Thursday, February 16, 2017

Điển Hay Tích Lạ - Kê minh cẩu đạo

Kê minh cẩu đạo

Ý của câu thành ngữ này là bắt chước tiếng gà gáy và giả làm chó vào ăn trộm.

Câu thành ngữ này có xuất xứ từ: "Sử ký - Truyện Mạnh Thường Quân".

Nhận lời mời của Tần Chiêu Vương, Mạnh Thường Quân người nước Tề đã cùng một số môn khách sang thăm nước Tần, đồng thời còn đem theo một chiếc áo lông chồn trắng rất quý hiếm làm quà tặng cho vua Tần.

Về sau, vua Tần ngại vì Mạnh Thường Quân là quý tộc nước Tề, không muốn trọng dụng ông, nhưng lại cảm thấy Mạnh Thường Quân hiểu biết quá nhiều tình hình nước Tần, nên đã quyết định giam lỏng ông ở nước Tần. Em trai vua Tần là Kinh Tương Quân đã bày cách cho Mạnh Thường Quân đến gặp Yến phi - người được vua Tần cưng yêu cứu giúp. Nhưng khi Mạnh Thường Quân đến gặp thì Yến phi đã đưa ra điều kiện phải tặng chiếc áo lông chồn cho nàng thì nàng mới đến xin với vua Tần.

Mạnh Thường Quân nghe vậy mới đến bàn với đám môn khách cùng đi. Có một người ngồi ở cuối hàng nói: "Tôi sẽ lẻn vào trong cung lấy trộm chiếc áo lông chồn kia ra". Mạnh Thường Quân vội hỏi lại: "Anh sẽ lấy bằng cách nào?". Người kia đáp: "Tôi sẽ giả làm chó rồi lẻn vào trong cung". Ngay đêm đó, người này quả nhiên đã lấy được chiếc áo lông chồn ra tặng cho Yến phi. Sau đó, trước lời cầu xin của Yến phi, vua Tần mới nhận lời tha cho Mạnh Thường Quân.

Mạnh Thường Quân sợ vua Tần nuốt lời, bèn lập tức cuốn gói rời khỏi nước Tần. Nhưng khi đến Hàm Cốc Quan thì gà còn chưa gáy sáng, nên cửa thành vẫn chưa mở. Giữa lúc đó, một môn khách đã bắt chước tiếng gà gáy, khiến gà ở xung quanh cũng lần lượt gáy theo. Lính canh cửa tưởng trời đã sáng liền ra mở cửa thành, nên cả đám người mới chạy thoát ra ngoài thành.

Sau đó, vua Tần quả nhiên hối hận về việc thả Mạnh Thường Quân, nhưng bấy giờ đã quá muộn.

Hiện nay, Người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ "Kê minh cẩu đạo"để ví với kỹ xảo hoặc hành vi thấp hèn.

No comments:

Post a Comment