Hỏi : Lòng tin trong tôn giáo, đặc biệt là đạo Phật phải được xây dựng dựa trên cơ sở nào?
(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên )
TT Giác Đẳng: Để trả lời câu hỏi này chúng tôi xin lấy một đề tài pháp số trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật Ngài dậy rằng khuynh hướng hay sự thiên vị hoặc một sự ưa thích của chúng ta có thể rơi vào trong bốn lý do là vì thương, vì ghét, vì sợ và vì vô minh.
Vì thương: là chúng ta đến với một cơ sở tôn giáo, hay ngôi chùa hay nhà thờ bởi vì chúng ta thích thú với cách sinh hoạt nồng ấm trong đó hay ở đó có ai săn đón, chiều chuộng chúng ta nhiều, chúng ta đến vì thương.
Vì ghét: bởi vì chúng ta ghét đạo này nên chúng ta theo đạo khác. Có nhiều người bực mình về tôn giáo của mình thì họ đổi sang một đạo khác. Trong trường hợp người Việt Nam thường thường nếu là một tín đồ Thiên Chúa giáo họ bực mình với ai đó trong đạo Thiên Chúa thì họ sang đạo Phật, rồi Phật tử đạo Phật họ bực mình với ai đó họ sang Thiên Chúa giáo. Điều đó họ đến với một tôn giáo khác là bởi vì ghét.
Vì sợ: là những cảm xúc rất bản năng của mình. Nói về thiên vị vì sợ, chúng ta cũng biết rằng một số lớn tìm về niềm tin của mình dựa trên sự yếu đuối của kiếp người. Chúng ta cảm thấy đối với sấm sét, đối với cuộc sống, đối với thiên nhiên, cái gì cũng vượt ngoài sức của mình. Cho dù ngày hôm nay với khả năng hết sức tinh vi của khoa học kỹ thuật mà chúng ta được biết của thế kỷ vừa qua và thế kỷ này, thì chỉ một cơn tonado, một cơn trốt xoáy cũng như một cơn bão lớn động đất v.v... tất cả thứ đó đều nằm ngoài khả năng hữu hạn của con người. Do vậy con người đã tìm đến với tôn giáo như là một điểm tựa nương nhờ sau cùng. Và điểm tựa nương này có thể là vì sợ.
Vì vô minh. Vì vô minh là không thấy không biết rõ sự thật. Không biết không thấy được mục đích của đời sống. Nếu chúng ta có dịp đọc kinh Phạm Võng thì chúng ta sẽ thấy rằng không biết, không ý thức không thấy của chúng ta dựa trên nhiều điểm tinh vi, tinh vi đến đỗi người ta nói rằng mình chỉ tin một điều gì, chỉ nhờ vào tai nghe mắt thấy thôi, nhưng có những trường hợp tai nghe mắt thấy và có thần thông để nhớ được kiếp trước chúng ta vẫn có những tà kiến sai lầm.
Bởi vì sao vậy? Bởi vì nghe lầm, ắt nghĩ lại lầm, ắt nói lại lầm. Chuyện đó bình thường lắm.
Nhưng mà rồi thưa qúi vị, chúng ta không lãnh hội được hết đời sống, đời sống chứa muôn ngàn ẩn số và vì chứa muôn ngàn ẩn số đó đôi khi chúng ta lựa chọn cơ sở của niềm tin là dựa trên sự thiếu hiểu biết của mình, và đó là vì vô minh.
Trong tất cả những gì đề cập đến: vì thương, vì ghét, vì sợ hãi hoặc vì vô minh, không điều nào đáng để cho người Phật tử đặt cơ sở niềm tin của mình trên đó và dĩ nhiên là chúng ta phải rất cẩn thận, tại vì những điều này xuất phát từ trong nội tại của mình chứ không phải do ai thuyết phục mình.
Có những cơ sở của niềm tin được đạo Phật tán thán đó là người ta có thể cảm nhận được sự khổ của đời sống, do cảm nhận được sự khổ chân thật của đời sống, người đó đi tìm một đạo chân thật để giải quyết khổ. Điều này có nghĩa là dựa trên khổ của người hay khổ của mình, người ta tìm đến với đạo. Đồng thời chúng ta cũng biết rằng có những người có trí và có thái độ tôn trọng sự thật thì họ cũng thích thú với đạo Phật. Đạo Phật như chúng ta nói về xác thân, sự phù du huyễn hoá của sắc thân, bất tịnh của sắc thân, sự già nua của sắc thân. Những sự thật đó cho dù là những sự thật ta không muốn nhìn, không muốn biết và không muốn nghĩ tới, nhưng nó đã là sự thật. Bởi vì một người tôn trọng sự thật, ưa thích sự thật người đó sẽ thương đạo Phật, rất thương đạo Phật. Không may cho chúng ta là có nhiều người cố gắng để biện giải đạo Phật ở trong một phương tiện xảo ngữ, phương tiện luận lý dài giòng mà người đó quên rằng đạo Phật là tôn giáo tôn trọng sự thật, rất thật, cho dù những hoàn cảnh rất khó để nói lên sự thật thì đạo Phật vẫn nói lên được sự thật
Do vậy với một người nào ý thức được nỗi khổ của mình và của người khác, tìm được con đường thoát khổ. Những ai tôn trọng sự thật, nó là những cơ sở hết sức tốt đẹp để xây dựng niềm tin của mình. Dĩ nhiên câu hỏi này là một câu hỏi rất lớn, niềm tin để xây dựng là không phải là chuyện đơn giản, chúng tôi chỉ chia sẻ một vài điểm như vậy. Tin vào nghiệp cũng là một cơ sở niềm tin của người Phật tử, tin vào lý nhân quả đâu là khổ, đâu là nguyên nhân sanh khổ, đâu là nguyên nhân sanh hạnh phúc, điều đó cũng là cơ sở mà chúng ta không thể không nói đến khi đề cập đến giáo lý nghiệp báo./.
No comments:
Post a Comment