứ giả vào đây, con sẽ liệu. Sứ giả gặp đứa bé, ông ta chưa tin tưởng nơi năng lực của nó: -Mày đừng nói đùa. Đánh giặc là việc hệ trọng. Đứa bé nói nhanh: -Sứ giả hãy tâu lại với nhà vua: hãy đúc cho ta một con ngựa sắt cao mười tám thước, một thanh gươm sắt dài bảy thước, một cái nón thật dày … Ta sẽ phá giặc Ân tan tành. Hay tin ấy, vua sực nhớ đến điềm của Long Vương năm trước, truyền lệnh rèn đúc những khí giới mà đứa bé quái dị nọ đòi hỏi. Sau khi nhận thanh gươm, con ngựa và cái nón, đứa bé nói với mẹ: -Bữa nay mẹ nấu cơm thật nhiều để con ăn no, trước khi ra trận, gần đến ngày rồi. Từ đấy, đứa bé lớn lên như thổi, hàng xóm phải đem trâu bò đến góp phần ăn cho đứa bé. Tuy nhiên đứa bé vẫn than rằng còn đói. Về quần áo, làng xóm phải chạy vạy mua sắm cho nó, sau rốt phải kiếm bông lau, bông sậy về kết thêm để che thân mà nó vẫn cho rằng chưa đủ. Quân nhà Ân ỷ thế đông đảo, từ bên Tàu kéo sang đến Trấn Sơn. Đứa bé vung vai, duỗi chân đứng dậy, mình cao mười trượng. Sau khi nhảy mũi hơn mười tiếng, đứa bé vung gươm hét to: -Ta là thiên tướng đây! Rồi cỡi ngựa sắt, đội nón sắt, xua quân đến dàn trận, ứng chiến với quân Tàu. Giặc nhà Ân bị tan vỡ, lớp chết, lớp đầu hàng. Tục truyền rằng lúc ấy con ngựa sắt vừa sải, vừa phun lửa. Sau khi thắng trận, đứa bé cỡi ngựa bay về trời tại núi Sóc Sơn. Vua Hùng Vương nhớ ơn, tôn đứa bé làm Phù Đổng Thiên Vương, dạy dân làng Phù Đổng hằng năm phải tế lễ. Từ đó về sau, giặc Ân chẳng dám tràn qua nữa, dân chúng hưởng cảnh âu lạc thái bình suốt sáu trăm bốn mươi năm. Đời sau, có bài thơ ca tụng công đức Phù Đổng Thiên Vương: Vệ linh năm tháng đám mây nhàn, Muôn tía nghìn hồng chói thế gian. Ngựa sắt ở trời, danh ở sử, Uy linh lừng lẫy khắp giang san. Người đời nay suy theo tích xưa cho rằng Phù Đổng Thiên Vương là người Việt đầu tiên biết sáng chế lại thiết giáp. |
Monday, January 27, 2014
Chuyện Xưa Tích Cũ - Truyện Phù Đổng Thiên Vương
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment