Hỏi: hãy coi chừng những nguyên nhân nội tại, hãy coi chừng những phiền não, hãy coi chừng mỗi ý nghĩ của mỗi cá nhân.
(bài giảng trong lớp Diệu Pháp - Minh Hạnh chuyển biên)
TTGiác Đẳng: Đức Thế Tôn từ địa vị của một người quân vương rời bỏ ngai vàng trở thành vị tu sĩ, Ngài đã đi qua nhiều biên giới, Ngài đã nói chuyện với nhiều vị vua, Ngài đã tiếp xúc với dân tộc nhiều quốc độ, cái thông điệp muôn thuở của Ngài vẫn là:
“hãy coi chừng những nguyên nhân nội tại, hãy coi chừng những phiền não, hãy coi chừng mỗi ý nghĩ của mỗi cá nhân các con”.
Những ý nghĩ đó đừng tưởng rằng nó không ra gì, những ý nghĩ đó không đồ sộ trước mắt như lâu đài thành quách, những ý nghĩ đó không phô trương như những binh hùng tướng mạnh, những ý tưởng có thể sâu kín, nó không rõ ràng như cái mà chúng ta có thể sờ, có thể ngửi, có thể nếm, có thể đụng được. Nhưng những ý tưởng đó đã xay chuyển cả nhân loại, những ý tưởng đó có thể làm đảo điên cả thế giới này, ý nghiệp luôn luôn rất trọng đại, và Đức Phật qua thông điệp của Ngài đã nhắn nhủ với chúng ta một điều khác đặc biệt quan trọng, đã sống trong thế giới này, đã sống trong trần gian này chúng ta có nhiều việc quan trọng có ý nghĩa hơn để làm hơn thua với nhau.
Chúng tôi nhớ thập niên sáu mươi, bảy mươi, Hồng Kông có một giai đọan sản xuất nhiều bộ phim võ thuật nổi tiếng, kể cả bộ phim nổi tiếng của Lý Tiểu Long chẳng hạn, và nhiều nhà tài tử của phim võ thuật nổi tiếng khác, những phim võ thường mang nội dung hận thù, và đoạn cuối của đoạn phim thường là nhân vật chính giết được kẻ thù còn bản thân của mình thì tơi tả, bản thân của mình đã chuốt lấy bao nhiêu hệ lụy. Nhìn một nhân vật sau cuộc chiến, cha chết, mẹ chết, anh chị em chết, vợ con chết, kẻ thù chết hết còn bản thân của mình thì thương tích đầy mình, đứng lên đầy chiêu khí, thấy là mình đã giết được kẻ thù rất là hả hê. Cái hình ảnh đó đem lại một ấn tượng lớn ở trong lòng của những người trẻ, thấy rằng oai hùng lắm, hấp dẫn lắm, hay ho lắm, nhưng ngồi nghĩ cho kỹ thì chúng ta thấy đó là cả một tấm bi kịch.
Ở Việt Nam ngày xưa ông bà thường nói đùa với nhau, họ nói là bên địch chết ba bên ta chết ráo, dĩ nhiên là có nhiều khi bên địch chết hết và mình cũng không còn sống xót. Nhưng sống ở trong cô quạnh và thoải mãn ở trong hận thù như thế chứng tỏ là cái bi kịch muôn thuở cho nhân loại. Cho dù đó là trận chiến lớn như là đệ nhất thế chiến, đệ nhị thế chiến hay một cuộc cãi vả của làng xóm láng giềng, hay của vợ chồng ở trong nhà.
Nếu nhìn lại thật kỹ thường thường nó phát xuất do những nguyên nhân không đâu vào đâu, những nguyên nhân rất vô cớ, có đọc được kinh Phật,có nghiền ngẫm Phật ngôn, có thấm nhuần được Phật pháp thì chúng ta mới hiểu rằng ở trong cuộc sống này để mà phiền mà giận, chúng ta có trăm ngàn lý do để mà phiền mà giận. Quí vị cứ nhìn những người nào hay buồn phiền thì lúc nào cũng có lý do để buồn phiền hết, tại vì điều này nên tôi giận, tại vì điều này nên tôi phiền. Lâu ngày chúng ta phải hiểu rằng buồn phiền nó vốn là thói quen, nó vốn là cái tật, nó vốn là vấn đề nội tại nhiều hơn vấn đề ngoại giới.
Thật sự chúng ta chỉ có một trăm năm để sống thôi qúi vị, nói một trăm năm nếu chúng ta trừ tới trừ lui thì chúng ta chưa có được 10 năm để sống trọn vẹn ở trong kiếp người này, ngoài cái bịnh, cái ăn, cái ngủ nghỉ rồi công việc v.v...Cái để sống thật sự chúng ta không có nhiều. Trong thời gian sống ngắn ngủi đó có bao nhiêu thời gian mình tìm được ý nghĩa chân thật, đa phần là tranh chấp, đa phần là tị hiềm, đa phần là hơn thua để mình bị lôi cuốn vào trong cái trăn trở thâu đêm, ở trong cái dày vò của tinh thần, và những thứ này bào mòn tuổi thanh xuân của mình, những thứ này làm mất đi tấm lòng nhiệt thành của mình, tiêu hủy cả thiện chí lớn của mình bởi vì cái nhìn sai lạc “kẻ thù hại kẻ thù, oan gia không hại oan gia, không bằng tâm niệm tà gây ác tự thân”. Kẻ thù mình không làm khổ mình nhiều bằng chính bản thân của mình, cái oan gia gây khổ cho nhau không bằng cái khỗ do tâm niệm ác.
Có ai trong cuộc đời ngăn cản được sự an lạc chúng ta hơn chúng ta đâu, và bao nhiêu những thứ phiền lụy hận thù, phải nói rằng bởi vì chúng ta cho phép những thứ đó tồn tại, không những cho phép tồn tại mà chúng ta còn đem củi đút vào trong lửa để ngọn lửa hận thù nó tiếp tục, đó là nghịch lý của cuộc sống, đó là bi kịch của kiếp người và đó là cái ngu xuẩn của tất cả chúng ta, chúng ta sống để mà phiền lụy.
Đức Phật Ngài một con người vượt lên trên, đứng ở ngoài hết, Ngài chỉ cho chúng ta một cách rõ ràng, những lúc đó nếu chúng ta có niềm tin ở Đức Phật thì chúng ta sẽ tự hỏi rằng Đức Phật đã dạy những gì, Đức Phật Ngài đã thấy những gì và Ngài đã khuyên chúng ta những gì. Có một lúc nào đó chúng ta phải nhận rằng, nhận một cách rất thành thật rằng mình không khôn hơn Đức Phật, nếu mình không khôn hơn Đức Phật, tại sao mình không chịu khó bắt chước như Đức Phật, làm theo lời Đức Phật dạy. Một trong những lý do đau khổ trong đời sống của chúng ta, là chúng ta không chịu nghe lời Đức Phật, bình thường vui vẻ thì lật kinh sách nghe pháp, nghĩ rằng nghe để đem lại hoan hỷ cho tâm hồn, nhưng những lúc gặp khó khăn, những lúc gặp phiền muộn, những lúc trong tâm tư bị dày vò, những lúc chúng ta không ngủ được, lúc đó lại quên lời Đức Phật dạy, không dám làm một cuộc phó thác, phó thác ở đây có nghĩa mình là người Phật tử, là con của Đức Phật, sống nơi Đức Phật để có niềm an lạc, chúng ta không sống theo lời Đức Phật dạy, chúng ta sống theo những nội kết, những ý tưởng sai quấy, vì vậy chúng ta khổ.
Văn hóa ngày nay là văn hóa của một nền khoa học nhân văn, người ta thường nói đến hai hiện tượng xã hội và khoa học kỹ thuật. Khoa học kỹ thuật hay khoa học nhân văn thường thường hướng con người vào những nguyên nhân mang tính xã hội, hoặc giả mang tánh cách máy móc. Chúng tôi nói máy móc ở đây là chúng ta hay đổi thừa ngoại giới ở bên ngoài xã hội, ở đây chúng tôi muốn nói rằng chúng ta hay nói chuyện đó do xã hội, do chính quyền, do thế này do thế khác, nhưng chúng ta không thành thật nhận rằng phần lớn những phiền toái xảy ra trong đời sống do cái nhìn của con người hết, mà cái nhìn đó Đức Phật nói rằng không khéo nhìn không khéo suy nghĩ, cũng thời chuyện đó mình nhìn như thế nào đó mà tâm tư mình rộng mở, nhưng không, chúng ta không nhìn như vậy, chúng ta nhìn sao cho tâm tư nó hẹp lại.
Chúng tôi nhớ cụ Hiến Lê viết một câu:
“Một ngày nào đó bạn đừng ngạc nhiên khi thấy rằng mình không được hạnh phúc, không được vui vẻ, khi trái tim mình không lớn hơn một trái ổi”.
Cái nhìn của mình nó hẹp quá tự nhiên mình đau khổ, thật đơn giản như vậy, cái nhìn của mình chừng đó thì cảnh giới của mình chừng đó, và nó làm cho mình tù túng. Không gian rộng lớn cũng giống như cảnh giới biến mãn này nó có rộng có hẹp nằm ở trong lòng chúng ta hết. Có những người mà cái nghĩ của họ không vượt xa hơn những lời qua tiếng lại, tâm tư của họ không trải rộng hơn là những hơn thua với những người chung quanh, không trách chi họ không an lạc
Đức Phật không dùng danh từ hoa mỹ, Đức Phật không dùng những ẩn ngữ khó hiểu và Ngài không nói dài dòng, Ngài nói rất thẳng, rất trực tiếp, nghĩ như vậy thì khổ như vậy, không nghĩ như vậy thì sẽ không khổ, việc đó đơn giản giống như hai với hai là bốn, ai trong chúng ta cũng hiểu được, chuyện đó đơn giản, dễ hiểu, dễ hiểu đến đỗi nhiều người đọc qua không cần muốn suy nghĩ, gì đâu phải suy nghĩ với dòng chữ này, có gì đó cần nói cần diễn đạt Đức Phật đã nói hết, không nhất thiết gì phải lập đi lập lại và thậm chí không cần phải giảng bài như chúng ta đang có tại đây, tại vì cái lời đó dễ hiểu quá, đọc đến đâu hiểu đến đó, một người có trình độ đại học cũng hiểu được, một người học lớp năm, lớp ba, và người không đi đến trường mà chỉ nghe người khác nói như vậy cũng có thể hiểu được.
Có những cuộc chiến tranh phát xuất từ nguồn máy, phát xuất từ những đầu óc mà chúng ta cho rằng những bộ óc lỗi lạc của nhân loại, không biết họ lỗi lạc về phương diện gì, nhưng những tham vọng cá nhân, những hận thù chủng tộc đã khiến người ta tạo nên một cuộc chiến, 50 năm, 30 năm nhìn lại thì nó hoàn toàn vô nghĩa, nó hoàn toàn là sự hy sinh hoang phí, hoang phí về tài lực, hoang phí về nhân sự, hoang phí về tánh mạng, hoang phí về thời gian, hoang phí về cuộc sống.
Và đừng nói chiến tranh của thế giới loài người, ngay bản thân trong đời sống của chúng ta, có bao nhiêu lần vì những va chạm trong đời sống này, chúng ta mất thì giờ, đáng lẻ chúng ta để thì giờ đó làm được những việc nên làm, đáng lẽ trong 24 giờ ít nhất chúng ta có 5, 3 tiếng đồng hồ để đọc kinh nghe pháp và làm những công việc ý nghĩa, chúng ta không làm như vậy, chúng ta ngồi đó để mà nhai đi nhai lại giống như con bò nhai cỏ, ăn xong thì về chuồng nhai lại, lặp đi lặp lại trong lòng những ý tưởng hận thù, những ý tưởng này nó chỉ có vậy thôi, nó không có gì mới mẻ hết, mình bị người khác xúc phạm, mình bị người khác lấy mất đi, mình bị người khác đánh bại, mình bị người khác chửi mắng v.v… và chính vì vậy chúng ta tiếp tục và chúng ta làm được cái gì, chúng ta chỉ muốn gây khổ cho người khác thôi, làm sao cho người khác khổ như mình, mình mới hả giận, và cứ với ý này thì giòng oan khiên lại tiếp tục, lại tiếp tục lập đi lập lại ở trong đời sống mình.
Ngày xưa anh em huynh đệ chúng tôi sống chung một mái nhà cùng cha cùng mẹ, lớn lên có những giai đọan sống cùng một mái chùa, và trong cái vui cái buồn của cái thời làm giới tử, làm điệu làm sa di ở chùa, bây giờ nếu có dịp kể lại thì nó chỉ là câu chuyện cười mà thôi,. Những câu chuyện cười đó có thể là cái vui, cái buồn, thích hay không thích, những cái đụng chạm lớn nhỏ ở trong chùa, lúc đó thì lớn chuyện lắm. Mình sống trong chùa với những giới tử khác, những vị sa di khác mà có những chuyện đụng chạm, mình thấy lớn chuyện lắm, và khi có những chuyện đụng chạm như vậy, mình thấy thế giới này phải săn tay áo lên, mình phải làm cái gì đó để ăn miếng trả miếng.
Nhưng thời gian trôi qua khi ngồi nghĩ lại những kỷ niệm của ngày thơ ấu, thì chúng ta không thấy nó quan trọng như mình nghĩ, một người láng giềng, một người đồng nhiệm, ngay cả chúng ta đang làm việc ở trong paltalk đây đã có những tranh chấp hơn thua hoặc lớn hoặc nhỏ, thì có thể bây giờ một vài người trong chúng ta thấy chuyện đó lớn lắm, thấy nó quan trọng lắm, mươi năm sau này nhìn lại nó chỉ là một áng mây trôi.
Chúng tôi nhớ người Trung Hoa họ dùng chữ để chỉ cho sự chiến đấu, chỉ cho sự tranh đua, chỉ cho sự dành giựt, họ dùng chữ gọi là "phong vân", ví dụ chúng ta nói chữ “long hổ phong vân” là một cuộc hơn thua giữa cọp và rừng, người ta nói “đỗ trường phong vân” tức là cuộc tranh chấp của giới cờ bạc hay là “phim trường phong vân” v.v… Chữ phong vân được dùng chỉ cho sự tranh chấp, nó quả là một chuyện đầy triết lý. Gió và mây, gió ảnh hưởng mây, mây ảnh hưởng gió, nó quyện với nhau, nó pha lẫn với nhau, chợt đến chợt đi, chợt ẩn chợt hiện thiên hình vạn trạng, ý nghĩa chữ phong vân thật sự lớn lắm, nhưng hơn thế nữa nó chứa đựng cả một triết lý, trong đó nó là cái gì rất phù ảo, nó là cái gì mà không có giá trị nhất định gì , nói chuyện hơn thua chỉ là chuyện gió thổi mây bay, chỉ là chuyện luôn luôn dời đổi trong cuộc đời này, nó luôn luôn dời đổi.
Nhưng con người lại muốn ôm chặc khư khư một cái gì đó, ở một điểm nào đó, và khi chúng ta ôm cái gì khư khư vào trong lòng, chính mình nghĩ rằng nó có một giá trị, có một điều mà mình phải chiến đấu vì mình đã bị sỉ nhục, mình đã bị xúc phạm, mình đã bị thế này, mình đã bị thế khác. Nhưng mình quên rằng cuộc sống chỉ là một cuộc phong vân, chỉ là một cuộc đến đi tẩu tán đổi dời của gió của mây, của bao nhiêu hiện tượng ở đời. Một người có trí không bao giờ tự mình mà để mình kẹt ở trong một điều huyển hoá như thế, cuộc sống ít nhất phải có giá trị gì lớn hơn là chuyện tranh chấp hơn thua hận thù.
Và, ở đây, buổi sáng chúng ta thức dậy , chúng ta vào nghe pháp chúng tôi thành tâm tán thán tất cả quí vị, bởi vì buổi sáng thức dậy chúng ta có thể nghĩ nhiều chuyện hơn thua ở trong sở, chuyện bực bội ở trong nhà, nhưng rồi chúng ta đã không nghĩ tới, chúng ta vào đây để nghe pháp, buổi tối thay vì quí vị nghĩ tới chuyện hơn thua phiền toái, thì quí vị lại cũng vào đây để nghe pháp, chúng tôi rất cảm kích điều đó, bởi vì sao, bởi vì đã cho thấy những ưu tiên lớn hơn của đời sống. Nguyện cầu ân lành Tam Bảo gia hộ cho tất cả chúng ta có một tâm tư thanh thản giữa cuộc sống đầy hận thù khổ lụy này./.
No comments:
Post a Comment