Hỏi: Có phải mỗi việc làm trong cuộc sống này đều có nhân quả?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma - Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Khi nói đến nghiệp báo Đức Phật Ngài cho chúng ta biết rằng mỗi một việc làm ở trong cuộc sống này: việc làm của thân, hay lời nói của khẩu, hoặc suy tư của ý, nó để lại nhiều vết tích và những vết tích này chúng ta khó có thể nắm bắt được hết, khó có thể thấy rõ được. Tuy vậy trong một cái nhìn bằng trí tuệ cũng như trong cái nhìn bằng niềm tin vào nhân quả thì chúng ta cũng có thể thấy một phần, và chỉ một phần chúng ta thấy được thì cũng quá đủ để chúng ta tin vào lý nhân quả. Phải nói rằng có ít người trong cuộc đời này họ chuyên làm ác lại không thấy được quả báo nhãn tiền ít nhất là về phương diện tâm lý. Lịch sử của nhân loại dù rằng ở trong thời xưa hay ngày hôm nay, luôn luôn có những thí dụ rất cụ thể về điểm này.
Một người làm ác thì họ phải làm bằng một tâm bất thiện, chứ không thể nào một người làm việc ác mà với tâm bình thường được. Bản chất của tâm bất thiện Đức Phật gọi là những thứ phiền não nung nấu con người của chúng ta.
Trong quan niệm nhìn của cuộc sống có đôi lúc con người không để ý và nghĩ rằng tâm tư chúng ta lúc nào cũng giống nhau. Thật ra tâm tư không giống nhau. Nhiều khi chúng ta không ý thức nhiều về cơ thể, mình cứ nghĩ rằng thực phẩm nào được đưa vào trong cơ thể những thực phẩm đó không có gì khác biệt, nhất là khi chúng ta vừa mới lớn lên sống trong quốc gia thiếu thốn chẳng hạn, hễ có ăn là quí rồi, nên chi, dầu ăn ngọt, ăn mặn, đồ ăn ngon, ăn dở gì chúng ta thấy giống nhau. Nhưng một lúc khi bắt đầu cơ thể của chúng ta đã không còn có thời gian như vậy nữa, nó bắt đầu biết nhạy cảm với thực phẩm thì chúng ta sẽ thấy một sự phân biệt rất rõ. Có những thức ăn khi chúng ta đem vào cơ thể làm cho cơ thể khỏe hơn, có những thức ăn làm cho cơ thể không được thoải mái, và lúc đó chúng ta thấy rõ sự khác biệt lớn giữa các thức ăn trong đời sống.
Tâm tư con người cũng vậy, ở vào tuổi nào đó trong cuộc đời của chúng ta thì trạng thái của nội tâm không đáng để ý, chúng ta chỉ đuổi bắt theo những gì mà mình muốn thôi. Lấy ví dụ mình thích thì đi chùa, không thích thì thôi, mình thích thì đọc sách, bất cứ loại sách gì, dầu sách đó có tốt hay không tốt, dầu sách đó lành mạnh hay không lành mạnh mình cũng đọc. Nhưng đến một lúc chúng ta thật sự đáng ngại với đời sống nội tại, bấy giờ một điều dễ dàng nhận thấy là trạng thái của nội tâm đó có một ảnh hưởng to lớn, ảnh hưởng đó có thể nói rằng hết sức dễ dàng để thấy.
Ví dụ như người xưa họ có câu nói rằng "kẻ sĩ mà ba ngày không đọc sách, xem gương thấy mặt xấu xí." Nếu đời sống của chúng ta trong một tuần lễ hay mươi ngày mà không nghe pháp, không đọc kinh, không đọc sách, không có những cuộc luận đàm một cách thú vị, mà cuộc sống trôi qua một cách tẻ nhạt, hay trôi qua một cách vô vị, thì tâm tư của chúng ta bấy giờ nó khác hẳn đi. Phải tinh tế, phải biết lắng nghe nội tại, phải biết lắng nghe đời sống nội tâm thì mới thấy đời sống khác biệt như vậy. Con người của chúng ta lúc nào mà bận rộn nhiều quá, bận rộn với công việc, chúng ta không có giờ phút để phản tỉnh, không có giờ phút để có thể lắng đọng tâm tư lại, để suy niệm những điều cao quí, chất liệu tâm linh nó giảm thiểu đi, thì từ quan niệm này chúng ta có thể hiểu một cách rộng hơn là nó có những phiền não nội tại, mà phiền não nội tại thì nung nấu.
Con người phần đông ai cũng có trạng thái phiền não như tham, sân và si.
Tham là chúng ta ham muốn, chúng ta bị dính mắc, chúng ta cảm thấy rằng có một cái gì đó đặt biệt lôi cuốn mình và mình bị cột trói vào nó.
Sân là trạng thái bất bình, không thoải mái, bực dọc khó chịu trước điều trái ý nghịch lòng.
Và si được hiểu trạng thái mê mờ tán loạn phân vân v.v...
Những trạng thái đó làm cho tâm tư của chúng ta trở lên muội lượt, trở lên thiếu sự bén nhạy. Những trạng thái đó rất thường tìm thấy trong cuộc sống của mỗi chúng sinh ở đời này, bởi vì chúng ta đối diện với những hoàn cảnh chung quanh, có cái thuận, có cái nghịch, có cái được, có cái không được. Tuy nhiên những thứ này nếu chúng ta không để ý thì có thể cái đạt tới cực điểm, trong cái cực điểm đó có thể tạo ra một thứ, đó là nó có thể trở thành một cái gì đó gây ra bao nhiêu thương tổn cho người khác, và dĩ nhiên không có nghĩa là không gây thương tổn cho chính mình.
Phải nói rằng phiền não mà không để ý đến nó thì nó có thể phát ra trong nhiều cách. Một con người có tâm sân hay bất bình với hoàn cảnh, nó chỉ là một hiện tượng tâm lý bình thường, nhưng nếu không khéo để ý nó có thể đạt đến một mức độ tàn nhẫn và nó có thể đem lại bao nhiêu sự thương đau, bao nhiêu khổ lụy cho những người chung quanh. Và phiền não mà càng mạnh càng được thể hiện bao nhiêu qua thân qua khẩu thì có một lúc nó ghi lại hai thứ: một là nó để lại quả dị thục ví dụ như đời sau sanh ra, kiếp sanh thức của chúng ta là những quả của thiện và bất thiện mà chúng ta làm, và những nghiệp đó cũng để lại trong đời này bằng những dấu tích của tâm lý rất dễ hiểu.
Một quyển sách, một bản nhạc có những âm hưởng còn lại trong tâm tư của mình, những âm hưởng đó có thể là ảnh hưởng nhiều năm tháng. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể thấy được có những người một hành động họ làm ở một cực độ nào đó, nó có thể bám sát lấy họ trong năm dài tháng rộng sống đau khổ. Có nhiều người nghĩ rằng mình làm điều ác nhưng mình không thấy được đó là điều ác thì đâu có lý do gì phải hối hận, một người không hối hận như vậy thì họ có thể không đón nhận quả của nghiệp ác, nhưng mà thưa quí vị, khi làm việc bất thiện con người bị nhiều bất hạnh, một trong những bất hạnh lớn của con người khi làm việc bất thiện là họ không làm tăng trưởng được thiện pháp và có thể họ đào bứng tận gốc rễ của mình, những gốc rễ của thiện pháp.
Khi con người sống quá ác thường gây ra tổn thương cho chúng sanh khác, thì hạt giống thiện không thể trưởng dưỡng trong mảnh đất tâm linh của họ được, và như vậy nó để lại khoảng trống, cái gì là cái bù đắp vào khoảng trống đó, thì chắc chắn cái đó là cái không tốt.
Do vậy đối với cái nhìn của Đức Phật thì chuyện nhân quả là một chuyện rất rõ ràng, chúng ta không cần phải dùng tới Phật nhãn, chúng ta không phải dùng thiên nhãn thông, túc mạng thông để có thể ghi nhận hiện tượng nhân quả để cụ thể rõ ràng. Trái lại nếu chúng ta tinh tế một chút thì thấy rằng môi trường nào, điều kiện nào mà thiện pháp có thể phát triển được. Và môi trường nào, điều kiện nào thiện pháp không phát triển được. Môi trường nào điều kiện nào mà bất thiện pháp nó luôn luôn sanh xôi nẩy nở . Đều là khuynh hướng của chúng ta hết. Phải nói rằng ở trong cuộc sống ngày hôm nay nó đã có rất nhiều thứ mà con người không để ý thấy điểm này.
No comments:
Post a Comment