Tuesday, September 25, 2018

Phật Giáo Trên Thế Giới - Afghanistan

di tích phật giáo, Afghanistan,

Afghanistan từng có một thời Phật giáo phát triển thịnh vượng

Afghanistan ngày nay là một quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi, nhưng trước khi Hồi giáo xuất hiện tại đây vào thế kỷ thứ 7, nơi đây từng có một cộng đồng Phật giáo thịnh vượng đã để lại những di tích tráng lệ như chứng tích của một thời đã qua.

Vào thế kỷ thứ nhất SCN, Phật giáo đến với Afghanistan thông qua những người hành hương của Đế chế Kushan – một vương quốc ẩn mình dưới dãy núi Himalaya, tồn tại từ đầu thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ 3.

Kanishka Đại đế, vị Hoàng đế lẫy lừng nhất của Kushan, cũng chính là một Phật tử trung thành của Phật giáo. Phật giáo phát triển mạnh mẽ ở Trung Á trong triều đại của ông. Các tu viện và những pho tượng khổng lồ được xây dựng cùng các hang động được đào sâu vào sa thạch để thu hút nhiều người hành hương từ phương Đông và các ẩn sĩ muốn sống đời thiền định.

Nhưng lòng thành kính của Kanishka với Phật giáo lại trở thành thứ yếu so với nỗ lực ngoại giao mở rộng con đường tơ lụa – một mạng lưới kinh doanh trải rộng khắp châu Á – đang trên đà phát triển.

Tuy nhiên, các kiến ​​trúc sư và thợ thủ công theo đạo Phật đã tạo ra một số tác phẩm điêu khắc và công trình đáng kinh ngạc nhất trong khu vực. Chẳng hạn như tại thị trấn Bamyan, có hai bức tượng Phật tuyệt đẹp cao hơn 53m, được chạm khắc vào vách đá, cùng các hang động để làm nơi cầu nguyện và khoảng 10 tu viện.

Theo một tài liệu do một nhà sư sống ở thế kỷ thứ 7 viết lại, các bức tượng này được trang trí bằng “màu vàng kim rực rỡ và được nhấn nhá với những viên đá quý tuyệt đẹp”.

Được nhiều người xem là địa danh văn hóa trọng yếu nhất của khu vực, những địa điểm này đã thu hút rất nhiều khách hành hương trong một khoảng thời gian dài. Thật không may, mặc dù các bức tượng Phật được xây dựng từ thế kỷ thứ 6 này vẫn tồn tại qua thời gian, nhưng chúng đã bị Taliban phá hủy năm 2001.

Tuy nhiên, Bamyan không phải là nơi linh thiêng duy nhất dành cho Phật tử ở Afghanistan. Bên bờ sông Khulm, thị trấn cổ xưa Samangan từng là nơi cư ngụ của hàng trăm tu sĩ sống bên trong và xung quanh khu phức hợp tu viện hang đá có mái vòm khổng lồ, được các tín đồ Phật giáo gọi là “bảo tháp”.

Theo truyền thuyết, chính trong bảo tháp này, Vua Ba Tư Rostam đã kết hôn cùng cô dâu Tamina. Được xây dựng vào giữa thế kỷ 4-5, bảo tháp này mang tên Takht-e-Rostam, có nghĩa là ngai vàng của Rostam.

Các bảo tháp của Phật tử thường được xây dựng trên mặt đất, nhưng điều làm cho Takht-e-Rostam trở nên đặc biệt là nó được chạm khắc vào vách núi. Do được xây dựng trong cuộc khủng hoảng cùng với thời kỳ sụp đổ của đế quốc Kushan, nên người ta cho rằng khu phức hợp tu viện này được xây dựng trên vách đá để ngụy trang khỏi những vị khách không mong muốn như Hephthalites, Huns, hoặc đế chế Gupta mới nổi, với quyền lực ngày càng tăng trong khi người Kushan lại đang ở trong thời kỳ suy tàn.

Những địa danh cổ xưa kỳ lạ khắp thế giới

Cùng với những tàn tích của Samangan, có một địa điểm khảo cổ mang tính lịch sử quan trọng khác chỉ cách Kabul, thủ đô của Afghanistan khoảng 40km. Nơi ở cổ xưa của người Mes Aynak được biết đến nhờ khu phức hợp tu viện đa nguyên, được bao quanh với các bức tường và tháp đồng hồ, và cả lịch sử sản xuất đồng có niên đại từ thời cổ xưa.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015 trên kênh National Geographic về Mes Aynak, Zemaryalai Tarzi, một nhà khảo cổ học người Afghanistan nói rằng:

“[Từ trước tới nay], tôi không biết bất kỳ địa điểm nào khác mà các tu viện cùng tồn tại hòa hợp với các trung tâm sản xuất hay các khu công nghiệp. Trước đây chưa từng có tiền lệ nào về mối quan hệ chặt chẽ giữa các tu viện Phật giáo với những người khai thác tài nguyên thiên nhiên phục vụ công nghiệp, thương mại nào như vậy cả”.

Trong khu vực này, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật bao gồm tượng, chén và đồ trang sức bằng vàng, xác nhận rằng khu di tích Phật giáo đặc biệt này được các nhà sư giàu có nắm quyền kiểm soát hoặc tham gia các hoạt động khai thác đồng xây dựng.

Khu vực này ngày nay là mục tiêu của các nhà đầu tư Trung Quốc, họ đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Afghanistan vào năm 2007, nắm quyền khai thác 12,5 triệu tấn đồng trị giá hàng chục tỷ đô-la. Tất nhiên, những hoạt động như vậy chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho địa điểm khảo cổ học này.

Cộng đồng quốc tế đã kêu gọi các nhà đầu tư trì hoãn kế hoạch khai thác cho đến khi khu vực được kiểm tra kỹ lưỡng và phát hiện thêm càng nhiều cổ vật nhất có thể.

Kể từ khi Bảo tàng Quốc gia Afghanistan ở Kabul trở nên tồi tàn do những xung đột trải qua hàng thập kỷ gây cản trở sự phát triển của đất nước, khả năng lưu giữ các hiện vật cũng là cả một vấn đề. Vì số lượng cổ vật phát hiện được quá nhiều, nên chỉ có những phát hiện quan trọng nhất mới được lưu giữ.

Bị phát hiện tham nhũng trong các giao dịch đầu tư nước ngoài cùng với hậu quả của các cuộc xung đột dài hạn, chính phủ Afghanistan cảm thấy khó khăn khi thực hiện các hoạt động khảo cổ học. Một phần của di sản văn hóa thế giới này có thể sẽ biến mất mãi mãi, vì những di tích cuối cùng của cộng đồng Phật giáo Afghanistan đang dần biến mất trước mắt chúng ta.
Bảo San, theo TVN
nguon: tinhhoa.net

No comments:

Post a Comment